Nét vẽ Vinh Hoa Phú Quý

Nếu xem tranh dân gian Đông Hồ như những bức tranh thuần túy, sự rung động có lẽ chỉ ở mức cảm giác của một kẻ phiêu lưu đi khám phá một chân trời đã mất. Nhưng nếu đặt trong một bối cảnh liên văn hóa, ta thấy bóng dáng của ông cha, bố mẹ và chính mình ngày hôm qua trên một pho sử ký bằng hình ảnh.

1.

Hồi nhỏ, tôi đi học vẽ ở Cung Thiếu nhi. Một trong những bài tập ban đầu là chép tranh. Chúng tôi được thầy cho chép hai bức tranh dân gian Đông Hồ vẽ đứa bé ôm gà và vịt. Trên mỗi bức tranh còn có hai chữ Hán mà chúng tôi không biết là chữ gì. Mãi sau thầy mới bảo đó là vinh hoa, phú quý, nhưng tại sao những chữ ấy lại gắn với con gà, con vịt thì thầy không nói.

Tôi chọn chép bức em bé ôm con vịt. Tôi thấy hình con vịt thú vị hơn con gà. Bức tranh tôi vẽ khá giống, riêng hai chữ Hán thì tôi cố gắng mô phỏng lại mà cũng không biết có đúng không, nhưng được cái tự tin nên tôi nghĩ là đạt. Mỗi tội tôi không biết đấy là vinh hoa hay phú quý.

Làng Đông Hồ thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Làng Đông Hồ thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Khi tôi mang tranh về nhà khoe thì mẹ tôi thích lắm. Mẹ bắt tôi dán lên bàn thờ. Tôi cũng không hiểu vì sao mẹ tôi lại ưu tiên bức tranh ấy để đặt lên bàn thờ nữa. Mẹ tôi vốn là người khá sùng tín, nên sau này khi đã lớn rồi tôi nghĩ bức tranh ấy có một năng lượng tốt lành khiến bà yêu thích đến vậy.

Tôi nhớ rằng suốt thời thơ ấu đến khi vào đời, tôi chưa được nhìn thấy bức tranh dân gian Đông Hồ nào treo ở các gia đình. Tôi chỉ biết mấy bức tranh tố nữ hay hai bức vừa rồi ở Cung Thiếu nhi, có bức in trên giấy điệp, có bức tôi không nhớ là tranh kiểu các nhà xuất bản in lại trên giấy công nghiệp. Dĩ nhiên lúc ấy tôi vẫn thấy so với những bức tranh tráng lệ của bảo tàng Hermitage in thành sách mà các thầy cũng cho chúng tôi xem thì các bức tranh Đông Hồ mộc mạc quá, thậm chí là “ngây ngô”. Nhưng một điều gì đó khi nhìn những dáng hình nhiều vẻ cách điệu của những bức tranh Hứng dừa, Chăn trâu thả diều hay các cô tố nữ cổ có những cái ngấn khá phồn thực, đã khiến tôi khó quên. Cảm giác nhìn tận mắt một sản phẩm dân gian nổi tiếng có gì đó làm cho đứa trẻ như tôi khá xao xuyến.

Ngày Tết là dịp tôi hay được, hoặc là phải về quê ngoại thăm họ hàng, ở làng Ngọc Trục, Đại Mỗ, nay đã thành phường của quận Nam Từ Liêm. Hồi ấy tôi ấn tượng mãi về những bàn thờ của các gia đình, là những gian án đồ sộ bằng gỗ sơn son đã xuống màu, ở giữa ngự một cái ngai dán bài vị thấp thoáng sau hai bức màn điều được vén lên. Những trang trí chạm trổ trên các cửa võng, mà lúc ấy tôi chưa hiểu là gì, luôn là một thứ khiến tôi say mê.

Ở các ngôi nhà cũ ấy, hay dán những bức tranh kiểu cuốn thư, có hình các lọ hoa đặt trên kệ chân quỳ, với những màu sắc giống màu tranh Đông Hồ tôi đã chép. Có bức ghi dòng khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập - tự do” và hình Bác Hồ. Một số nhà treo bộ bốn bức Xuân Hạ Thu Đông mà người lớn gọi là tranh tứ bình, sau tôi mới biết đó là tranh Hàng Trống. Nhưng ở phố Hàng Trống tôi không thấy bán tranh này.

Các công đoạn làm tranh Đông Hồ.

Các công đoạn làm tranh Đông Hồ.

Tranh Đông Hồ, Hàng Trống đã nhạt nhòa trong đời sống tự khi nào? Câu thơ của Hoàng Cầm: “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”, hay của Tố Hữu: “Ta còn nghèo, phố chật, nhà gianh/ Nhưng cũng đủ vài tranh treo Tết” được đọc thời tôi đi học có lẽ chỉ đóng vai trò biểu tượng. Những bức tranh như thể nằm lưu trong bảo tàng ký ức của một kho lưu trữ mô tả bằng lời. Như thế chẳng khác nào một hư ảnh được lưu truyền.

Mãi cho đến thời đi học đại học, trong chuyến đi chơi chùa Dâu, tôi mới thấy những bức tranh Đông Hồ được bày bán ở cổng chùa. Chùa Dâu cùng huyện Thuận Thành với làng Đông Hồ, cách đó không xa. Tôi bắt đầu để ý những bức tranh thành hệ thống và lần mò tra cứu các chữ Hán Nôm được ghi trên các bức đó. Nhưng người ta nói ở làng chỉ còn có hai nhà giữ nghề in tranh.

Tôi đã có dịp đến nhà các nghệ nhân Nguyễn Đăng Sần và Nguyễn Hữu Quả, giờ là các con và cháu của hai ông tiếp tục nuôi nghề, nhà của họ cũng trở thành điểm du lịch để giúp cho cái danh hiệu làng tranh dân gian còn trong đời sống. Bảo tàng “Vinh Hoa Phú Quý” này bắt đầu hiển hiện rõ nét với tôi, khi tự tay mình lật giở những tờ giấy dó quét điệp mỏng mảnh, tưởng như chẳng đáng là bao về vật chất. Nhưng khi đã có một cảm xúc với chốn đồng nội và vốn văn hóa qua cái đã đọc, cái được học, tôi thấy chúng hô ứng với những chạm khắc dân gian đầy mê hoặc trên các bức cốn vì kèo đình chùa hay những bức tượng vừa cụ thể, chi tiết, lại vừa sẵn sàng gạt bỏ những rườm rà. Ngay cả những cái “lỗi” về tạo hình (không tuân theo nhân trắc học, tương quan tỷ lệ...) cũng làm tôi thích thú bởi lẽ đấy là dấu vết của thủ công.

2.

Bên cạnh những bức tranh chủ đề truyền thống, thời Pháp thuộc có những bức đề tài “phong tục cải lương” hay “văn minh tiến bộ”, sau này có những bức do các nghệ nhân khắc theo các chủ đề chiến đấu, sản xuất và xây dựng quê hương. Trong một lần điền dã ở đây, tôi bắt gặp những cuốn sách in lại vài bức tranh như vậy và được biết chính nghệ nhân Nguyễn Đăng Sần từng làm chuyên gia cộng tác với Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam để truyền đạt nghệ thuật tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, và chính ông đã tiếp nối sáng tác những bức tranh dân gian mới mang dấu ấn cá nhân.

Một số tranh dân gian Đông Hồ sưu tập.

Một số tranh dân gian Đông Hồ sưu tập.

Tôi lập tức yêu những bức tranh mộc mạc mà chắt lọc trí tuệ lẫn tài năng của một người nông dân cụ thể của Đông Hồ, nhưng là một nghệ sĩ của làng quê. Những bức Tăng gia sản xuất, Cải tiến nông cụ, Cửa hàng mua bán nơi sơ tán, Địch phá ta cứ đi, Từ thần sấm xuống xe trâu… với bố cục linh hoạt, có chút kỹ thuật phối cảnh mới, song cơ bản vẫn là cái chất quê mùa hồn hậu.

Ngôi làng bé nhỏ ven bờ đê sông Đuống thực tình chẳng có tài nguyên vật lực gì khác biệt với các làng quê vùng Bắc Ninh hay cả đồng bằng sông Hồng xung quanh. Nghề làm tranh cũng không làm người ta giàu có, Đông Hồ xưa là làng nghèo, ngôi đình cũ bé nhỏ hơn nhiều những đình làng khác. Câu ca dao xưa cũng chỉ phất phơ một khung cảnh không có gì đặc biệt:

Làng Mái có lịch có lề
Có sông tắm mát, có nghề làm tranh

Năm tháng phai bạc bóc đi những bức tranh ngắn hạn, chỉ còn lại dư vị quá khứ. Ngày nay phần lớn các gia đình đã chuyển sang làm vàng mã, những bức tranh cũng có xu hướng được chép lại trên chất liệu cao sang hơn, nhưng mất đi hẳn cái đẹp của kỹ thuật in ván từng lớp màu xưa kia.

Khi xem những bức tranh dân gian Đông Hồ, nếu chỉ như xem những bức tranh thuần túy, sự rung động có lẽ chỉ ở cảm giác kẻ phiêu lưu khám phá một chân trời đã mất. Nhưng nếu đặt trong một bối cảnh liên văn hóa, ta thấy bóng dáng của ông cha, bố mẹ và chính mình ngày hôm qua trên một pho sử ký bằng hình ảnh. Không chỉ thấy thú vị vì cái sự mộc mạc tưởng như quê mùa mà rồi ta nhận ra đấy là cách những nghệ nhân bắt lấy cái thần của thời họ sống.

Một số tranh dân gian Đông Hồ sưu tập.

Một số tranh dân gian Đông Hồ sưu tập.

Ngay như chính tôi, khi chép lại những bức tranh Đông Hồ thời nhỏ, tôi chỉ ý thức là mình đang bắt lấy cái hình dáng của những cậu bé, những con trâu, những cô tố nữ mà người xưa mô tả, một cách máy móc. Tôi có thể đã phàn nàn kiểu trẻ con rằng các cô tố nữ này trông đâu có xinh đẹp, hay điệu bộ những người múa rước hay đấu vật là sai nhân trắc học. Tôi có thể đã cho rằng đó là sự vụng về.

Sau này từng trải hơn, tôi mới thấy đạt tới cái vụng về rất có duyên và cả có lý ấy thực chẳng dễ. Nghệ nhân xưa đã sống trọn vẹn trong một bầu văn hóa thời vụ nhịp nhàng và có sự cộng hưởng của đời sống và thị trường tranh Tết của xã hội. Những bức tranh đã đi muôn nơi, để rồi làm nên hồn vía mùa xuân: “Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột. Om thòm trên vách bức tranh gà” (Tú Xương).

Những bức tranh tôi chép lại hồi ấy dĩ nhiên chẳng còn. Tôi cũng không còn “khách hàng” đặc biệt của mình để có thể thích thú trưng lên những tranh gà vịt kia. Nhưng cuộc tiếp xúc với tranh dân gian Đông Hồ thời thơ ấu đã là một cuộc giao duyên rất hữu tình trong đời.

Thế giới của chúng ta đôi khi chỉ lấp lánh vì những cái duyên nhỏ bé ấy.

Bài và ảnh: Nguyễn Trương Quý

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/net-ve-vinh-hoa-phu-quy-47660.html
Zalo