Nga và Mỹ xem xét hợp tác năng lượng tại Bắc Cực
Nga và Mỹ đã thảo luận về khả năng hợp tác trong các dự án năng lượng tại Bắc Cực trong một cuộc họp ở Saudi Arabia hôm 18/2, theo một nhà đàm phán hàng đầu của Nga chia sẻ với tờ POLITICO.

Ông Kirill Dmitriev, người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF). Ảnh: Kremlin.ru
Cuộc gặp đầu tiên giữa quan chức hai nước Nga và Mỹ kể từ sau cuộc điện đàm quan trọng hôm 12/2 giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin đã đưa các dự án khai thác hydrocarbon chung trở lại chương trình nghị sự, trong khi Ukraine bị gạt ra bên lề.
Ông Kirill Dmitriev, người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), cho biết các cuộc thảo luận kinh tế chủ yếu mang tính khái quát, nhưng hai bên đã đề cập đến một số lĩnh vực hợp tác cụ thể. "Đây là một cuộc thảo luận tổng thể, nhưng có thể bao gồm cả các dự án chung tại Bắc Cực. Chúng tôi đã thảo luận cụ thể về Bắc Cực", ông Dmitriev cho biết qua điện thoại khi ông lên chuyến bay trở về sau cuộc đàm phán tại Riyadh.
Cuộc đàm phán này đã khiến nhiều nước châu Âu lo lắng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin có vẻ sẽ quyết định tương lai của Ukraine mà không có sự tham gia đáng kể của Kiev hay các đồng minh phương Tây.
Về phần mình, Tổng thống Trump muốn mở rộng ảnh hưởng của Mỹ tại Bắc Cực, từng nhiều lần bày tỏ ý định mua lại đảo Greenland từ Đan Mạch. Ông cũng không loại trừ việc sử dụng vũ lực hoặc biện pháp kinh tế để kiểm soát hòn đảo rộng lớn này, nơi có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú và vị trí chiến lược quan trọng.
Trước đây, tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ đã hợp tác với Rosneft, công ty dầu khí quốc doanh của Nga, để thăm dò hydrocarbon tại vùng Bắc Cực. Tuy nhiên, tập đoàn này đã rút lui vào năm 2018 sau khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga vì sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Ông Dmitriev tham gia phái đoàn Nga đàm phán với Mỹ, trong đó có Ngoại trưởng Sergey Lavrov và cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin, Yuri Ushakov. Họ đến Saudi Arabia để tham gia các cuộc thảo luận ban đầu về vấn đề Ukraine. Cuộc gặp hôm 18/2 đánh dấu lần tiếp xúc đầu tiên giữa quan chức hai nước kể từ sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin hôm 12/2.
Ông Dmitriev cho biết cuộc thảo luận về kinh tế diễn ra khá tích cực nhưng từ chối chia sẻ chi tiết về các cuộc thảo luận chính trị. Dẫn đầu phái đoàn Mỹ là Ngoại trưởng Marco Rubio, cùng Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz và Đặc phái viên Trung Đông Steve Witkoff.
"So với thời chính quyền Tổng thống Biden, khi mọi kênh liên lạc và đối thoại bị phá hủy hoàn toàn, thì đây là một bước tiến tích cực", ông Dmitriev cho biết.
Ngoài ra, ông Dmitriev cũng trình bày một ước tính của RDIF rằng các doanh nghiệp Mỹ đã thiệt hại khoảng 300 tỷ USD do rút khỏi thị trường Nga sau khi Moskva phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022.
"Có một sự nhận thức rằng quan hệ căng thẳng giữa Nga và Mỹ đã gây tổn thất lớn cho các doanh nghiệp Mỹ, và vẫn có cơ hội hợp tác mang lại lợi ích cho cả hai bên", ông nói.
Ông cũng nhận định sau cuộc gặp này, khả năng về các khoản đầu tư chung giữa Nga và Mỹ đã trở nên hiện thực hơn trước đây.
Về bước tiếp theo, ông Dmitriev cho biết hai bên đã đồng ý thiết lập các nhóm làm việc và duy trì các cuộc tiếp xúc cấp cao thường xuyên. Tuy nhiên, chưa có cuộc họp tiếp theo nào được lên lịch cụ thể.
RDIF được thành lập vào năm 2011 nhằm hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài trong các dự án tại Nga. Quỹ này sau đó cũng hỗ trợ phát triển vaccine phòng chống Covid-19. Tuy nhiên, sau khi xung đột Ukraine nổ ra, RDIF bị cô lập khi các nhà đầu tư nước ngoài rút lui hoặc giảm bớt sự hiện diện tại Nga.