Nga tăng cường hoạt động dòng máy bay ném bom lâu đời nhất thế giới Tu-95
Ngày 5/5, hình ảnh vệ tinh do nhà phân tích tình báo nguồn mở MT Anderson, công bố trên nền tảng X cho thấy hoạt động bất thường tại căn cứ không quân Belaya, nằm sâu trong vùng Siberia của Nga
Trong ảnh, có thể thấy 9 máy bay ném bom chiến lược Tu-95 đang đậu tại căn cứ, cùng một chiếc khác đang chuẩn bị cất hoặc vừa hạ cánh.
Máy bay ném bem chiến lược Tu-95. (Nguồn: X)
Belaya nằm ở tỉnh Irkutsk, cách thành phố Irkutsk khoảng 85 km và cách Ukraine hơn 4.000 km. Sự xuất hiện dày đặc của các máy bay ném bom Tu-95, biểu tượng thời Chiến tranh Lạnh, còn được NATO gọi là "Bears", đã làm dấy lên nhiều suy đoán về ý định quân sự mới của Moscow, nhất là trong bối cảnh chiến sự Ukraine chưa hạ nhiệt.
Tập trung bất thường
Căn cứ Belaya từ lâu đã đóng vai trò trọng yếu trong mạng lưới không quân tầm xa của Nga. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nơi đây từng là điểm đóng quân của các máy bay ném bom Tu-16 và Tu-22.
Đến nay, căn cứ là nơi hoạt động của Trung đoàn máy bay ném bom hạng nặng số 200, vận hành các máy bay Tu-22M3. Với 38 khu trú ẩn máy bay cùng đường băng rộng lớn, Belaya có thể hỗ trợ những chiến dịch không quân quy mô lớn.
Vị trí địa lý biệt lập của Belaya, cách xa tầm với của Ukraine và khỏi sự giám sát chặt chẽ của NATO, giúp Nga bảo vệ các khí tài chiến lược khỏi các cuộc tấn công bằng UAV hay tên lửa tầm xa.
Trong thời gian gần đây, các chuyên gia OSINT ghi nhận hoạt động tăng cường tại căn cứ này, bao gồm sự xuất hiện của sáu máy bay vận tải Il-76MD vào ngày 17/4, có thể mang theo tên lửa hành trình Kh-101, cùng với bảy chiếc Tu-95MS từ các căn cứ Olenya và Engels.
Tránh tầm tấn công, giữ vững hỏa lực
Xung đột tại Ukraine đã bước sang năm thứ ba, chứng kiến việc Nga thường xuyên sử dụng Tu-95 để phóng tên lửa hành trình Kh-101 và Kh-55SM từ những căn cứ an toàn như Olenya (gần Murmansk) hay Engels (tỉnh Saratov).
Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, Ukraine đã mở rộng tầm tấn công và nhắm thẳng vào các căn cứ này, bao gồm cuộc tấn công vào Engels năm 2022 khiến hai chiếc Tu-95 bị hư hại.
Belaya vì thế trở thành một lựa chọn chiến lược: đủ xa để tránh bị tấn công, nhưng vẫn trong tầm phóng tên lửa tới các mục tiêu khắp châu Âu hoặc châu Á.
Tu-95, đưa vào hoạt động từ năm 1952, là một trong những máy bay ném bom lâu đời nhất thế giới còn đang phục vụ. Dù cũ, nó vẫn là trụ cột trong lực lượng răn đe của Nga. Sử dụng bốn động cơ Kuznetsov NK-12 với cánh quạt quay ngược chiều, Tu-95 có vận tốc khoảng 920 km/giờ và tầm bay hơn 12.000 km mà không cần tiếp nhiên liệu.
Loại vũ khí chính của Tu-95 hiện nay là tên lửa hành trình Kh-101, có tầm bắn tới 5.500 km và khả năng dẫn đường chính xác. Biến thể Kh-102 mang đầu đạn hạt nhân thể hiện rõ vai trò kép của Tu-95 trong cả chiến tranh thông thường và răn đe hạt nhân.
Căn cứ Belaya trong thế trận toàn cầu
Biến thể Tu-95MS, xuất hiện tại Belaya, là mẫu hiện đại nhất trong dòng Tu-95, được nâng cấp hệ thống dẫn đường GLONASS và tích hợp điện tử hàng không tiên tiến. Một biến thể mới hơn là Tu-95MSM, ra mắt năm 2020, có khả năng đối phó điện tử và tương thích tốt với tên lửa Kh-101.
Ước tính Nga đang vận hành khoảng 40 chiếc Tu-95MS và MSM, nhưng số lượng sẵn sàng chiến đấu thường bị giới hạn do thách thức về bảo trì và linh kiện, đặc biệt dưới sức ép của các lệnh trừng phạt.
Tu-95 thường được so sánh với B-52 Stratofortress của Mỹ, loại máy bay cũng có tuổi đời hơn nửa thế kỷ và đang tiếp tục được nâng cấp đến tận năm 2050. Cả hai cùng đại diện cho chiến lược sử dụng thiết kế bền bỉ, tiết kiệm chi phí thay vì theo đuổi các công nghệ tàng hình hay siêu thanh.
Tu-95 từng là biểu tượng không chiến thời Chiến tranh Lạnh,thường bay dọc không phận NATO và bị tiêm kích Mỹ áp sát. Trong những năm gần đây, máy bay này đã tham gia không kích tại Syria và hiện là công cụ chủ lực trong các chiến dịch tấn công tầm xa nhằm vào Ukraine.
Theo báo cáo từ Ukraine, vào tháng 11/2024, chín chiếc Tu-95MS từ Olenya đã tấn công Kiev và Odesa bằng tên lửa hành trình. Việc điều động máy bay đến Belaya có thể là một biện pháp phân tán lực lượng nhằm tránh bị phát hiện hoặc tấn công sớm từ Ukraine.
Belaya không phải là cái tên xa lạ trong lịch sử quân sự Nga. Vào năm 1954, căn cứ này từng được sử dụng cho các chuyến bay do thám liên quan đến thử nghiệm hạt nhân. Sau Chiến tranh Lạnh, Trung đoàn máy bay ném bom hạng nặng số 200 được chuyển đến đây vào năm 1994, củng cố vị thế chiến lược lâu dài của Belaya.