Ngã ba Đồng Lộc - 'tọa độ lửa' trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Ngã ba Đồng Lộc - địa danh lịch sử đã khắc họa hình ảnh một thế hệ thanh niên Việt Nam sống có lý tưởng, có trách nhiệm, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường vì sự nghiệp giải phóng dân tộc; một hậu phương miền Bắc hừng hực khí thế, sẵn sàng hy sinh, dồn sức chi viện cho miền Nam ruột thịt...

Ngã ba chiến lược và thủ đoạn đánh phá của đế quốc Mỹ

Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) có vị trí rất quan trọng trong mạng lưới giao thông chiến lược Bắc-Nam qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Đây là vùng đất hẹp, diện tích khoảng 0,6km2, nằm lọt giữa 3 ngọn núi thấp (Mòi, Mác và Trọ Voi), rất khó để mở đường tránh khi tuyến chính bị đánh phá; khó bố trí các trận địa pháo do một bên là đồi núi trọc, một bên là đồng trũng. Đây là nơi hiểm yếu nhất trên toàn tuyến Quốc lộ 15 qua địa bàn Hà Tĩnh. Hơn nữa, do nằm ở vùng bán sơn địa nên có nhiều ngầm và cầu cống nhỏ, khi bom đạn đánh phá dễ bị chia cắt...

 Lực lượng dân công hỏa tuyến lấp hố bom, mở đường cho xe ra chiến trường tại khu vực Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh). Ảnh: TTXVN

Lực lượng dân công hỏa tuyến lấp hố bom, mở đường cho xe ra chiến trường tại khu vực Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh). Ảnh: TTXVN

Xuất phát từ vị trí chiến lược và hiểm yếu của Ngã ba Đồng Lộc, không quân Mỹ đánh phá với cường độ hủy diệt, biến nơi đây thành “tọa độ chết”, hòng chặn đứng sự chi viện của quân ta cho các chiến trường. Đầu tháng 4-1968, đế quốc Mỹ tập trung đánh phá tuyến Đường số 1 từ cầu Thượng Gia đến Cổ Ngựa (xã Tiến Lộc, huyện Can Lộc). Ngày 20-4-1968, Đường số 1 bị cắt đứt tại đây, ta chuyển hướng vận tải sang tuyến Đường số 15 trên vùng rừng núi phía Tây của Hà Tĩnh. Nhận ra hành động của quân ta, địch cho máy bay điên cuồng đánh phá khu vực Ngã ba Đồng Lộc. Trong tháng 7-1968, chúng đã đánh Ngã ba Đồng Lộc gần 1.900 lần, ném gần 50.000 quả bom các loại, chưa kể các loại đạn rocket. Suốt ngày đêm Đồng Lộc không ngớt tiếng bom đạn, đất đá bị đào đi xới lại nhiều lần, hố bom chồng chất hố bom.

Tất cả vì “mạch máu” giao thông

Nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù và vị trí chiến lược của Ngã ba Đồng Lộc, quân dân Hà Tĩnh dồn sức cho Đồng Lộc, giải tỏa điểm chốt, giữ vững "mạch máu" giao thông. Các tổ quan sát, đếm bom, cắm tiêu, tổ rà phá bom, bộ phận ứng cứu đường cùng với mạng lưới thông tin liên lạc, lực lượng điều hành phương tiện giao thông, giữ gìn trật tự, an ninh khu vực Ngã ba Đồng Lộc được hình thành. 7/8 đại đội thuộc Tổng đội Thanh niên xung phong P18 do Tỉnh đoàn Hà Tĩnh điều động với hơn 1.000 người rải từ cầu Cơn Bạng đến Khe Giao.

Quá trình bảo đảm giao thông vận tải ở Ngã ba Đồng Lộc có sự đóng góp rất lớn của nhân dân và dân quân du kích Đồng Lộc và các xã lân cận. Hàng vạn người được huy động làm nhiệm vụ giải tỏa giao thông, tiếp tế lương thực, thực phẩm, đạn dược, chăm sóc thương binh. Trong tháng 7-1968, ta đã phá 1.780 quả bom, góp gần 975.000 ngày công thông tuyến, làm đường mới từ Khiêm Ích, Truông Kén, Bãi Dịa dài 6km. Quân và dân các xã đã góp 185.400 ngày công với 42.620 người phục vụ chiến đấu, đào đắp hơn 95.200m3 đất đá, vận chuyển 45m3 gỗ, cung cấp 22.448 cọc tre, 24.000 gánh bổi chống lầy.

Với quyết tâm “sống bám cầu, bám đường; chết kiên cường, dũng cảm”, các lực lượng bảo đảm giao thông vận tải tại Ngã ba Đồng Lộc đã anh dũng chiến đấu, ngày đêm túc trực để "mạch máu" giao thông thông suốt. Các tổ quan sát, rà phá bom kiên trì bám trụ trọng điểm, phát hiện kịp thời, đánh dấu, nhanh chóng phá gỡ để thông đường. Lực lượng ứng cứu, giải tỏa luôn có mặt ở những nơi địch đánh phá ác liệt nhất để san lấp hố bom, làm đường, chống lầy, bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa. Nhằm phá thế “độc tuyến”, hạn chế thiệt hại do địch gây ra, nhanh chóng giải tỏa giao thông tại Ngã ba Đồng Lộc, Ban chỉ huy giải tỏa Đồng Lộc quyết định mở các đường tránh. Sau một thời gian ngắn, đường tránh Truông Kén-Đồng Liên dài 3km và Đường 70A, 70B dài hơn 12km vòng tránh qua Ngã ba Đồng Lộc được hoàn thành.

Để mở những con đường này, hơn 3.000 hộ dân các xã Đồng Lộc, Thượng Lộc, Nhân Lộc với tinh thần “xe chưa qua, nhà không tiếc” đã tự nguyện rời bỏ nhà cửa, ruộng vườn để lấy đất làm đường. Các tuyến đường tránh đã phát huy tác dụng, bảo đảm các phương tiện vận tải qua đây không bị ùn tắc. Từ các xã quanh khu vực đã có hàng nghìn người được huy động làm nhiệm vụ giải tỏa giao thông, tiếp tế lương thực, thực phẩm, đạn dược, chăm sóc thương binh. Nhiều gia đình đã nhường nhà, nhường vườn làm kho, làm nơi cứu thương; nhiều gia đình sẵn sàng dỡ nhà, đưa vật liệu lát đường, chống lầy cho xe... để giao thông thông suốt, giữ vững "mạch máu" chi viện cho chiến trường. Chỉ riêng xã Đồng Lộc đã đóng góp 5.000 ngày công vào công tác xây dựng 21 trận địa pháo cho Trung đoàn 210; tiểu đội rà phá bom mìn của xã Mỹ Lộc đã phá 405 quả bom nổ chậm và bom từ trường... góp phần cùng các lực lượng phá 1.780 quả bom các loại, huy động 974.440 ngày công san lấp hố bom, sửa chữa cầu đường và làm các đường tránh, đường mới.

Bom đạn địch đã không ngăn được ý chí kiên cường và lòng quả cảm của lực lượng trụ bám nơi “ngã ba lửa”. Trong thời gian đọ sức quyết liệt với không quân Mỹ đã xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu anh dũng, sáng tạo, trở thành biểu tượng sức mạnh trí tuệ và ý chí người Việt Nam. Tinh thần kiên cường và lòng quả cảm của lực lượng bảo đảm giao thông tại Ngã ba Đồng Lộc đã vượt lên sự ác liệt của đạn bom quân thù. Chỉ riêng tháng 10-1968, quân và dân nơi đây đã bảo đảm gần 76.500 tấn hàng vượt qua trọng điểm, chi viện cho các chiến trường...

Chiến thắng Đồng Lộc góp phần làm thất bại âm mưu của Mỹ hòng cắt đứt đường vận chuyển Bắc-Nam, ngăn chặn chi viện của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam. Chiến thắng Đồng Lộc là điển hình của chiến tranh nhân dân, biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Đây là hiện thân của lòng yêu nước, lý tưởng sống, tinh thần chiến đấu dũng cảm; khát vọng, ý chí quyết tâm giành độc lập, tự do của nhân dân và thanh niên Việt Nam trong cuộc kháng chiến. Tiêu biểu cho tinh thần bất diệt ấy là lòng quả cảm, sự hy sinh cao đẹp của 10 nữ thanh niên xung phong. “10 bông hoa Đồng Lộc” mãi mãi là bản anh hùng ca trong lòng dân tộc Việt Nam.

Đại tá NGUYỄN XUÂN THẮNG, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/50-nam-dai-thang-mua-xuan-1975/nga-ba-dong-loc-toa-do-lua-trong-cuoc-khang-chien-chong-my-cuu-nuoc-823679
Zalo