Nga mở rộng hạ tầng điện hạt nhân
Tổng Giám đốc Tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Liên bang Nga (Rosatom), ông Aleksey Likhachev vừa công bố kế hoạch phát triển năng lượng điện hạt nhân đến các vùng mới của Nga. Theo đó, trong 10 - 15 năm tới, Nga sẽ có thêm 8 vùng mang quy chế khu vực năng lượng điện nguyên tử.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ông Likhachev đã công bố kế hoạch này khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rossia-24 của Nga. Theo ông, trong số 8 vùng mang quy chế khu vực năng lượng điện hạt nhân có các vùng ở miền Trung, miền Nam, vùng núi Ural, cửa ngõ của vùng Sibiri và vùng Viễn Đông. Ngoài ra Rosatom cũng xây dựng 3 nhà máy điện hạt nhân công suất nhỏ 10 - 110 megavatt (MW) và 424 MW.
Ông Likhachev nhấn mạnh tính chất đổi mới của kế hoạch này, đồng thời lưu ý rằng các nhà máy điện hạt nhân mới sẽ không chỉ để thay thế công suất cũ mà còn để tăng sản lượng điện trong khu vực. Đối với các vùng xa xôi như Bắc Cực và Murmansk thì hạ tầng điện hạt nhân có ý nghĩa quan trọng chiến lược, vì đây là những vùng giàu khoáng sản và việc khai thác nguồn tài nguyên này phụ thuộc trực tiếp vào hiệu quả của các nhà máy điện. Tổng thống Vladimir Putin đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành khai khoáng đối với an ninh quốc gia và tăng trưởng kinh tế.
Điện hạt nhân là một trong những định hướng quan trọng trong chiến lược đổi mới hệ thống năng lượng của Liên bang Nga. Các nhà máy mới cũng sẽ tạo ra hàng nghìn việc làm, nâng mức sống cho người dân địa phương, thu hút đầu tư và thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật đồng thời tăng năng lực cạnh tranh của Nga trên thị trường năng lượng thế giới.
Theo Tổng Giám đốc Rosatom, trên con đường thực hiện nhiệm vụ đạt 25% điện hạt nhân vào năm 2045 mà Tổng thống Putin đặt ra, hiện Nga đang tiến tới mục tiêu đến năm 2042 số nhà máy điện hạt nhân sẽ chiếm 15,3% tổng số nhà máy sản xuất điện, đồng thời, tỷ lệ sản xuất điện hạt nhân sẽ tăng từ 18,9% lên 23,5%, sản lượng điện hạt nhân vào năm 2042 sẽ ở mức 28 gigawatt.
Rosatom trước đây chủ yếu thực hiện các dự án của mình ở nước ngoài, chẳng hạn như ở Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Ai Cập, Belarus...
Trước đó, ông Boris Titov - đại diện đặc biệt của Tổng thống Vladimir Putin về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bền vững - cho biết Nga đang dần trở thành nước dẫn đầu thế giới trong việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, nhu cầu năng lượng hạt nhân của thế giới được thúc đẩy bởi nhu cầu của các nước đang phát triển và sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI).