New Zealand tinh gọn bộ máy công và giảm biên chế để cải thiện nền kinh tế

2024 là một năm đầy thách thức với bộ máy công quyền của New Zealand khi chứng kiến đợt cắt giảm lao động quy mô lớn với con số gần 10.000 người nhằm thu gọn bộ máy, tập trung vào lĩnh vực tuyến đầu như giáo dục và cảnh sát, trong bối cảnh nền kinh tế nước này gặp nhiều khó khăn.

Vì sao New Zealand cắt giảm gần 10.000 nhân sự lĩnh vực công?

Nền kinh tế New Zealand gặp rất nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19 khi có thời điểm lạm phát tăng lên 7,3%, hiện tuy lạm phát đã giảm chỉ còn 2,2% song nền kinh tế đang ở trong tình trạng suy thoái. Trong 6 năm qua, chi tiêu của chính phủ tăng 82% làm bổ sung 118 tỷ NZD vào khoản nợ của nước này. Vì thế khi Thủ tướng Christopher Luxon lên nắm quyền vào tháng 10/2023 đã đặt mục tiêu là thúc đẩy nền kinh tế và đưa ra nhiều biện pháp để đạt được mục tiêu này trong đó có việc cắt giảm chi tiêu công để tập trung vào những lĩnh vực phục vụ trực tiếp người dân.

Nhân viên văn phòng. Ảnh: RNZ.

Nhân viên văn phòng. Ảnh: RNZ.

Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn từ tháng 6/2017 đến tháng 6/2024, số lượng người lao động làm việc trong lĩnh vực công tăng 34%. Đến thời điểm tháng 12/2023, New Zealand có 65.699 lao động làm việc trong lĩnh vực công, chiếm 2,1% lực lượng lao động và chiếm khoảng 1,2% dân số. Sau khi cắt giảm khoảng 9.520 lao động trong năm 2024, số người làm việc trong lĩnh vực công của nước này vào khoảng 56.179 người.

Theo Ủy ban dịch vụ công, cùng với việc tăng lương trung bình, tổng chi phí dành cho lương cơ bản trong lĩnh vực công của New Zealand vào năm 2024 tăng 5,3% lên đến 6,5 tỷ NZD. Trong bối cảnh này, Bộ trưởng Tài chính và Dịch vụ công của New Zealand Nicola Willis cho biết chính phủ yêu cầu các cơ quan công quyền cắt giảm từ 6,5% đến 7,5% chi tiêu để giảm áp lực đối với ngân sách. Trong kế hoạch ngân sách năm 2024, chính phủ New Zealand cũng đặt mục tiêu tiết kiệm 1,5 tỷ NZD chi phí vận hành trong lĩnh vực công. Số liệu thống kê vào tháng 6/2024 cho thấy, chỉ tính riêng chi phí hoạt động của các Bộ đã giảm 619 triệu NZD, giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài chi phí về lương, khi số lượng lao động trong lĩnh vực công giảm thì các chi phí vận hành khác cũng được cho là sẽ giảm theo khiến cho chính quyền tiết kiệm được một số tiền không nhỏ.

Theo Bộ trưởng Nicola Willis, số tiền tiết kiệm từ việc cắt giảm lao động trong lĩnh vực công sẽ được dùng vào các hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho người dân thông qua các khoản trợ cấp xã hội, cắt giảm thuế, nâng cao chất lượng giáo dục, hoặc mở rộng lực lượng cảnh sát.

Cách thức chính phủ New Zealand triển khai tinh giản nhân sự quy mô lớn

Khoảng 1 tháng sau khi thành lập, tức là vào tháng 11/2023, chính quyền mới của New Zealand khi đó đã bắt đầu một loạt cải cách trong đó có việc bắt đầu cắt giảm lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực công và một trong những cơ quan đầu tiên tiến hành cắt giảm người lao động là Cơ quan giao thông New Zealand…Trong tháng 12/2023, một số các cơ quan khác thuộc chính phủ New Zealand cũng tiến hành cắt giảm người lao động trong đó có Cơ quan Thống kê New Zealand và đến năm nay, việc cắt giảm người lao động được diễn ra với quy mô lớn hơn, với nhiều cơ quan của nước này. Dự kiến việc cắt giảm lao động trong lĩnh vực công tại New Zealand sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2025 nhưng có thể với quy mô nhỏ hơn.

Trước khi tiến hành cắt giảm thì các cơ quan sẽ tổ chức thảo luận với người lao động để tìm biện pháp phù hợp trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Trong đợt này, New Zealand sử dụng một số cách thức để làm giảm số lượng người lao động trong các cơ quan công quyền, thứ nhất là tự nguyện nghỉ việc, thứ hai là buộc phải nghỉ việc (thông qua việc giảm bớt số lượng lao động hoặc chấm dứt vị trí công việc), thứ ba là không kéo dài hợp đồng với các lao động hết thời hạn hợp đồng và thứ tư là để trống vị trí công việc.

Việc cắt giảm lao động diễn ra với các cơ quan công quyền trong đó bao gồm cả các cơ quan đầu não như Văn phòng Thủ tướng và Nội các, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư Pháp, Bộ Nội vụ, Bộ giáo dục….Trong đó Bộ Y tế đang là một trong những cơ quan bị cắt giảm nhân sự nhiều nhất với việc cắt giảm hơn 2000 người.

Bộ trưởng Nicola Willis cho biết, việc sắp xếp lại người lao động trong lĩnh vực công được tiến hành nhằm đạt được bốn mục tiêu: Thứ nhất là đảm bảo sự bền vững về tài chính, phù hợp với bối cảnh tài chính hiện tại. Thứ hai là điều kiện làm việc và thiết lập chính sách tiền lương phục vụ cho việc làm việc hiệu quả cao trong khu vực công. Thứ ba là đảm bảo lực lượng lao động đa dạng, bao trùm có thể đáp ứng nhu cầu của tất cả người dân New Zealand. Thứ tư là ngoài việc sắp xếp lại lao động, các cơ quan cũng cần phải giảm chi tiêu vào các hoạt động tư vấn và các hợp đồng với tổ chức bên ngoài.

Ảnh hưởng về mặt xã hội

Chắc chắn là việc cắt giảm nhiều người lao động làm việc trong lĩnh vực công cũng ảnh hưởng tới nhiều cá nhân và gia đình. Việc làm này được tiến hành dựa trên các cuộc tư vấn với người lao động để hai bên có thể hiểu và tìm kiếm được giải pháp dung hòa.

Trong đó đáng chú ý, New Zealand khuyến khích người lao động tự nguyện nghỉ việc để hưởng khoản trợ cấp lớn với mức trung bình là 56.400 NZD/người. New Zealand tính toán sẽ chi khoảng 50 triệu NZD cho những đối tượng này.

Ngoài ra, cũng có một bộ phận người lao động cũng muốn nghỉ hưu sớm hoặc nghỉ ngơi một thời gian trước khi tìm công việc mới, nhiều người khác thì ngay lập tức đi tìm công việc ở khu vực tư nhân và có người chọn đi học để có thể phát triển bản thân và tạo tiền đề để tìm được công việc phù hợp sau này. Đáng chú ý, không ít người chọn chuyển sang Australia-nơi có thị trường rộng hơn, nhu cầu lao động nhiều hơn để tìm việc làm.

Việt Nga/VOV-Australia

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/cuoc-song-do-day/new-zealand-tinh-gon-bo-may-cong-va-giam-bien-che-de-cai-thien-nen-kinh-te-post1142652.vov
Zalo