Nếu tăng phí quản lý căn hộ cho thuê lưu trú ngắn hạn, giá thuê sẽ tăng

Cho thuê căn hộ chung cư theo hình thức lưu trú ngắn hạn cần được hội nghị nhà chung cư thông qua, bao gồm cả việc tăng phí quản lý. Vậy đề xuất này liệu có khiến giá thuê tăng?

Quy định cấm ảnh hưởng đến 9.000 chủ căn hộ

Sở Xây dựng vừa có văn bản gửi UBND TPHCM đề xuất thí điểm cho thuê lưu trú ngắn hạn tại căn hộ chung cư ở một số khu vực, bắt đầu từ ngày 1/9, trong vòng 1 năm.

Theo đề xuất của Sở Xây dựng TP, việc thí điểm chỉ áp dụng cho các căn hộ thuộc những tòa nhà chung cư có hệ thống kỹ thuật đảm bảo, xây dựng đúng theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt.

Để tham gia thí điểm, chủ căn hộ phải đáp ứng một số điều kiện như: được hội nghị nhà chung cư thông qua (bao gồm cả việc trả thêm phí quản lý vận hành), báo cáo thông tin khách thuê, tuân thủ các quy định về lưu trú, thuế, phòng cháy chữa cháy và bảo hiểm.

Đồng thời, chủ nhà phải đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự và vệ sinh chung. Nếu vi phạm, có thể bị xử phạt hành chính và tạm dừng tham gia thí điểm.

Về quy trình quản lý, chủ nhà phải hướng dẫn khách thuê làm thủ tục nhận căn hộ và tuân thủ nội quy chung cư. Ngoài ra, cần có hệ thống giám sát và phối hợp với cơ quan chức năng khi cần truy xuất thông tin khách qua các nền tảng chia sẻ như Airbnb hoặc Booking.

Bảng thông báo không cho lưu trú ngắn hạn tại một chung cư ở TPHCM. Ảnh: Anh Phương

Bảng thông báo không cho lưu trú ngắn hạn tại một chung cư ở TPHCM. Ảnh: Anh Phương

Trước đó, ngày 27/2, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 26 theo hướng cấm hình thức lưu trú ngắn hạn tại các chung cư dân sinh, căn cứ theo Luật Nhà ở năm 2020. Mô hình này chỉ được áp dụng tại các dự án xây dựng chuyên biệt cho du lịch như condotel, không áp dụng cho các chung cư tiêu chuẩn.

Nói về hoạt động cho thuê lưu trú ngắn hạn tại chung cư, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), cho biết, hình thức này không chỉ phục vụ khách du lịch mà còn nhiều đối tượng vãng lai khác.

Đó là những người cần lưu trú ngắn hạn để phục vụ công việc, tham dự sự kiện hoặc chăm sóc người thân đang điều trị bệnh. Những trường hợp này không mang tính chất “trải nghiệm homestay” - hình thức du lịch mà khách cùng sinh hoạt với chủ nhà.

Theo ông Châu, sau khi UBND TP ban hành Quyết định 26, từ cuối tháng 2 đến nay, nhiều ban quản trị và ban quản lý chung cư đã ra thông báo cấm cho thuê lưu trú ngắn hạn tại các căn hộ.

“Việc không cho phép chủ sở hữu căn hộ chung cư cho thuê ngắn hạn không chỉ ảnh hưởng đến ngành du lịch mà còn tác động tiêu cực đến sinh kế của gần 9.000 chủ nhà tại 24 chung cư, khiến hàng nghìn lao động mất việc”, ông Châu nói và cho hay HoREA đang xem xét cụ thể đề xuất từ Sở Xây dựng.

Giá thuê có thể tăng

Liên quan đến mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực lưu trú, Sở Du lịch TP cho biết, những năm gần đây, hoạt động cho thuê lưu trú ngắn hạn tại căn hộ chung cư phát triển mạnh tại TPHCM, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách quốc tế, chuyên gia và người lao động.

Nhiều chủ căn hộ đã tận dụng thời gian căn hộ trống để tăng thu nhập bằng cách cho thuê lưu trú du lịch theo ngày hoặc theo tuần. Một số nhà đầu tư chuyên nghiệp thậm chí còn mua hoặc thuê lại nhiều căn hộ để kinh doanh lưu trú, tạo thành chuỗi dịch vụ tương tự khách sạn.

Giá thuê căn hộ lưu trú ngắn ngày dự kiến sẽ tăng khi gia chủ phải chịu thêm phí quản lý. Ảnh: Anh Phương

Giá thuê căn hộ lưu trú ngắn ngày dự kiến sẽ tăng khi gia chủ phải chịu thêm phí quản lý. Ảnh: Anh Phương

Dù mô hình này mang lại lợi ích kinh tế và đáp ứng nhu cầu thị trường, Sở Du lịch cho rằng sự phát triển nhanh chóng của loại hình kinh doanh này kéo theo một số hệ lụy.

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Sở Du lịch đang phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu và xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực lưu trú du lịch, dự kiến hoàn thiện vào năm 2027.

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Tạ Trung Kiên, thành viên Ban Quản trị Group Cafe Bất động sản (SREC), nói rằng từ cuối tháng 2 đến nay, doanh nghiệp của ông đã buộc phải ngừng hoạt động cho thuê lưu trú ngắn hạn tại các căn hộ chung cư thông thường.

Với những căn hộ này, ông đã ký hợp đồng thuê dài hạn với chủ nhà trong thời gian 3-5 năm. Quy định cấm buộc ông phải thanh lý hợp đồng hoặc cải tạo căn hộ để chuyển đổi sang mô hình cho thuê dài hạn, dẫn đến thua lỗ do đầu tư nội thất.

Về đề xuất của Sở Xây dựng TP, ông Kiên đồng tình với việc tăng phí quản lý đối với các căn hộ kinh doanh lưu trú ngắn hạn. Tuy nhiên, ông cho rằng để hội nghị nhà chung cư thông qua thì cần có sự hỗ trợ không chỉ của ban quản trị, ban quản lý chung cư mà còn cơ quan quản lý nhà nước.

“Hiện chưa rõ mức tăng phí quản lý sẽ là bao nhiêu, nhưng tôi đề xuất tăng từ 20-30%. Khi đó, để đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư, việc tăng giá thuê là điều không thể tránh khỏi”, ông Kiên nói.

Anh Phương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/neu-tang-phi-quan-ly-can-ho-cho-thue-luu-tru-ngan-han-gia-thue-se-tang-2423159.html
Zalo