Nga và Mỹ tung con 'át chủ bài' tại Ukraine trước khi ông Trump nắm quyền
Hai động thái địa chính trị quan trọng: một của chính quyền Tổng thống Mỹ Biden và một của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã làm xoay chuyển quỹ đạo của cuộc xung đột Nga-Ukraine theo hướng nguy hiểm hơn. Những diễn biến này, xảy ra chỉ 2 tháng trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chuẩn bị nhậm chức.
Nga và Mỹ tung con “át chủ bài” tại Ukraine
Cam kết của ông Trump về việc kết thúc xung đột trong vòng 24 giờ đã làm tăng thêm tính cấp thiết cho phép tính chiến lược hiện tại. Việc Tổng thống Biden cho phép Ukraine triển khai tên lửa tầm xa ATACMS tầm xa vào sâu trong lãnh thổ Nga đánh dấu sự thay đổi đáng kể về lập trường của Mỹ. Cùng với đó, khoản viện trợ quân sự mới trị giá gần 300 triệu USD, trong đó có cả mìn chống bộ binh, cho thấy chính quyền Biden đang nỗ lực hết sức để giúp đỡ Kiev trước sức ép không ngừng nghỉ của Nga ở mặt trận phía đông.
Đối với Ukraine, các quyết định trên được đưa ra vào thời điểm quan trọng, khi lực lượng nước này phải gồng mình giữ vững lãnh thổ trước những đòn tấn công áp đảo của đối phương. Theo giới phân tích, sự thay đổi chính sách của chính quyền Biden được coi là sự phản ứng trước diễn biến mới đáng lo ngại: Triều Tiên triển khai hàng nghìn binh sỹ hỗ trợ Nga củng cố tiền tuyến. Washington coi đó là một "sự leo thang lớn" và quyết định điều chỉnh lại các ranh giới đỏ của nước này. Sau quyết định của Tổng thống Biden, Tổng thống Putin đã tăng cường các mối đe dọa đối với Ukraine và phương Tây khi sửa đổi học thuyết hạt nhân nhằm nới lỏng các điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân của nước này. Đây là tín hiệu cho thấy Moscow sẽ không từ bỏ bất cứ biện pháp nào để tránh thất bại.
Trong bối cảnh cuộc xung đột ngày càng leo thang, việc ông Trump trở lại Nhà Trắng làm dấy lên mối lo ngại về tương lai bất định đối với Ukraine. Sau gần 3 năm giao tranh, Ukraine đã phải chịu tổn thất lớn về nhân lực và vật lực. Hiện tại, Kiev đang phải đối mặt với thách thức kép: ngăn chặn đà tiến của Nga và chuẩn bị ứng phó với sự thay đổi về mặt chính trị tại Washington. Một số nhà quan sát cho rằng, Tổng thống Zelensky cùng các thành viên trong chính phủ của ông cần phải giải mã cam kết chấm dứt xung đột của ông Trump trong thời gian sớm nhất.
Tổng thống đắc cử Donald Trump là một người khó đoán, thường đưa ra những tuyên bố gây bất ngờ. Ông Zelensky dù rất thận trọng nhưng vẫn hy vọng nhà lãnh đạo mới của Mỹ có thể ưu tiên một cách tiếp cận đa chiều hơn, mang tính chiến lược hơn thay vì thúc đẩy một thỏa thuận ngắn hạn.
Thử thách đối với chính quyền ông Trump
Các quan chức Ukraine cho rằng, một trong những mục tiêu lớn nhất của ông Trump có thể là thực hiện một nỗ lực nhằm định hình chính sách đối ngoại của ông. Họ lập luận, để đạt được điều này, ông Trump sẽ phải đối mặt với lựa chọn khó khăn là gây sức ép với cả Ukraine và Nga mà không làm suy yếu vai trò dẫn đầu Mỹ. Rủi ro là rất lớn. Bất kỳ bước đi sai lầm nào cũng có thể khiến chính quyền ông Trump lún sâu vào cuộc xung đột, như những gì đã diễn ra tại Afghanistan dưới thời Biden.
Cuộc chiến tại Afghanistan đã gây ám ảnh đối với chính quyền Biden và tạo ra vệt tối trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Nếu Ukraine trở thành Afghanistan thứ hai, thì điều này có thể đe dọa vị thế của Mỹ. Đây là một canh bạc lớn, được cho là sẽ thử thách chiến lược và tài ngoại giao của ông Trump.
"Chắc chắn xung đột sẽ kết thúc, một phần nhờ vào chính sách của đội ngũ sẽ tiếp quản Nhà Trắng. Đây là cách tiếp cận của họ và cam kết mà họ đã đưa ra với người dân Mỹ”, ông Zelensky phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông Suspilne của Ukraine. Thời gian gần đây, ông Zelensky bày tỏ mong muốn chấm dứt cuộc chiến thông qua biện pháp ngoại giao vào năm 2025, đồng thời hy vọng hòa bình có thể đến sớm hơn khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như coi thời điểm này là một sự tạm dừng mang tính chiến lược, có thể đưa Nga vào vị thế có lợi. Nga đã phát động cuộc tấn công trên không lớn nhất vào Ukraine trong ba tháng qua, như một lời cảnh báo sắc lạnh với Kiev. Lo ngại về sự gia tăng các cuộc tấn công, một số đại sứ quán phương Tây tại Ukraine đã tạm thời đóng cửa.
Việc Nga tích trữ tên lửa Iskander và Kinzhal có thể là điều đã được tính toán kỹ lưỡng để gửi một thông điệp tới chính quyền mới của Mỹ. Thông điệp này rất rõ ràng: Nga sẽ chỉ tham gia các cuộc đàm phán trong tương lai khi đạt được vị thế mà không ai có thể phủ nhận. Đối với Moscow, trong cuộc đàm phán tiềm năng, họ có thể không chấp nhận bất cứ thỏa hiệp nào, mà thay vào đó đưa ra các điều khoản. Những động thái gần đây của Điện Kremlin cũng cho thấy nỗ lực nhằm thách thức quyết tâm của Ukraine và tạo tiền đề cho các cuộc thảo luận với Tổng thống đắc cử Donald Trump. Đối với Ukraine, thách thức là rất lớn khi nước này phải duy trì khả năng phục hồi trong bối cảnh phụ thuộc chủ yếu vào sự trợ giúp từ bên ngoài và tình hình trên chiến trường.
Nếu như trước đây Nga tin rằng, dù sớm hay muộn, Ukraine sẽ khó có thể tiếp tục cầm cự trên chiến trường. Nhưng niềm tin đó dường như đã thay đổi trong tháng này. Việc chính quyền Biden đảo ngược chính sách về cung cấp vũ khí cho Ukraine đã làm phức tạp các tính toán của Moscow. Bên cạnh đó, Kiev cũng đang thể hiện quyết tâm củng cố tuyến phòng thủ bằng cách tăng cường sử dụng đạn dược, pháo binh, tên lửa, máy bay không người lái và mìn chống bộ binh. Khi Nga cân nhắc các động thái tiếp theo, họ phải xem xét không chỉ khả năng phục hồi của Ukraine mà còn đối mặt với sự khó đoán của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Đối với Nga và Ukraine, mọi đường hướng đều chưa rõ ràng và các bên có thể phải đối mặt với một tương lai mơ hồ, cũng như những nguy cơ tiềm ẩn.