Nga mở rộng cảng biển Baltic nhằm tăng 50% kim ngạch xuất khẩu nông sản
Ngày 26-9, nhà chức trách Nga cho biết, nước này đang mở rộng các cảng ở biển Baltic trong chiến lược tăng xuất khẩu nông sản lên 50% vào năm 2030.
Là quốc gia xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới, việc tăng cường khai thác cảng biển Baltic sẽ giảm sự phụ thuộc vào các tuyến đường trên biển Đen truyền thống, vốn bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, tình trạng vận chuyển gián đoạn đang gia tăng ở biển Đen và có thể làm giảm nguồn cung ngũ cốc toàn cầu. Hai tuần trước, một tàu của Ukraine chở ngũ cốc đến Ai Cập đã bị trúng tên lửa.
Trong khi đó, chính quyền địa phương của Nga cho biết, Ukraine đã đánh chìm một phà chở các thùng nhiên liệu ở cảng Kavkaz, nơi được sử dụng để vận chuyển ngũ cốc.
Theo thống kê, sản lượng ngũ cốc xuất khẩu của Nga lên tới 72 triệu tấn trong niên vụ 2023-2024. Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt ra mục tiêu tăng 50% kim ngạch xuất khẩu nông sản vào năm 2030 như một phần của chiến lược củng cố vị thế siêu cường về nông nghiệp, cạnh tranh với Brazil, Mỹ và Trung Quốc.
Cho đến nay, luồng thương mại và các chuyến hàng của Nga trên biển Baltic không bị ảnh hưởng bởi xung đột.
Trong 18 tháng qua, Nga đã đưa vào hoạt động 2 cảng lớn là Vysotsky và Lugaport tại vịnh Phần Lan, không xa St. Petersburg, quê hương của Tổng thống Vladimir Putin.
Vysotsky đã xuất khẩu lô ngũ cốc đầu tiên vào tháng 4-2023, trong khi Lugaport bắt đầu hoạt động vào tháng 6 năm nay và công suất dự kiến sẽ đạt 7 triệu tấn vào đầu năm 2025. Dự kiến, 2 cảng biển này có thể xuất khẩu tới 15 triệu tấn hàng nông sản mỗi năm. Con số này sẽ chiếm 1/4 trong số 60 triệu tấn ngũ cốc xuất khẩu dự kiến của Nga cho mùa vụ 2024-2025.
Bà Darya Snitko, Phó Chủ tịch của Gazprombank, một trong những ngân hàng lớn nhất của Nga và là một trong những bên cho nông dân vay nhiều nhất, cho biết: "Về mặt hậu cần, biển Baltic có nhiều lợi thế cho xuất khẩu ngũ cốc. Ngoài ra, điều kiện hậu cần của cảng biển Baltic có thể tiếp nhận các tàu trọng tải lớn. Điều này sẽ giúp giảm tổng chi phí và giá nông sản sẽ trở nên cạnh tranh hơn”.
Trong thời gian tới, Nga cũng hướng tới mở rộng thị trường nông sản tại Algeria, Brazil, Cuba, Mali, Mexico, Morocco, Nigeria và Tunisia.