Nga phớt lờ tối hậu thư của ông Trump, răn đe Ukraine bằng hỏa lực quy mô lớn
Các cuộc tấn công liên tiếp của Nga vào Ukraine trong những ngày qua cho thấy Nga dường như không có ý định nhượng bộ trước tối hậu thư mới của ông Trump.
Tổng thống Mỹ đã ra tối hậu thư 50 ngày buộc Nga đạt được một thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt xung đột với Ukraine, nếu không sẽ áp đặt biện pháp trừng phạt với Nga và các đối tác thương mại của nước này. Ông cũng đồng ý cung cấp vũ khí cho Ukraine, với điều kiện châu Âu phải chi trả cho việc mua các loại vũ khí đó. Đây được cho là sự thay đổi đáng chú ý trong lập trường của nhà lãnh đạo Mỹ đối cuộc xung đột.

Binh sỹ Nga trên chiến trường. Ảnh: TASS
Nga phớt lờ tối hậu thư của ông Trump
Mặc dù quyết định của ông Trump nhận được sự hoan nghênh của giới lãnh đạo tại Ukraine, nhưng một số ý kiến bày tỏ lo ngại rằng khoảng thời gian 50 ngày này có thể mang đến cho Nga cơ hội tăng cường các cuộc tấn công tầm xa vào nhiều thành phố của Ukraine và đẩy mạnh chiến dịch mùa hè.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Ukraine Oleksandr Merezhko cho biết, ông "lạc quan một cách thận trọng" và hy vọng tuyên bố của ông Trump có thể báo hiệu chiến dịch "gây áp lực tối đa" mới lên Tổng thống Putin. “Tuy nhiên, thời hạn 50 ngày gây ra một số lo ngại, bởi vì Nga có thể coi đó là tín hiệu bật đèn xanh để tăng cường hoạt động tấn công”, ông Oleksandr Merezhko lưu ý.
Các cuộc tấn công liên tiếp của Nga vào Ukraine trong 2 ngày qua cho thấy Moscow dường như không có ý định nhượng bộ trước tối hậu thư mới của ông Trump. Họ tiếp tục giữ vững lập trường cứng rắn, hy vọng có thể vượt qua mọi lệnh trừng phạt và tiếp tục theo đuổi các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine bất chấp áp lực từ bên ngoài.
Số liệu do không quân Ukraine công bố cho thấy, trong đêm 15 và 16/7, Nga đã phóng tổng cộng 667 máy bay không người lái tấn công và mồi nhử vào Ukraine. Kể từ tháng 5/2025, quy mô các cuộc tấn công của Nga đã gia tăng đều đặn bất chấp những nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn. Nhiều nhà quan sát dự đoán, 50 ngày tới có thể là thời điểm khó khăn hơn đối với Ukraine.
Trong thông báo trên Telegram, Tổng thống Zelensky cho biết: “Nga sẽ không thay đổi chiến lược của họ. Để chống lại các cuộc tấn công của Nga hiệu quả, chúng ta cần tăng cường phòng thủ một cách có hệ thống: tăng cường phòng không, tăng cường đánh chặn, quyết tâm hơn để Nga cảm nhận được phản ứng mạnh mẽ của Ukraine".
Về phía Mỹ, Tổng thống Trump đã bảo vệ quyết định cho Nga 50 ngày để hành động. Phát biểu với báo chí tại Nhà Trắng, ông Trump nói: “Tôi không nghĩ đây là khoảng thời gian dài. Tôi nghĩ câu hỏi thực sự nên được đặt ra là, tại sao cựu Tổng thống Joe Biden lại đẩy chúng ta vào cuộc chiến vô lý đó?”.
Khi được hỏi liệu ông có tin rằng quan điểm của Nga sẽ thay đổi sau 50 ngày, ông Trump nói: "Rất nhiều quan điểm thay đổi rất nhanh chóng. Có thể không phải là 50 ngày, mà sẽ sớm hơn rất nhiều”.
Nhưng Nga dường như đã “dội gáo nước lạnh” trước tuyên bố của ông Trump. Phát biểu với báo chí, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: "Những tuyên bố của ông Trump rất nghiêm túc. Một số trong số đó được gửi trực tiếp đến Tổng thống Putin. Chúng tôi chắc chắn cần thời gian để phân tích những gì đã được nói ở Washington”. Ông Peskov cho biết thêm, Nga hy vọng Mỹ sẽ gây sức ép buộc Ukraine tiếp tục đàm phán hòa bình.
Tuy nhiên, Ukraine và nhiều nhà phân tích phương Tây cho rằng Nga đang tìm cách kéo dài thời gian đàm phán với ông Trump nhưng không sẵn sàng tiến tới một thỏa thuận.
Các nhà bình luận Nga cũng bày tỏ sự nghi ngờ về kế hoạch của ông Trump, cho rằng những vũ khí mà ông hứa hẹn cung cấp cho Ukraine khó có thể thay đổi tình hình chiến trường. Một số người lưu ý, ông Trump không thể trừng phạt những nước mua dầu của Nga bởi điều này sẽ khiến giá dầu trên toàn cầu tăng mạnh, gây bất lợi cho Mỹ và các đồng minh phương Tây.
Ông Alexander Gabuev, Giám đốc Trung tâm Carnegie Nga-Á-Âu tại Berlin, nhận định: “Tính toán của Điện Kremlin vẫn không thay đổi. Moscow tin rằng trong bối cảnh Ukraine mất lãnh thổ và đang chật vật tìm cách bô sung lực lượng cũng như sự hỗ trợ từ phương Tây, thời gian đang đứng về phía Nga. Nga vẫn đang tìm kiếm sự nhượng bộ từ Ukraine trong nhiều vấn đề như công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với các khu vực sáp nhập, giới hạn quy mô quân đội trong tương lai và tránh tham gia các liên minh quân sự.
Các nguồn tin thân cận với Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Putin tin rằng Nga đang thắng thế và không có lý do gì để dừng lại nếu không có những nhượng bộ lớn từ phía Ukraine. Ông Putin vẫn chưa lên tiếng về sự thay đổi lập trường của ông Trump.
Ông Andrey Kartapolov, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Duma Quốc gia (Hạ viện Nga), cho rằng, dù tuyên bố cung cấp vũ khí cho Ukraine nhưng ông Trump vẫn chưa nêu rõ loại và số lượng vũ khí Mỹ sẽ chuyển giao
Phát biểu trên truyền hình nhà nước Nga, ông Kartapolov nhấn mạnh, các hệ thống phòng không Patriot bổ sung mà ông Trump đã đồng ý chuyển giao cho Ukraine rất đắt đỏ, mất nhiều thời gian sản xuất và dễ bị Nga tấn công.
“Màn trình diễn chính trị”
Bà Marina Miron, nhà nghiên cứu Nghiên cứu Chiến tranh tại Đại học King's College London cho rằng, lập trường mới của ông Trump dường như là màn trình diễn chính trị nhiều hơn là thay đổi chiến thuật thực sự, được định hình bởi cả áp lực trong nước và quốc tế.
“Tổng thống rất giỏi xoay chuyển tình thế. Rất nhiều phát ngôn mà ông ấy đưa ra có lẽ không phải vì Nga mà là do áp lực trong chính đảng của ông ấy và cả áp lực quốc tế”- bà Marina Miron nói.
Theo nhà phân tích Miron, cách tiếp cận của ông Trump đối với cuộc xung đột tại Ukraine được thúc đẩy bởi nhận thức của ông về lợi ích của Mỹ, chứ không phải là sự liên kết chắc chắn với cả hai phía Nga hoặc Ukraine và bất kỳ động thái nào của ông ấy đều nên được nhìn nhận theo góc độ đó.
“Ông Trump không đứng về phía Ukraine và cũng không đứng về phía Nga. Ông ấy sẽ theo đuổi lợi ích của Mỹ trước tiên. Đây là điều cần xem xét khi đánh giá các động thái của nhà lãnh đạo Mỹ. Tôi không nghĩ đó là sự khác biệt đáng kể trong chiến lược của ông Trump. Ông ấy đang cố gắng xoay chuyển tình thế bởi vì ông ấy không phải là người duy nhất đưa ra quyết định. Vẫn còn Quốc hội và Hạ viện Mỹ. Vì vậy, ông ấy phải cân bằng và rất cẩn thận. Ông Trump muốn xoay chuyển tình thế và cố gắng không xa lánh Nga, nhưng theo cách không thể hiện điều đó trước công chúng”, nhà phân tích Miron lưu ý.