Nga lên tiếng về thông tin BRICS mở rộng khiến NATO dè chừng

Bộ Ngoại giao Nga hôm 12/10 đã chính thức lên tiếng sau khi có thông tin lo ngại rằng việc mở rộng Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) sẽ khiến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phải dè chừng.

Theo đó, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ, BRICS chưa bao giờ và không có ý định trở thành một liên minh quân sự. BRICS phát triển trên ba trụ cột chính gồm chính trị và an ninh, kinh tế và tài chính, văn hóa và quan hệ nhân đạo.

Tuyên bố của Moscow được cho là có liên quan đến một bài báo của tác giả Roger Boyes trên tờ The Times với tiêu đề “Việc mở rộng BRICS sẽ khiến NATO lo lắng”. Tác giả Boyes vẽ ra một bức tranh trong đó BRICS được cho là giống một liên minh quân sự.

Đại diện các nước BRICS tại hội nghị ở Nam Phi hồi tháng 8/2023. Ảnh: Reuters

Đại diện các nước BRICS tại hội nghị ở Nam Phi hồi tháng 8/2023. Ảnh: Reuters

Theo Bộ Ngoại giao Nga, BRICS không phải là một tổ chức quốc tế hay cơ cấu hội nhập mà là một hiệp hội của các quốc gia có chủ quyền dựa trên sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, không nhằm mục đích chống lại bất kỳ ai, nhấn mạnh rằng một trong những nhiệm vụ ưu tiên của BRICS là hình thành một hệ thống kinh tế thế giới công bằng và đa phương.

Được biết, tiền thân của BRICS là nhóm BRIC do Nga thúc đẩy thành lập gồm bốn nước sáng lập là Ấn Độ, Brazil, Nga và Trung Quốc vào năm 2009. Năm 2010, Nam Phi gia nhập BRIC, đưa nhóm BRIC trở thành nhóm BRICS. Và đến ngày 1/1/2024, BRICS ghi dấu mốc lịch sử khi chào đón năm thành viên mới gồm Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Theo giới phân tích, sức hấp dẫn của BRICS mở rộng không chỉ đến từ quy mô kinh tế hiện chiếm đến 37,3% GDP toàn cầu và thị trường nội khối rộng mở đến 46% dân số thế giới, mà còn bắt nguồn từ ba nhóm mục tiêu đặc thù mà khối này đang nỗ lực xác lập.

Một là, giảm thiểu ảnh hưởng phương Tây với các nước Nam Bán cầu (Global South) vốn đang thi hành chiến lược phòng bị nước đôi. Hai là, hướng đến một thể chế hợp tác chấp nhận sự đa dạng về bản sắc, thậm chí không phân biệt sự khác nhau trong lựa chọn tập hợp lực lượng của các thành viên. Ba là, định hướng xây dựng các nhóm về nguyên - nhiên liệu chiến lược, trong đó tập hợp các quốc gia có ảnh hưởng trong các lĩnh vực an ninh khoáng sản, an ninh lương thực và an ninh năng lượng.

Khoảng 30 quốc gia khác quan tâm đến việc hợp tác với BRICS theo nhiều hình thức khác nhau, trong đó có mong muốn gia nhập BRICS. Ảnh: BRICS TV

Khoảng 30 quốc gia khác quan tâm đến việc hợp tác với BRICS theo nhiều hình thức khác nhau, trong đó có mong muốn gia nhập BRICS. Ảnh: BRICS TV

Tuy nhiên, các nhà quan sát chính trị thế giới cũng nhận định, vẫn còn một chặng đường dài để phát triển BRICS thành một nhóm thống nhất và đạt sự đồng thuận cao trong nội bộ. Sự khác biệt về mức độ phát triển hay hạ tầng kinh tế khiến các thành viên BRICS cũ và mới có cách tiếp cận không giống nhau đối với nhiều vấn đề của thế giới. Hơn nữa, chính sách và tính toán của mỗi thành viên khi tham gia tổ chức cũng khác nhau, thậm chí có thể nảy sinh xung đột về quyền lợi.

Hiện tại, Nga giữ chức Chủ tịch BRICS năm 2024 với phương châm “tăng cường chủ nghĩa đa phương vì sự phát triển và an ninh toàn cầu một cách công bằng”. Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan, Nga dự kiến diễn ra từ 22-24/10 tới sẽ bao gồm các cuộc họp của các quốc gia thành viên và các cuộc họp theo hình thức mở rộng, tập trung thảo luận về các vấn đề phát triển kinh tế, an ninh thế giới và khu vực.

Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, Moscow sẽ đóng góp bằng mọi cách để có thể tăng cường vai trò của BRICS trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách trong chương trình nghị sự toàn cầu, cũng như tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong khuôn khổ của hiệp hội.

Kim Khánh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/nga-len-tieng-ve-thong-tin-brics-mo-rong-khien-nato-de-chung--i747052/
Zalo