Nga cảnh giác khả năng Mỹ có cơ sở quân sự gần biên giới, tuyên bố sẽ đáp trả với đe dọa quanh vấn đề Greenland

Nga sẽ có phản ứng tương xứng trước các mối đe dọa phát sinh nếu xảy ra xung đột liên quan đảo Greenland – lãnh thổ thuộc Đan Mạch mà Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố chủ quyền.

Đại sứ Nga tại Đan Mạch. (Nguồn: Dreamstimes)

Đại sứ Nga tại Đan Mạch. (Nguồn: Dreamstimes)

Trả lời phỏng vấn RIA Novosti, Đại sứ Nga tại Đan Mạch Vladimir Barbin nhấn mạnh: “Việc căng thẳng quốc tế gia tăng mạnh đã ảnh hưởng tiêu cực tới các vấn đề Bắc Cực. Một cuộc xung đột xoay quanh Greenland chắc chắn sẽ làm suy yếu an ninh khu vực, buộc Nga phải triển khai các biện pháp quân sự-kỹ thuật tương xứng với những mối đe dọa xuất hiện”.

Nhà ngoại giao Nga cho biết thêm, hiện không thể tiến hành đối thoại thực chất giữa nước này và Đan Mạch về chính sách an ninh. Ông cũng nhận định, Đan Mạch đang coi trọng tuyên bố của ông Trump về việc chiếm Greenland và đã tăng cường quan hệ với Mỹ do lo ngại không thể tự bảo đảm an ninh cho lãnh thổ này.

Theo ông Barbin, năng lực của Đan Mạch "vẫn còn hạn chế" dù đã tăng mạnh chi tiêu trong an ninh và quốc phòng để đáp lại chỉ trích của Mỹ rằng Greenland không được quan tâm đầy đủ về các lĩnh vực này.

Do đó, Copenhagen "tìm cách duy trì quan hệ đồng minh chặt chẽ và tin cậy với Mỹ, đồng thời đề xuất hợp tác với Washington trong việc tăng cường phòng thủ cho Greenland cũng như triển khai các dự án kinh tế, bao gồm khai thác kim loại hiếm”.

Trong một động thái gắn kết quan hệ đồng minh, Đại sứ Nga cho biết, hồi tháng 6, Quốc hội Đan Mạch phê chuẩn thỏa thuận quốc phòng giữa nước này và Mỹ, qua đó cho phép Washington triển khai các căn cứ quân sự và tiếp cận ba căn cứ quân sự của Copenhagen.

Nhà ngoại giao đánh giá: "Điều này đồng nghĩa Mỹ sẽ có thể triển khai cơ sở hạ tầng quân sự của mình gần biên giới Nga và tạo ra các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của chúng ta từ lãnh thổ Đan Mạch. Tương lai sẽ cho thấy thỏa thuận này được thực hiện trên thực tế như thế nào".

Đại sứ Barbin cũng lưu ý rằng Đan Mạch sẽ không kiểm soát được những loại vũ khí Mỹ đưa tới lãnh thổ nước này và dẫn tới khả năng vũ khí hạt nhân có thể được triển khai tại Đan Mạch ngay trong thời bình.

Tổng thống Trump nhiều lần khẳng định Greenland nên trở thành một phần của Mỹ do tầm quan trọng chiến lược đối với an ninh quốc gia. Lãnh đạo Greenland Mute Egede đã phản bác mạnh mẽ tuyên bố của Tổng thống Trump, khẳng định hòn đảo “không phải để bán và sẽ không bao giờ được bán”.

Greenland là thuộc địa của Đan Mạch cho đến năm 1953. Hiện vẫn là một phần của Vương quốc Đan Mạch, nhưng từ năm 2009 Greenland đã được trao quyền tự trị với khả năng tự quyết trong các vấn đề nội bộ.

Bảo Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nga-canh-giac-kha-nang-my-co-co-so-quan-su-gan-bien-gioi-tuyen-bo-se-dap-tra-voi-de-doa-quanh-van-de-greenland-321276.html
Zalo