Nga nêu lý do đằng sau sự sụp đổ của cựu Tổng thống Syria Assad
Việc Mỹ chiếm đóng các khu vực giàu dầu mỏ ở Syria, và lệnh trừng phạt kinh tế hà khắc kéo dài nhiều năm đã góp phần làm sụp đổ chính quyền của cựu Tổng thống Bashar Assad.
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Tass, ông Lavrov cho biết "một trong những lý do khiến tình hình trở nên tồi tệ là do ban lãnh đạo Syria trước đây không thể đáp ứng được các nhu cầu cơ bản của người dân giữa lúc xung đột dân sự kéo dài".
“Một phần lớn trách nhiệm thuộc về Washington, khi họ chiếm đóng khu vực đông bắc giàu tài nguyên nhất của Syria, và cũng gây áp lực trừng phạt nghiêm trọng đối với Damascus”, Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh, sự “bóp nghẹt” kinh tế của Washington đã dẫn đến sự bất mãn trong dân chúng Syria.
Cũng theo ông Lavrov, khi đối mặt với điều kiện kinh tế tồi tệ, chính quyền của ông Assad đã phải thực hiện các biện pháp không được lòng dân, dẫn đến các cuộc biểu tình. Dù Moscow đã cung cấp viện trợ nhân đạo cho Damascus, nhưng chính quyền cũ đã không tiến hành các cuộc đối thoại có ý nghĩa với phe đối lập và các nước láng giềng.
Các nhóm vũ trang đối lập do Hayat Tahrir-al-Sham (HTS) đứng đầu đã tiến hành tấn công bất ngờ vào cuối tháng 11, và nhanh chóng nắm quyền kiểm soát các vùng rộng lớn ở Syria, sau đó tiến tới thủ đô Damascus chỉ trong vài ngày. Tổng thống Assad cùng gia đình đã phải tới Nga tị nạn.
Quân đội Mỹ đã có mặt ở Syria từ đầu năm 2014 nhằm tiêu diệt nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Chính quyền của ông Assad từng nhiều lần lên án sự hiện diện của lực lượng Mỹ, và cáo buộc Washington đánh cắp tài nguyên thiên nhiên.
Lầu Năm Góc mới đây tiết lộ có khoảng 2.000 quân nhân Mỹ đang đồn trú tại các căn cứ quân sự ở Syria, tăng so với con số 900 người được báo cáo trước đó.
Nga cũng duy trì sự hiện diện quân sự ở Syria, và hoạt động tại các căn cứ ở Hmeimim và Tartus. Với việc chính quyền của cựu Tổng thống Assad bị lật đổ, Nga đang chuẩn bị thảo luận về tương lai của các cơ sở quân sự với chính quyền mới ở Syria.