Nga giới thiệu phiên bản mới của UAV tấn công KUB
Tin công nghiệp quốc phòng ngày 15/5: Nga giới thiệu phiên bản mới của UAV tự sát KUB với tên gọi KUB-2. Nó đã minh chứng hiệu quả trên chiến trường Ukraine.
Nga giới thiệu phiên bản mới của UAV tự sát KUB; Ấn Độ quyết định mua thêm hệ thống S-400 là những nội dung của bản tin công nghiệp quốc phòng hôm nay, ngày 15/5.
Nga giới thiệu phiên bản mới của UAV tự sát KUB
Tập đoàn Kalashnikov giới thiệu một số máy bay không người lái, bao gồm máy bay không người lái cảm tử mới KUB-2, tại triển lãm vũ khí và thiết bị quân sự quốc tế MILEX-2025 ở Belarus. Tổng giám đốc Kalashnikov, Alan Lushnikov đã thông báo điều này với hãng thông tấn TASS.
“Mối quan hệ giữa hai nước đang ở mức cao. Chúng tôi đang rất tích cực tương tác với Belarus với tư cách là khách hàng. Tại triển lãm ở Minsk, chúng tôi sẽ giới thiệu dòng sản phẩm truyền thống của mình - vũ khí bộ binh và máy bay không người lái, bao gồm cả KUB-2", ông Alan Lushnikov phát biểu trong một sự kiện tại trường bắn ở Công viên Patriot gần Moscow.
Máy bay không người lái tự sát KUB-2 nặng hơn 10 kg. Thiết bị được trang bị hệ thống quang học-điện tử cho phép người điều khiển điều chỉnh đường bay khi vị trí mục tiêu thay đổi. Máy bay không người lái có thể được sử dụng vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, cũng như trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và tầm nhìn kém.

Máy bay không người lái cảm tử KUB-2E. Ảnh: TASS
Vào tháng 2/2025, Bekkhan Ozdoev, Giám đốc công nghiệp nhóm vũ khí, đạn dược và hóa chất đặc biệt của tập đoàn nhà nước Rostec thông báo, Lực lượng vũ trang Nga đang sử dụng rất thành công máy bay không người lái tự sát KUB-2 mới. Máy bay không người lái được sử dụng để phá hủy các điểm hỏa lực, xe bọc thép và hệ thống phòng không của đối phương.
Ukraine tích hợp giáp phản ứng nổ thế hệ thứ 2 lên phương tiện chiến đấu
Hệ thống giáp phản ứng nổ “Noj” được phát triển tại Ukraine từ lâu và được coi là tiên tiến nhất trên thế giới. Quân đội Ukraine đã lắp đặt nó trên xe tăng T-84 và xe tăng T-64, sau đó chuyển giao cho phía Mỹ đánh giá. Tuy nhiên, loại giáp phản ứng nổ này không được phương Tây đánh giá cao.
Sau đó, vào năm 2014, trong cuộc xung đột ở miền Đông, Ukraine đã tung ra những chiếc xe tăng T-64BM Bulat trang bị công nghệ giáp phản ứng nổ mới. Tuy nhiên, nó tỏ ra không hiệu quả trước các loại vũ khí chống tăng vác vai và thậm chí còn gây hư hại lên các phương tiện được trang bị. Các tấm giáp phản ứng nổ Noj đã phát nổ và phá hủy thiết bị bên ngoài của xe tăng, làm cong vênh chắn bùn, đứt xích và hỏng các bánh đà. Nhiều phương tiện chiến đấu trang bị giáp phản ứng nổ Noj đã bị bỏ lại trên chiến trường.

Giáp phản ứng nổ Noj. Ảnh: Getty
Chính vì thế, Lực lượng vũ trang Ukraine đã vội vã đưa xe tăng T-64M Bulat vào lực lượng dự bị. Nhưng khi tình trạng thiếu hụt xe tăng xảy ra, Kiev lại đưa chúng ra chiến trường.
Xe tăng Leopard-1A5DK do phương Tây viện trợ đã trang bị lớp giáp phản ứng nổ Noj. Nếu giáp phản ứng nổ Kontakt-1 được gắn vào tháp pháo, Noj được thiết kế như một cấu trúc cứng hàn vào phần phía trước của thân xe.
Tuy nhiên, thực tế chiến trường chứng minh giải pháp giáp phản ứng nổ của Ukraine của Ukraine là không đủ. Hình ảnh một chiếc xe tăng Ukraine bị phá hủy đã xuất hiện trên mạng xã hội. Nó bị rơi xuống mương và bị bỏng nặng.
Lớp giáp phản ứng nổ Noj lại hoạt động rất tệ. Vũ khí chống tăng đã phá hủy gầ như hoàn toàn lớp giáp và chứng minh nó không có khả năng chống lại chúng.
Ấn Độ quyết định mua thêm hệ thống S-400
Ấn Độ đã ca ngợi hiệu quả hệ thống tên lửa S-400 Triumf của Nga, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lãnh thổ Ấn Độ.
Đài Truyền hình India Today trích dẫn nguồn tin cấp cao trong Bộ Quốc phòng Ấn Độ thông tin, nước này có kế hoạch mua thêm S-400 từ Nga, hệ thống đã chứng minh được khả năng tuyệt vời trong việc đẩy lùi các cuộc tấn công bằng tên lửa và đánh chặn máy bay không người lái.
Theo ấn phẩm này, New Delhi đã yêu cầu Moscow cung cấp một số lượng nhất định các hệ thống phòng không S-400. Hiện, vẫn chưa có thông tin chi tiết về thỏa thuận có thể có, mọi thứ vẫn đang ở mức yêu cầu sơ bộ, nhưng theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ, rất có khả năng Nga sẽ chấp thuận thỏa thuận này.

Hệ thống phòng không S-400. Ảnh: Defense News
“Theo các quan chức Ấn Độ, S-400 đã chứng minh được độ chính xác và hiệu quả cao trong việc chống lại các mối đe dọa trên không”, India Today thông tin.
Năm 2018, Ấn Độ đã ký hợp đồng với Nga mua 5 hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumph. Hầu hết các hệ thống phòng không của Nga mà Ấn Độ nhận được, được gọi là Sudarshan Chakra ở Ấn Độ, đều được triển khai trên biên giới với Trung Quốc và Pakistan.
S-400 Triumf là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất thế giới, do tập đoàn Almaz-Antey của Nga phát triển. Được thiết kế để đối phó với nhiều loại mối đe dọa từ trên không, S-400 tích hợp nhiều thành phần nhằm phát hiện, theo dõi và vô hiệu hóa các mục tiêu.
Trung tâm của hệ thống là radar mảng pha 91N6E Big Bird có khả năng phát hiện tới 300 mục tiêu trong phạm vi 600km. Radar này truyền dữ liệu đến xe chỉ huy 55K6E, nơi điều phối việc tác chiến thông qua radar điều khiển hỏa lực 92N6E Grave Stone. Các bệ phóng của hệ thống, thường là loại 5P85TE2, có thể triển khai nhiều loại tên lửa khác nhau để đối phó với các mối đe dọa đa dạng.
S-400 tương thích với nhiều loại tên lửa như tên lửa tầm xa 40N6E, có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 400km và độ cao lên đến 185km, rất hiệu quả trong việc đánh chặn máy bay bay cao hoặc tên lửa đạn đạo; tên lửa 48N6E3 với tầm bắn 250km được thiết kế để tiêu diệt máy bay và tên lửa hành trình; tên lửa 9M96E và 9M96E2 có tầm bắn lần lượt 120km và 40km, phù hợp để đánh chặn các mục tiêu bay thấp và linh hoạt như UAV. Mỗi bệ phóng mang được tối đa 4 tên lửa và một tổ hợp S-400, có thể đồng thời tác chiến với 36 mục tiêu.