Nêu cao tinh thần trách nhiệm, kịp thời giải quyết thấu đáo các kiến nghị của cử tri

Ghi nhận các nỗ lực của các bộ, ngành trong giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội thời gian qua, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đề nghị, các bộ, ngành tiếp tục phát huy kết quả đạt được trên tinh thần trách nhiệm, kịp thời giải quyết các kiến nghị của cử tri liên quan đến chủ trương, chính sách, pháp luật, nghị định, thông tư thuộc thẩm quyền quản lý.

Chậm ban hành văn bản hướng dẫn ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân

Tại Phiên họp giải trình, cung cấp thông tin về việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khóa XV của Ban Dân nguyện chiều 27.9, một vấn đề được nhiều đại biểu cho ý kiến là việc còn tình trạng một số chính sách ưu đãi của Nhà nước chưa được triển khai trên thực tế do bộ, ngành chậm trình văn bản hướng dẫn thực hiện, ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách ưu đãi và quyền lợi của người hưởng thụ.

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình phát biểu tại phiên họp

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình phát biểu tại phiên họp

Theo dự thảo báo cáo kết quả giám sát của Ban Dân nguyện, từ Kỳ họp thứ Tư đến nay, cử tri nhiều địa phương đã kiến nghị sớm ban hành văn bản hướng dẫn điều chỉnh trợ cấp hàng tháng cho đối tượng thanh niên xung phong theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến. Bởi, dù theo Quyết định này, mức trợ cấp với thanh niên xung phong tham gia kháng chiến sẽ được điều chỉnh tương ứng khi Chính phủ điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Nhưng, từ năm 2011 đến nay, mức chuẩn trợ cấp xã hội đã được điều chỉnh tăng 3 lần thì mức trợ cấp với thanh niên xung phong tham gia kháng chiến mới được điều chỉnh 1 lần, khó đáp ứng yêu cầu đề ra. Nguyên nhân của tình trạng này là do chậm ban hành văn bản hướng dẫn điều chỉnh mức trợ cấp cho đối tượng này do còn có sự chưa thống nhất về thẩm quyền tham mưu, xây dựng chính sách.

“Việc điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến là chính sách ưu đãi của nhà nước nhằm giúp họ ổn định cuộc sống. Việc chậm điều chỉnh mức trợ cấp làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của đối tượng này”. Nêu thực tế này, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Lưu Văn Đức cho rằng, sự chậm trễ ban hành các văn bản hướng dẫn hay ban hành văn bản nhưng chưa cụ thể là khoảng trống lớn, gây lúng túng, bị động cho các cơ quan chuyên môn trong quá trình thực thi chính sách. Đồng thời, đề nghị Ban Dân nguyện cần phải có văn bản đôn đốc để Chính phủ sớm phân công cụ thể, triển khai công việc sớm, qua đó giúp cho người dân sớm thụ hưởng chính sách.

Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Lưu Văn Đức phát biểu tại phiên họp

Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Lưu Văn Đức phát biểu tại phiên họp

Giải trình về vấn đề điều chỉnh mức trợ cấp với thanh niên xung phong tham gia kháng chiến, đại diện lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ đều thừa nhận tình trạng này xảy ra do sự phối hợp giữa hai bộ chưa chặt chẽ, cùng với việc Chính phủ chưa phân công nhiệm vụ. Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, trước đây bộ được giao quản lý, theo dõi thực hiện chính sách với thanh niên xung phong tham gia kháng chiến và đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg (ngày 27.7.2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ đối với thanh niên xung phong). Nhưng, theo phân công chức năng, nhiệm vụ mới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ có chức năng quản lý, theo dõi thực hiện chính sách với người có công, chính sách với thanh niên thuộc chức năng của Bộ Nội vụ. Thứ trưởng cũng thừa nhận, do phối hợp giữa hai bộ có lúc, có thời điểm chưa chặt chẽ, nên hiện đều đang chờ phân công của Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh giải trình vấn đề cử tri kiến nghị

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh giải trình vấn đề cử tri kiến nghị

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cũng đồng tình với nhận định tình trạng chậm điều chỉnh mức trợ cấp cho thanh niên xung phong tham gia kháng chiến có nguyên nhân do phân công chức năng, nhiệm vụ giữa Bộ Nội vụ và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chưa rõ. “Hai Bộ trưởng đã trao đổi và thống nhất trong phân giao nhiệm vụ giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội với Bộ Nội vụ; đồng thời, sẽ sớm báo cáo Chính phủ về việc này”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định.

Tương tự, các đại biểu cũng đề nghị, các bộ, ngành liên quan sớm ban hành hướng dẫn cụ thể về việc xác định “người lao động có thu nhập thấp”, vì vấn đề này đã được cử tri kiến nghị từ năm 2022 đến nay. Trong khi đó, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 chỉ được thực hiện đến hết năm 2025. Nếu chậm ban hành hướng dẫn về việc này sẽ khiến chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn trong Tiểu dự án số 1 của Chương trình không triển khai được dù Chương trình mục tiêu quốc gia đã thực hiện 3 năm qua.

“Bộ Y tế đã “lao tâm, khổ tứ” tham mưu chính sách tháo gỡ tổng thể cho vấn đề này”

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tại phiên họp trước kiến nghị của cử tri về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở y tế chưa được giải quyết dứt điểm. Đồng thời, Bộ trưởng cũng nêu rõ, nhiều nghị quyết được Quốc hội ban hành thời gian qua hay một số dự án luật đang được xem xét thông qua đã cho phép thực hiện những cơ chế ngắn hạn, cũng như có cơ chế tháo gỡ khó khăn về thể chế cho cung ứng thuốc, vật tư y tế. “Các cơ chế để tháo gỡ khó khăn trong đấu thầu vật tư y tế, thuốc cũng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu khá đầy đủ trong quá trình xây dựng Luật Đấu thầu (sửa đổi). Hiện nay, chỉ còn cơ chế với nhà thuốc bệnh viện, thì Bộ Y tế đang tham gia tích cực vào quá trình xây dựng một luật sửa đổi 4 luật để tháo gỡ khó khăn này”, Bộ trưởng nêu rõ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại phiên họp

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại phiên họp

Dù hiện nay, với những quy định tiến bộ của Luật Đấu thầu, cụ thể là gói thầu mua bán theo quy định mới đã được triển khai thực hiện và đã tháo gỡ được vướng mắc về thiếu thuốc, vật tư y tế. Tuy nhiên, qua làm việc với các đơn vị, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhận được phản ánh, quy trình đấu thầu mua thuốc, vật tư y tế thường kéo dài vài tháng, nên "khi làm kế hoạch ban đầu thì giá thuốc, vật tư y tế chỉ 1 đồng, nhưng đến khi đấu thầu thành công giá các mặt hàng này đã thay đổi nhiều". Điều này khiến các doanh nghiệp không thể thực hiện được việc cung ứng thuốc, thiết bị vật tư y tế theo báo giá ban đầu. Để tiếp tục cung ứng được thuốc, vật tư y tế sẽ buộc phải làm lại quy trình đấu thầu.

Ngoài ra, trong quá trình triển khai thực hiện có thể ở một số nơi có tình trạng gói thầu cũ đã hết, nhưng chưa kịp công bố gói thầu mới theo kế hoạch. Do đây là hạn chế trong quá trình thực hiện, nên Bộ Y tế đã triển khai nhiều chương trình tập huấn, hướng dẫn cho các đơn vị về các quy định mới liên quan đến đấu thầu. Bộ trưởng cũng cho biết, nếu cơ chế nhà thuốc bệnh viện được các đại biểu Quốc hội ủng hộ thông qua trong một luật sửa đổi 4 luật tới đây, thì về cơ bản, vướng mắc trong mua sắm thuốc, vật tư y tế từ nguồn thu khác của nhà thuốc sẽ được khắc phục, góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu về thuốc chữa bệnh của người dân.

“Mặt khác, tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế cũng đã bổ sung quy định trong trường hợp đã áp dụng tất cả các quy định, kể cả trường hợp mua sắm chỉ định trực tiếp mà vẫn không có đủ thuốc, nhưng bệnh viện khác đang có loại thuốc bệnh nhân cần, thì có thể điều sang bệnh viện này để đáp ứng ngay nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Sau đó, Bảo hiểm xã hội sẽ thanh toán theo giá của bệnh viện cung cấp thuốc. Đây là một cơ chế mà nếu được thông qua sẽ góp phần giải quyết được tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế hiện nay”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định.

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà phát biểu tại phiên họp

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà phát biểu tại phiên họp

Theo Phó Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà, trong đấu thầu thuốc có 3 hình thức là đấu thầu cấp quốc gia, cấp địa phương và tại cơ sở khám, chữa bệnh. Nhưng, ngay ở cấp đấu thầu quốc gia, Bộ Y tế cũng vướng do sau khi xây dựng kế hoạch dự trù xong lại không thống nhất được với cơ quan bảo hiểm. Ở cấp địa phương cũng xảy ra tình trạng tương tự. Những vướng mắc trong quá trình thực hiện này là một nguyên nhân dẫn đến chưa giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc.

“Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã tháo gỡ nhiều khó khăn trong đấu thầu, cung cấp thuốc, vật tư y tế tiêu hao. Nhưng, sau quá trình ban hành, triển khai luật và văn bản hướng dẫn, cử tri vẫn tiếp tục phản ánh một số vướng mắc”. Nêu rõ thực tế này, Phó Trưởng Ban Dân nguyện đề nghị, về lâu dài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tính toán xây dựng phương án đấu thầu đặc thù với thuốc, vật tư tiêu hao để phù hợp hơn nữa với đòi hỏi của thực tiễn.

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Trong phát biểu kết luận phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đề nghị, các bộ, ngành tiếp tục phát huy kết quả đạt được trên tinh thần trách nhiệm, kịp thời giải quyết các vướng mắc của cử tri liên quan đến chủ trương, chính sách, pháp luật, nghị định, thông tư thuộc thẩm quyền quản lý. Đồng thời, khẳng định những ý kiến của các đại biểu góp ý vào dự thảo Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khóa XV sẽ được Ban Dân nguyện tiếp thu đầy đủ, hoàn thiện và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám tới đây.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/neu-cao-tinh-than-trach-nhiem-kip-thoi-giai-quyet-thau-dao-cac-kien-nghi-cua-cu-tri-post391687.html
Zalo