Nga có thể lấy lại ảnh hưởng ở Syria?

Nhiều ý kiến cho rằng chính quyền mới tại Syria sẽ không từ chối cơ hội hợp tác với các bên khác nhau vì lợi ích của dân tộc mình. Trong đó, Nga là một đối tác khó có thể bỏ qua.

Cơ sở hợp tác giữa Nga và chính quyền Syria

Cơ sở chính cho sự hợp tác giữa Nga với chính quyền mới của Syria là sự tiến triển của chính quyền này hướng tới một chính phủ dân chủ, văn minh, từ bỏ quan điểm cực đoan và tuân thủ nguyên tắc pháp quyền trong việc ra quyết định. Nếu điều kiện này được đáp ứng, cơ hội cho các hoạt động ngoại giao sẽ mở ra. Tất nhiên, ngay cả khi Syria rơi vào hỗn loạn, Nga vẫn có những quân bài chủ chốt nhằm bảo vệ lợi ích của mình.

Vào cuối tháng 1, cộng đồng quốc tế đặc biệt chú ý đến các cuộc tiếp xúc ngoại giao rất chặt chẽ giữa Nga và chính quyền mới của Syria. Đầu tiên, Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Bogdanov và Đại phái viên của Tổng thống Nga về Syria Alexander Lavrentyev đã đến Damascus, sau đó ông Bogdanov đã có cuộc gặp Đại sứ Syria tại Moscow.

Mặc dù thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Nga về vấn đề Syria cho đến nay vẫn còn tương đối chung chung, nhưng nhiều khả năng các nhà ngoại giao Nga đã thảo luận về số phận của các căn cứ quân sự của nước này và khả năng hỗ trợ tái thiết Syria.

 Một cơ sở hải quân của Nga ở Tartus, Syria. Ảnh: Google Maps

Một cơ sở hải quân của Nga ở Tartus, Syria. Ảnh: Google Maps

Căn cứ hải quân ở Tartus và căn cứ không quân Khmeimim là những trụ cốt chính bảo đảm sự hiện diện quân sự-chính trị của Nga tại Syria và là một trong những công cụ quan trọng thể hiện ảnh hưởng của Nga trong khu vực, đóng vai trò bảo đảm mối quan hệ ngay cả với những quốc gia thân phương Tây nhất ở Trung Đông, như Thổ Nhĩ Kỳ và Israel. Không phải ngẫu nhiên cho đến hiện nay Thổ Nhĩ Kỳ và Israel vẫn duy trì quan điểm, lập trường trung lập trong vấn đề Ukraine.

Bất chấp những lời đề nghị rõ ràng từ một số quốc gia phương Tây, chính quyền mới ở Syria, vốn được hình thành từ những nhóm vũ trang đối lập, vẫn cần sự hỗ trợ ngoại giao đáng kể. Điều này mở ra không gian cho việc xây dựng các mối quan hệ cùng có lợi, cho phép Nga giữ lại các căn cứ của mình và chính phủ Syria mới (nếu có sự thay đổi) đạt được tính hợp pháp quốc tế cần thiết và có khả năng được xóa khỏi danh sách đen quốc tế.

Trong trường hợp chính quyền mới ở Damascus không thể đạt được thỏa thuận (và tất nhiên là nếu có căn cứ pháp lý), về mặt lý thuyết, Nga cũng có thể cân nhắc phương án sử dụng quyền phủ quyết của mình tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để duy trì các lệnh trừng phạt áp đặt đối với Syria dưới thời Bashar al-Assad.

“Con bài” giúp Nga duy trì ảnh hưởng ở Syria

Yêu cầu cấp thiết nhất hiện nay đối với Damascus là cần nguồn lực để xây dựng lại đất nước sau thời gian dài chìm trong khói lửa chiến tranh. Trong vấn đề này, Nga sẽ là một trong những đối tác mà chính phủ mới ở Damascus không thể bỏ qua.

Vài năm trước đây, Tổng thống Syria khi đó Bashar al-Assad đã nói rằng, công cuộc tái thiết Syria sẽ tốn khoảng 400 tỷ USD. Mới đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã đưa ra con số 500 tỷ USD cần thiết để xây dựng lại Syria. Rõ ràng, Ankara sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu tự mình thực hiện dự án này, hay thậm chí là các bên liên quan khác ở Trung Đông.

Điều này mở ra cơ hội cho Nga để tham gia vào công cuộc tái thiết, qua đó mở rộng ảnh hưởng ở Syria mặc dù nước này cũng đang phải “sa lầy” vào cuộc chiến ở Ukraine. Việc Bộ trưởng Bộ Y tế Syria, Maher al-Sharaa (anh trai của nhà lãnh đạo Syria hiện tại, Ahmed al-Sharaa), cũng có mặt tại cuộc họp với phái đoàn Nga ở Damascus cho thấy chính phủ Syria không chỉ cần tiền, mà còn cần kinh nghiệm quản lý (trong trường hợp này là quản lý y tế).

 Hình ảnh hoang tàn ở Ghouta, Syria. Ảnh: FP

Hình ảnh hoang tàn ở Ghouta, Syria. Ảnh: FP

Ngoài ra, rõ ràng là chính quyền Syria đang cân nhắc phương án thu hút các chuyên gia Nga và cũng cần nhiên liệu, nguyên liệu thô. Đối với Điện Kremlin, lựa chọn này sẽ là tối ưu nhất vì nó cho phép nước này không cần phải bỏ ra quá nhiều tiền mà vẫn đạt được mục tiêu.

Một lựa chọn khác mà Nga có thể tính đến là xóa bỏ các nghĩa vụ tài chính của Damascus - theo Ngân hàng Thế giới, Nga chiếm khoảng 15% tổng số nợ của Syria - nhiều hơn Đức, Nhật Bản, những đồng minh thân cận của Washington. Nhiều ý kiến cho rằng, việc xóa bỏ các món nợ này sẽ mang lại nhiều lợi ích chiến lược hơn cho Nga nếu cố gắng đòi nợ.

Một điểm quan trọng khác là hầu như bất kỳ chính phủ mới nào cũng cố gắng trở nên độc lập và được thừa nhận, vì chính trị là cơ chế phổ quát để lựa chọn những người có tham vọng và quyền lực. Nhiều ý kiến cho rằng, chính quyền Syria hiện nay bản chất là lực lượng ủy nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Damascus sẽ không từ chối việc giảm sự phụ thuộc vào Ankara nếu có cơ hội. Và để làm được điều này, họ cần càng nhiều đối tác bên ngoài có nguồn lực càng tốt.

Trong trường hợp mâu thuẫn chính trị nội bộ ở Syria tiếp tục leo thang và quốc gia này trượt vào con đường nội chiến đẫm máu, Nga có thể tìm kiếm, tài trợ cho một nhóm chính trị-tôn giáo hoặc dân tộc-chính trị nào đó để bảo đảm lợi ích, ảnh hưởng của mình trong đời sống chính trị Syria như một số nước lớn trong và ngoài khu vực đã từng làm trước đây ở Syria.

Trong trường hợp này, sự lựa chọn rõ ràng nhất là Alawite, một nhánh của dòng Hồi giáo Shitte, đã kiểm soát đời sống chính trị của Syria dưới thời Tổng thống Bashar al-Assad, và hiện đang thực sự lo lắng về số phận của mình sau khi chế độ Assad sụp đổ. Hơn nữa, khu vực phía tây Syria, nơi chủ yếu người Alawite sinh sống, tức là Latakia và Tartus, cũng chính là nới có các căn cứ quân sự của Nga.

Trong trường hợp hỗn loạn gia tăng ở Syria - một kịch bản rất có thể xảy ra do đặc thù của khu vực - Nga luôn có thể đàm phán trực tiếp với người Alawite, bỏ qua chính quyền trung ương. Kịch bản này không phải là tối ưu hay mong muốn nhất, nhưng không phải là không thể xảy ra.

Do đó, Nga có thể hỗ trợ chính phủ mới của Syria giành được tính hợp pháp (với điều kiện tuân thủ luật chơi), cung cấp nguồn lực và đóng vai trò đối trọng với các thế lực lớn khác. Và nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn, vẫn còn phương án đàm phán với các nhà lãnh đạo khu vực Alawite để bảo đảm lợi ích, ảnh hưởng cho Nga ở Syria.

Hùng Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nga-co-the-lay-lai-anh-huong-o-syria-post333668.html
Zalo