Nêu cao ý thức, trách nhiệm của công chứng viên

Ngày 26-11-2024, tại kỳ họp thứ 8, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Công chứng sửa đổi và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025. Một trong những điểm mới nhận được sự đồng thuận cao của cử tri trong cả nước là quy định khi không còn là công chứng viên (CCV) nhưng vẫn phải bồi thường thiệt hại.

Theo quy định pháp luật hiện hành, công chứng là một hoạt động đặc thù và trong quá trình thực hiện công việc của mình, CCV có thể gây thiệt hại cho người yêu cầu công chứng là cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài. Tại Điều 38 Luật Công chứng năm 2014 quy định: Tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi mà CCV, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng. CCV gây thiệt hại phải hoàn trả lại một khoản tiền cho tổ chức hành nghề công chứng đã chi trả khoản tiền bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, tại Điều 600 Bộ luật Dân sự 2015 quy định nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do người làm công gây ra trong quá trình thực hiện công việc như sau: Cá nhân, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định pháp luật. Tóm lại, nếu xảy ra thiệt hại mà nhân viên, người lao động, cụ thể ở đây là CCV vi phạm dẫn đến bồi thường hợp đồng công chứng thì người đứng ra chi trả bồi thường cho khách hàng sẽ là doanh nghiệp công chứng. Sau khi thực hiện bồi thường, tổ chức hành nghề công chứng có thể yêu cầu nhân viên của mình chi trả lại.

Thực tế những khó khăn, vướng mắc, bất cập đã phát sinh từ chính quy định chưa chặt chẽ này. Vì có những hợp đồng, giao dịch mà phải nhiều năm, thậm chí cả chục năm sau mới phát hiện ra sai sót song không thể đòi bồi thường. Lý do là khi đó tổ chức hành nghề công chứng đã bị giải thể, chuyển đổi, hay sáp nhập,... hoặc CCV ký hợp đồng giao dịch đã không còn làm CCV và chuyển nơi ở…, thì Luật Công chứng 2014 lại chưa điều chỉnh. Nhằm khắc phục bất cập này, tại khoản 2 Điều 40 Luật Công chứng 2024 quy định: Nếu CCV hoặc nhân viên văn phòng công chứng trực tiếp gây thiệt hại phải thực hiện bồi thường cho tổ chức hành nghề công chứng, kể cả trường hợp người đó không còn là CCV hoặc làm trong ngạch công chứng.

Để Luật Công chứng sửa đổi thực sự đi vào cuộc sống, đồng thời bảo vệ tốt quyền và lợi ích chính đáng của các cá nhân, tổ chức, Bộ Tư pháp nên tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về công chứng và quy tắc đạo đức hành nghề công chứng. Đặc biệt, phải ngăn chặn từ sớm, từ xa và giải quyết triệt để tình trạng công chứng “khống”, công chứng “treo”, công chứng “chờ”. Bộ Tư pháp cần phối hợp với Bộ Công an tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm các tổ chức hành nghề công chứng và CCV có sai phạm, tiếp tay cho tổ chức, cá nhân sử dụng văn bản công chứng “khống” để “trốn thuế”, “rửa tiền”.

Cùng với đó, trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, với yêu cầu số hóa ngày càng phát triển mạnh mẽ đòi hỏi Bộ Tư pháp cần sớm ban hành quy định về trình tự, thủ tục thực hiện công chứng trên môi trường điện tử. Trước hết là hoàn thiện hành lang pháp lý về công chứng số, quy định quy trình nghiệp vụ công chứng đến việc công nhận giá trị pháp lý của dữ liệu số, chữ ký số, xác thực dữ liệu, liên thông cơ sở dữ liệu...

Hồ Ngọc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/166653/neu-cao-y-thuc-trach-nhiem-cua-cong-chung-vien
Zalo