Nga tham vọng mở tuyến đường biển ngắn nhất nối Á - Âu

Với việc liên tiếp công bố các dự án đóng siêu tàu phá băng mạnh nhất thế giới, Nga đang nỗ lực chinh phục Bắc Cực, mở tuyến đường biển phía Bắc.

Dùng tàu phá băng chinh phục Bắc Cực

Theo tờ Eurasia, Phó thủ tướng thứ nhất Nga Denis Manturov vừa công bố dự án đóng siêu tàu phá băng hạt nhân mạnh nhất thế giới Rossiya, dự kiến hoàn tất vào năm 2030.

Ông Manturov khẳng định, siêu tàu phá băng đầu tiên mang tên Rossiya hiện được đóng tại xưởng Zvezda ở vùng Viễn Đông. Tàu được trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân RITM-400 có công suất mỗi lò 315MW.

Siêu tàu phá băng hạt nhân mạnh nhất thế giới Rossiya.

Siêu tàu phá băng hạt nhân mạnh nhất thế giới Rossiya.

Chiều dài tàu lên tới hơn 209m, rộng 47,4m và chiều sâu 18,7m, có khả năng di chuyển với tốc độ 23 hải lý/h. Khi hạ thủy và đi vào hoạt động, Rossiya sẽ là tàu phá băng mạnh nhất thế giới, có thể phá những tảng băng dày 4,3m, tạo ra tuyến đường thủy rộng tới 50m.

Cùng với đó, ông Manturov cũng tiết lộ, Nga tiếp tục đóng các tàu phá băng hạt nhân cỡ nhỏ có công suất khoảng 60MW tại xưởng đóng tàu Baltic. Hiện Nga đang triển khai 3 tàu phá băng gần xưởng này tại khu vực Bắc Băng Dương là Arktika, Sibir và Ural.

Bắc Cực đang chịu xu hướng thời tiết nóng lên nhanh nhất trên Trái Đất và phạm vi băng biển đã giảm 3 - 4% mỗi thập kỷ kể từ năm 1979.

Nga còn dự kiến đến cuối năm 2024, sẽ đưa thêm tàu phá băng Yahutia vào biên chế của Hải quân Nga. Trong giai đoạn năm 2026 - 2030, Hải quân Nga tiếp nhận thêm 3 tàu siêu phá băng hạt nhân trong đó tàu Rossiya được coi là bước nhảy vọt đầu tiên cả về năng lực và sức mạnh phá băng.

Cho đến nay, Nga là quốc gia duy nhất đang sử dụng các tàu phá băng hạt nhân với biên đội gồm 7 chiếc. Nếu tính cả tàu phá băng chạy bằng nhiên liệu truyền thống, con số này tăng lên khoảng 40 chiếc.

Bên cạnh đẩy mạnh triển khai tàu phá băng hạt nhân, Nga còn bổ sung thêm cả tàu hộ vệ tên lửa và các loại tàu ngầm chuyên dụng có khả năng di chuyển linh hoạt, nhanh chóng trong điều kiện thời tiết băng giá ở Bắc Cực.

Mở tuyến đường ngắn nhất nối Âu - Á

Năm 2021, Tập đoàn cơ khí hạt nhân JSC Afrikantov OKBM bắt tay xây dựng thành phần chính của lò phản ứng hạt nhân RITM-400.

Lò phản ứng hạt nhân RITM-400 được coi là bước tiến đột phá so với lò phản ứng hạt nhân RITM-200 vốn hiện diện trên các tàu phá băng thuộc Dự án 22220, như tàu Arktika đã đi vào hoạt động từ tháng 10/2020.

Tàu phá băng Yamal của Nga di chuyển qua Bắc Băng Dương trên đường đến Bắc Cực.

Tàu phá băng Yamal của Nga di chuyển qua Bắc Băng Dương trên đường đến Bắc Cực.

Với công suất nhiệt hạch lên đến 315MW, lò phản ứng hạt nhân RITM-400 mạnh hơn 1,8 lần so với RITM-200, cho phép tàu phá băng Rossiya và các tàu phá băng của hoạt động quanh năm ở tuyến hàng hải trên Biển Bắc. Lò phản ứng này cũng có thể hỗ trợ các tàu khác di chuyển lên Bắc Cực, bao gồm cả tàu siêu trọng.

Theo giới quan sát, việc chinh phục Bắc Cực sẽ mang lại cho Nga một giải pháp thay thế trong bối cảnh nước này đang chịu hàng loạt lệnh trừng phạt vì cuộc xung đột ở Ukraine.

Từ tình trạng băng tan dưới tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu, Nga hy vọng sẽ xây dựng một tuyến đường hàng hải phía Bắc nối châu Âu với châu Á, được gọi là "Tuyến đường biển phía Bắc".

Đây là tuyến đường biển ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á, dài khoảng 13.000km, chạy từ biển Barents tới eo biển Bering, nằm giữa Siberia và Alaska. Trong tương lai, tuyến đường này có thể cạnh tranh với kênh đào Suez, nằm ở phía Đông Ai Cập, dự kiến vận chuyển 150 triệu tấn hàng hóa vào năm 2030.

Từ đầu tháng 10/2023, Nga đã thông báo ý định thực hiện chuyến đi đầu tiên từ Trung Quốc tới Nga qua tuyến đường biển phía Bắc này. Sau đó, hồi tháng 11/2023, Gazprom tuyên bố giao khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho Trung Quốc lần đầu tiên thông qua tuyến đường biển phía Bắc.

Thay đổi lĩnh vực vận tải truyền thống

Đầu tháng 6/2024, tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St-Petersburg, cơ quan hạt nhân nhà nước Rosatom của Nga đã ký bản ghi nhớ với công ty vận tải biển Trung Quốc để thiết lập tuyến vận chuyển container quanh năm giữa hai nước thông qua tuyến đường biển phía Bắc.

Cụ thể, Rosatom và Công ty Vận tải NewNew Hải Nam của Trung Quốc sẽ thành lập liên doanh về thiết kế và đóng tàu container cũng như hoạt động chung của hãng tàu.

Ông Vladimir Panov, đại diện đặc biệt của Rosatom cho biết, dự kiến sẽ có 12 chuyến được lên kế hoạch vào năm 2024 và hai bên hy vọng sẽ vận chuyển 50 triệu tấn hàng hóa/năm.

Không dừng ở đó, năm 2023, Rosatom đã thành lập một liên doanh với DP World của Dubai để phát triển vận tải container qua Bắc Cực, một tuyến đường khả thi do băng biển Bắc Cực tan chảy liên quan biến đổi khí hậu.

Chủ tịch của DP World, ông Sultan Ahmed bin Sulayem cho rằng, tuyến đường biển phía Bắc đã chứng tỏ có thể làm thay đổi lĩnh vực vận tải. Trong bối cảnh các vấn đề về chuỗi cung ứng và bất ổn địa chính trị cho thấy, đây là giải pháp có thể thay thế các tuyến vận chuyển truyền thống.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nga-tham-vong-mo-tuyen-duong-bien-ngan-nhat-noi-a-au-19224070121531485.htm
Zalo