Nét tương đồng giữa Thiền học Trúc Lâm thời Trần và tư tưởng lập hiến Hồ Chí Minh

Thiền học Trúc Lâm cùng Tư tưởng lập hiến Hồ Chí Minh có sự tương đồng về mặt bản chất khi hai luồng tư tưởng đều hướng đến mục tiêu giải phóng con người, xây dựng một xã hội tốt đẹp

Tác giả: Lê Hoài Nam
Sinh viên Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn

Tóm tắt: Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà lập hiến xuất sắc đã dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước Việt Nam. Với tầm nhìn sâu sắc về lập hiến - một hoạt động quan trọng trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, Hồ Chí Minh đã hình thành hệ thống tư tưởng lập hiến toàn diện và sâu sắc, mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc, phảng phất đâu đó là tinh thần Phật giáo, tiêu biểu là Thiền học Trúc Lâm. Thiền học Trúc Lâm thời Trần có vị trí quan trọng trong dòng chảy lịch sử của nước ta, với hệ thống giáo lý Phật giáo mang bản sắc dân tộc sâu sắc. Khi xem xét hệ thống tư tưởng lập hiến của Hồ Chí Minh và Thiền học Trúc Lâm, ta thấy giữa hai dòng tư tưởng này có nhiều nét tương đồng nhau.

Từ khóa: Tư tưởng lập hiến Hồ Chí Minh, Thiền học Trúc Lâm

1. Dẫn nhập

Khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam đã dần được "bản địa hóa", tính nhập thế cũng được tăng cường qua triết lý của Thiền phái Trúc Lâm. Thiền phái này khẳng định rằng: người tu hành muốn giác ngộ không thể từ bỏ thế gian, mà phải sống gắn bó với nhân dân, đất nước, cùng dân tộc trải qua mọi biến động lịch sử, không rời xa, không lánh đời. Phật giáo luôn luôn hướng tới hạnh phúc, an lành cho mọi người. Hồ Chí Minh cũng vậy, cũng luôn yêu thương con người, nguyện hiến dâng trọn đời mình để giành độc lập cho đất nước và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Nếu triết lý Phật giáo khẳng định "Nhân thị tối thắng" - con người cao hơn tất cả, thì Hồ Chí Minh lại nhấn mạnh: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” .

Tư tưởng Thiền học Trúc Lâm đã được kế thừa và phát huy qua từng giai đoạn lịch sử. Trong mỗi thời kỳ, tư tưởng ấy lại thể hiện vai trò riêng biệt, nhưng nhìn chung, tinh thần từ bi, bác ái, và tư tưởng nhập thế cứu đời, không xa rời trần gian của Trúc Lâm không có gì thay đổi. Điều này rất gần gũi với tư tưởng, đạo đức, cùng hệ thống lý luận, thực tiễn phong phú mà Hồ Chí Minh để lại.

Do đó, việc làm rõ mối liên hệ giữa tư tưởng lập hiến của Hồ Chí Minh và những triết lý trong Thiền học Trúc Lâm không chỉ giúp ta hiểu rõ hơn vẻ đẹp và cốt cách con người của Bác, mà còn giúp nhìn nhận, đánh giá vai trò và tầm ảnh hưởng của Thiền phái Trúc Lâm đối với quá trình hình thành, phát triển của dân tộc ta.

Bảo tượng Phật hoàng trên An Kì Sinh, Yên Tử

Bảo tượng Phật hoàng trên An Kì Sinh, Yên Tử

2. Khái lược về Tư tưởng lập hiến Hồ Chí Minh

2.1. Khái niệm Tư tưởng lập hiến Hồ Chí Minh

Tư tưởng lập hiến (tư tưởng về hiến pháp) được phổ biến rộng rãi trong thời kỳ cách mạng tư sản. Thời kỳ này, ngoài việc nêu cao ngọn cờ dân chủ, bình đẳng, tự do, giai cấp tư sản đề ra khẩu hiệu lập hiến với mục đích tập hợp quần chúng nhân dân tích cực tham gia cuộc cách mạng đó. Nội dung chủ yếu của khẩu hiệu lập hiến thể hiện ở việc yêu cầu xây dựng một bản hiến pháp.

Tư tưởng lập hiến là những nhận thức lý luận về thành lập hiến pháp, bao gồm những quan điểm, khái niệm được hình thành và phát triển bởi nhà tư tưởng của một giai cấp nhất định, được tuyên truyền trong xã hội; có ảnh hưởng và tác động tới việc xây dựng, thực hiện và bảo vệ hiến pháp.

Tư tưởng lập hiến Hồ Chí Minh là một bộ phận cấu thành tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung. Qua nghiên cứu những quan điểm lập hiến trong các tác phẩm của Hồ Chí Minh; trong các công trình nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh, ta có thể nêu lên khái niệm tư tưởng lập hiến Hồ Chí Minh như sau: Tư tưởng lập hiến Hồ Chí Minh là hệ thống những quan điểm lý luận toàn diện và sâu sắc về thành lập hiến pháp ở Việt Nam trên cơ sở tiếp thu, kế thừa những giá trị tiến bộ của truyền thống pháp luật Việt Nam, những tinh hoa của nền văn minh pháp lý thế giới, vận dụng sáng tạo và phù hợp với thực tiễn xây dựng và hoàn thiện hiến pháp Việt Nam, là nền tảng tư tưởng chỉ đạo công cuộc xây dựng, hoàn thiện hiến pháp Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tư tưởng lập hiến Hồ Chí Minh đóng vai trò là nền tảng tư tưởng, chỉ đạo công cuộc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước và Hiến pháp Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ttrong chừng mực nhất định, đây còn là một phần của nền văn minh pháp lý nhân loại, “các dân tộc chối từ con đường đau khổ của chủ nghĩa tư bản, có thể nghiên cứu để tìm thấy trong tư tưởng Hồ Chí Minh một hướng đi thích hợp cho sự lựa chọn của mình” [1]

2.2 Những vấn đề cơ bản về tư tưởng lập hiến Hồ Chí Minh

Khẳng định quyền độc lập dân tộc và tính hợp hiến của chính quyền cách mạng

Ngày mùng 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập - khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người hiểu rằng, quyết định của Quốc dân Đại hội Tân Trào khi thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc (tức Chính phủ lâm thời) hay việc cải tổ Ủy ban giải phóng thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không thể tạo nên cơ sở pháp lý cho Nhà nước ta, mà phải công bố một Tuyên ngôn như luật pháp quốc tế yêu cầu.

Tuyên ngôn đã thông báo với nhân dân cả nước và thế giới biết rằng: Nước Việt Nam từ nay trở đi là một nước tự do, độc lập và theo lẽ thường, nhân dân Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập ấy, bản tuyên bố đó dựa trên quyền tự quyết của các dân tộc và ý nguyện của dân tộc Việt Nam.

Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, công pháp quốc tế còn chịu sự chi phối nặng nề của chủ nghĩa đế quốc. Khi đó còn có lý luận phân biệt “chính quyền thực tế” với “chính quyền hợp pháp” nhằm phủ định những chính quyền thành lập trong cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới. Đây là một mối lo của Nhà nước ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, lúc này chính quyền cách mạng còn non trẻ, chưa thực sự vững chắc. Mặt khác, theo lý luận nhà nước và pháp luật, có nhà nước là có pháp luật, nhà nước sinh ra pháp luật song pháp luật là cơ sở để tổ chức nhà nước. Rút xô từng nói: “Nhiệm vụ của lập pháp là gì: nhiệm vụ chính là bảo đảm hạnh phúc và phúc lợi cho tất cả công dân, tự do và bình đẳng của họ. Ở đây là bình đẳng hình thức, bình đẳng tất cả trước pháp luật, bình đẳng thông qua đạo luật”[2]. Hiến pháp cũng là luật, nhưng là luật cơ bản của một nước, tạo rường cột, cơ sở pháp lý cơ bản cho toàn xã hội, định hình chế định cơ bản quyền con người và quyền công dân. Cho nên, thông qua hiến pháp mà các nước trên thế giới biết được Việt Nam đi theo chính thể nào, hoạt động theo nguyên tắc nào, nhân dân được hưởng quyền lợi gì…Mặt khác, yếu tố hợp hiến, hợp pháp được thể hiện ở chỗ Nghị viện - cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước phải do nhân dân bầu ra theo chế độ phổ thông đầu phiếu. Như vậy, thành lập hiến pháp là để khẳng định quyền độc lập dân tộc và tính hợp hiến của chính quyền cách mạng.

Khẳng định và đảm bảo quyền con người

Quyền con người là nội dung quan trọng của hiến pháp. Nếu như không có vấn đề bảo vệ nhân quyền thì có lẽ nhân loại cũng không cần có một bản hiến pháp cho mỗi quốc gia[3]. Dù là ở chế độ xã hội nào (tư bản, xã hội chủ nghĩa, các nước đang phát triển) đều có chế định quyền con người, quyền công dân. Đó là nội dung cơ bản nhất của mỗi hiến pháp, nội dung đó chi phối kết cấu của hiến pháp, chế định quyền công dân thường được đặt lên hàng đầu trong hiến pháp của nhiều nước.

Quyền con người là giá trị chung của toàn nhân loại, tôn trọng và đảm bảo quyền con người là nghĩa vụ của tất cả các quốc gia trên thế giới. Đây cũng là một tư tưởng lớn được thể hiện rất sớm trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong Bản Yêu sách của nhân dân An Nam, Người và các nhà yêu nước đã đưa ra những yêu cầu cụ thể cho dân tộc Việt Nam, bao gồm:

Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị;

Cải cách công lý ở Đông Dương bằng cách cho dân bản xứ cũng được hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu; xóa bỏ hoàn toàn và triệt để các tòa án đặc biệt dùng làm công cụ khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam;

Tự do báo chí và tự do ngôn luận;

Tự do lập hội và hội họp;

Tự do cư trú ở nước ngoài và xuất dương;

Quyền tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ;

Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật;

Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ[4].

Có thể nói, bản Yêu sách kể trên có dáng dấp ban đầu của một “Tuyên ngôn về quyền con người của Việt Nam”[5]. Nó thể hiện được tính toàn diện về quyền con người cơ bản được Nguyễn Ái Quốc và các tác giả đề cập đến.

Quyền con người theo quan điểm của Hồ Chí Minh không chỉ được ghi trong các văn bản luật, mà còn thấm đượm một lòng nhân ái sâu sắc theo truyền thống ngàn năm của dân tộc Việt Nam.

Tạo nền tảng pháp lý để xây dựng Nhà nước pháp quyền

Nhận thức được điều này, Hồ Chí Minh sớm đề cập đến vai trò của hiến pháp trong xây dựng nhà nước pháp quyền. Năm 1919, trong tám yêu sách của nhân dân An Nam gửi tới Hội nghị Vécxây thì đã có bốn điểm liên quan đến pháp quyền, còn lại liên quan đến công lý và quyền con người. Khi Bản Yêu sách của nhân dân An Nam chuyển thành “Việt Nam yêu cầu ca”, Hồ Chí Minh vẫn một mực chú trọng: “Bảy xin Hiến pháp ban hành, Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.

Khi xây dựng hiến pháp và các đạo luật, Hồ Chí Minh đều lấy điểm xuất phát từ ý nguyện cùng với lợi ích của nhân dân. Bằng hiến pháp và luật pháp, nhà nước thực hiện chuyên chính với kẻ thù và dân chủ với nhân dân. Người vẫn coi luật là ý chí chung của toàn dân, luật phải do nhân dân đóng góp ý kiến làm ra, đó mới đúng nghĩa của “luật”. Rousseau cho rằng: Tất cả công lý từ trời mà ra. Trời là nguồn gốc của công lý (Bàn về Khế ước xã hội). Còn Hồ Chí Minh lại xem công lý ở nơi dân. Vì dân sẽ tạo ra công lý xã hội, “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”[6] .

3. Khái lược về Thiền học trúc lâm thời Trần

Phật giáo thời Trần được coi là một trong những thời kỳ phát triển thịnh vượng bậc nhất trong lịch sử Việt Nam, với những vị thiền sư nổi tiếng như Tuệ Trung Thượng Sĩ, Pháp Loa Thiền Sư, Huyền Quang Thiền Sư... Đặc biệt, Phật giáo thời kỳ này nhận được sự "bảo hộ" từ triều đình, đứng đầu là các vị vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông. Tư tưởng Phật giáo thời Trần phát triển đặc sắc, đặc biệt là tư tưởng Thiền học Trúc Lâm. Tư tưởng này nổi bật, đóng vai trò chủ đạo và có ảnh hưởng chi phối đến xã hội nhà Trần.

Ngay khi thay thế nhà Lý, bộ máy hành chính thời Trần đã được xây dựng hoàn chỉnh từ trung ương đến địa phương. Quốc triều thông chế (1230) được Trần Thái Tông cho biên soạn dựa trên nền tảng của pháp luật thời Lý đã được sửa đổi, bổ sung xác định những quy tắc, lễ nghi và luật lệ của tổ chức chính quyền. Tinh thần dân tộc thời kỳ này được nâng cao sau 3 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông, niềm tin nhân dân đối với chính quyền nhà Trần không ngừng được củng cố. Nho giáo dần khẳng định vị trí trong đời sống chính trị và xã hội. Nhiều quan niệm của Nho giáo dần thâm nhập vào đời sống tinh thần cũng như những tổ chức xã hội thời Trần, vai trò của tầng lớp Nho sĩ trong xã hội cũng được nâng tầm và có nhiều tiếng nói hơn trong vấn đề trị nước. Đây là một sự khác biệt so với thời kỳ nhà Lý trị vì. Tuy vậy, Phật giáo vẫn giữ vai trò tối quan trọng trong đời sống nước ta.

Trong bài tựa Thiền tông chỉ nam, Trần Thái Tông đã viết: “Trẫm thầm nghĩ: Phật không có Nam Bắc, mọi người đều có thể tu cầu. Tính có trí ngu, đồng sẵn giác ngộ. Vì vậy, phương tiện dẫn dụ đám người mê, để sáng tỏ đường tắt sinh tử, là kinh điển của đức Phật. Đặt mực thước cho đời, làm mô phạm cho người sau, là trọng trách của các bậc Thánh trước (Tổ). Cho nên Lục Tổ nói: "Những bậc Thánh trước (Tổ) cùng Đại sư (Phật) không khác". Nên biết giáo pháp của Phật nhờ các bậc Thánh trước truyền bá ở đời. Nay trẫm đâu không thể lấy trách nhiệm các bậc Thánh trước làm trách nhiệm của mình, giáo pháp của Phật làm giáo pháp của mình”[7]. Bởi vậy, Phật giáo thời Trần đã phát triển trong hoàn cảnh đất nước được phục hồi, thịnh tồn cùng Nho giáo.

Hoàn cảnh ra đời và phát triển của Phật Giáo thời Trần nói chung và Thiền học Trúc Lâm nói riêng đã tạo nên sự thay đổi trong tư tưởng thiền học của các vị thiền sư thời kỳ này. Không còn là những tư tưởng thiền học bó buộc, gắn chặt với những giáo lý “Nhất nhất y kinh” của những thiền phái cũ, Thiền học Trúc Lâm thể hiện rõ tư tưởng riêng biệt với những quan điểm mà theo đánh giá của nhiều học giả là gần gũi với dân, sát với thực tiễn để từ đó, đưa Phật vào Đời, đưa Thiền học đến gần hơn với người dân. Cũng vì lẽ đó lần đầu tiên trong lịch sử, Phật giáo Việt Nam thống nhất từ trung ương đến địa phương, tăng chúng trong cả nước đều được cấp tăng tịch[8].

Các nghiên cứu còn cho thấy, dưới thời Trần, cả nước có đến 15 quốc tự, 330 chùa do vương hầu và người giàu có tạo dựng, 9.000 chùa do nhân dân tạo dựng, tổng cộng có khoảng 9.500 ngôi chùa và 30.000 tăng sĩ, trung bình mỗi chùa có 3 vị tăng sĩ tu học và có những ngôi chùa nhỏ trong đó chỉ có một vị tăng sĩ trụ trì[9]. Từ đó cho thấy, Phật giáo thời Trần đã phát triển mạnh mẽ, có sự thống nhất trong tăng chúng, các tự viện được xây dựng ở nhiều nơi và tạo điều kiện cho tư tưởng Thiền học Trúc Lâm được hình thành và phát triển mạnh mẽ.

Bác Hồ ngồi thiền trong hang đá (ảnh tư liệu của Nhà văn Sơn Tùng). Nguồn: Tạp chí điện tử PetroTimes

Bác Hồ ngồi thiền trong hang đá (ảnh tư liệu của Nhà văn Sơn Tùng). Nguồn: Tạp chí điện tử PetroTimes

4. Điểm tương đồng giữa tư tưởng lập hiến Hồ Chí Minh và Thiền học Trúc Lầm thời Trần

4.1. Tinh thần đại đoàn kết - Sự tương đồng giữa thiền học Trúc Lâm và tư tưởng HCM

Thời kỳ Lý – Trần, Phật giáo Việt Nam có một cuộc sống hài hòa, không xảy ra các xung đột với các yếu tố bên trong và bên ngoài. Những yếu tố bên trong Phật giáo được hiểu là các môn phái, giáo lý của nhà Phật, còn bên ngoài dùng để chỉ những tôn giáo, tín ngưỡng khác đang tồn tại song song, tiêu biểu là Nho giáo, Đạo giáo cùng các tín ngưỡng dân gian. Những yếu tố này tuy có sự khác biệt, song nhờ vào việc triều đình nhà Lý – Trần (nổi bật là nhà Trần) đoàn kết được nhân dân trong nước, không phân biệt “bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ”. Sau này, đây là điều được kế thừa trong tư tưởng của Hồ Chí Minh.

Sự đoàn kết của quân và dân nhà Trần được thể hiện cụ thể ở việc: vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông đã cùng nhân dân cả nước 3 lần đánh tan quân xâm lược Nguyên – Mông, từ năm 1258 đến năm 1288. Chiến thắng ấy được kết tinh từ: “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước góp sức”[10]. Tinh thần đoàn kết chính là nhân tố quan trọng, quyết định đến những thắng lợi của nhân dân Đại Việt trước vó ngựa Nguyên – Mông. Tinh thần đoàn kết trước hết là đặt nhân dân lên trên hết, đưa vị trí người dân làm trung tâm, “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước không còn gì hơn”[11].

Tất thảy những tư tưởng, tinh thần ấy được các vị sư triều Trần tiếp tục ứng dụng, phát huy và kết hợp cùng tư tưởng Phật giáo, tạo nên nền tảng của tư tưởng thiền phái Trúc Lâm. Những đại nhân sĩ như Tuệ Trung Thượng Sĩ hay Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông xuất phát điểm khi chưa xuất gia, họ là những nhân sĩ mang hào khí Đông A[12] mãnh liệt. Bởi vậy, khi về nương tựa nơi Phật Đà, tinh thần ấy tiếp tục được phát huy mạnh mẽ.

Đạo Phật nổi tiếng với tư tưởng “Lục hòa” (sáu pháp hòa hợp) nhằm giúp người tu hành chung sống hòa hợp trong chính pháp cao thượng. Đó là:

1) Thân hòa đồng trụ (cùng hòa đồng khi ở chung).

2) Khấu hòa vô tránh (miệng nói cùng hòa hợp nhau, không gây gổ, không nói lời dừ, lời nặng nề, không tranh hơn thua với nhau).

3) Ý hòa đồng duyệt (ý của những thành viên trong cộng đồng hòa hợp, vui vẻ với nhau).

4) Kiến hòa đồng giải (Những thấy biết của mình đem giải thích huynh đệ cùng hiểu, thông cảm với nhau).

5) Giới hòa đồng tu (cùng giữ giới hạnh với nhau đế cùng an vui tu tập).

6) Lợi hòa đồng quân (có được lợi thì cùng chia đồng đều nhau).

Khi du nhập vào nước ta, tư tưởng “lục hòa” của đạo Phật rất phù hợp với truyền thống đoàn kết của dân tộc ta, nên nhanh chóng bám rễ sâu vào đời sống con người Việt Nam. Đến thời Trần, tư tưởng ấy tiếp tục được phát huy mạnh mẽ, trở thành nền tảng cho sự phát triển về tinh thần đoàn kết giữa quân và dân trong bối cảnh nước nhà bị xâm lăng.

Đến thời đại Hồ Chí Minh, ta lại tiếp tục chứng kiến tư tưởng ấy được kế thừa một cách mạnh mẽ, vững chắc xuyên suốt các cuộc kháng chiến trường kỳ. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc được Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, nhất là xây dựng khối đoàn kết giữa Phật giáo với các tôn giáo khác. Người nhấn mạnh: Để cách mạng giành thắng lợi thì người giàu, người nghèo, quý tộc và nông dân, Hồi giáo và Phật giáo, đều hợp sức đoàn kết[13].

Đối với Hồ Chí Minh, việc tổ chức quyền lực nhà nước phải được đặt trên cơ sở khối đại đoàn kết dân tộc. Người nói: “Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái”. “Chính phủ này tỏ rõ cái tinh thần quốc dân liên hiệp”; “Chính phủ này là Chính phủ toàn quốc, có đủ nhân tài Trung - Nam - Bắc tham gia” [14].

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc không phải là chính sách nhất thời, mà là một chiến lược cơ bản, lâu dài, xuyên suốt quá trình cách mạng. Người cho rằng: “Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị. Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc; ta cần phải đoàn kết để xây dựng nước nhà. Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ” [15].

Từ chủ trương lập Hội phản đế năm 1930 đến thư góp ý với Đảng ta về Mặt trận Dân chủ (thiếu hai chữ dân tộc), rồi về nước lập Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Liên Việt, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,…đã cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn luôn thi hành chính sách đoàn kết dân tộc một cách nhất quán, đúng đắn, có hình thức tổ chức phù hợp và rộng mở, nên đã phát huy được truyền thống yêu nước, đoàn kết dân tộc, tạo thành sức mạnh to lớn, làm nên những chiến công chưa từng có trong lịch sử.

Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết”[16]. Như vậy, Người luôn chủ trương đoàn kết rộng rãi mọi người Việt Nam yêu nước, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, nghề nghiệp, nam nữ, lứa tuổi…nhưng phải lấy liên minh công nông trí thức làm nền tảng và do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh cho rằng: chỉ có thể đoàn kết nếu có chung mục đích, chung số phận, nếu không thì dù có kêu gọi đoàn kết, đoàn kết cũng vẫn không thể có được. Vì thế, đại đoàn kết dân tộc trước hết phải được thực hiện trên nguyên tắc bảo đảm lợi ích tối cao của dân tộc và quyền lợi cơ bản của nhân dân lao động. Hồ Chí Minh còn nhắc nhở một nội dung không kém phần quan trọng trong đại đoàn kết dân tộc, đó là phải tranh thủ lôi kéo được các lực lượng trung gian đứng về phía cách mạng, quyết không để cho kẻ địch lợi dụng, kích động, lôi kéo họ chống lại cách mạng.

Có thể khẳng định: đại đoàn kết dân tộc là một vấn đề có tính nguyên tắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Nguyên tắc này đã trở thành nguyên tắc đầu tiên trong Lời nói đầu của Hiến pháp 1946 “đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, tôn giáo”. Theo Từ điển Tiếng Việt, giống nòi là tổng thể nói chung những người có cùng gốc rễ tổ tiên lâu đời, làm thành các thế hệ nối tiếp nhau, thường dùng để chỉ dân tộc. Như vậy, tư tưởng đoàn kết ở đây đã vượt ra khỏi biên giới nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tư tưởng đó được Đảng và Nhà nước ta sau này phát triển thành: Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trên thế giới không phân biệt chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội.

4.2. Vấn đề dân chủ - Sự giao thoa giữa Tinh thần nhập thế và tư tưởng Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh cho rằng nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập ấy cũng chẳng có nghĩa lý gì, cho nên dân chủ của ta phải là dân chủ thật sự, “chúng ta phải ra sức thực hiện những cải cách xã hội để nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện dân chủ thực sự”[17]. Nhiều lần, Người nhắc đi nhắc lại hai chữ “thực sự”, “thật sự” như là một thuộc tính cơ bản không thể thiếu của nền dân chủ chế độ ta, nó vốn xa lạ với thứ dân chủ trừu tượng, hình thức mà người ta dễ dàng nghĩ tới là dân chủ trong xã hội tư sản. Theo Hồ Chí Minh, “thực hành dân chủ” là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết được mọi khó khăn. Vì thế, mọi chủ trương, đường lối ở tất cả các lĩnh vực như: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... đều được Người xem xét, giải quyết từ địa vị người làm chủ và quyền làm chủ của nhân dân.

“Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân” bằng sức mạnh của thần linh pháp quyền là một quan điểm hết sức quan trọng của Hồ Chí Minh. Người từng viết: “Bảy xin Hiến pháp ban hành, trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Đây là sức mạnh của tổ chức quyền lực nhà nước bằng hiến pháp và tuân thủ hiến pháp. Nhưng quyền lực nhà nước thuộc về ai? Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”[18]. Quyền lực nhà nước dân chủ nhân dân kiểu mới thuộc về người dân.

Nói về tinh thần nhập thế, có nhiều học giả đã mang đến những khái niệm về Phật giáo nhập thế theo cách của riêng họ. Năm 1966, Thiền sư Thích Nhất Hạnh xuất bản quyển The Lotus in the Sea of Fire (Hoa sen trong biển lửa) - quyển sách được giới nghiên cứu phương Tây xem như là công trình tiên phong giới thiệu khái niệm Engaged Buddhism (Đạo Phật dấn thân, hoặc Phật giáo nhập thế, hay Đạo Phật đi vào cuộc đời). Trong sách có đoạn như sau: "đem đạo Phật đi vào cuộc đời có nghĩa là thể hiện những nguyên lý đạo Phật trong sự sống, thể hiện bằng những phương thức phù hợp với thực trạng của cuộc đời để biến cải cuộc đời theo chiều hướng chân, thiện, mỹ". Khi soi chiếu vào trường hợp của thiền học Trúc Lâm, ta nhận ra một thiền phái “Nhập thế”, nơi Đạo và Đời được song hành. Vì lẽ gì mà một tông phái Phật giáo lại được sinh ra và “nhập thế” – tức gần với đời đến như vậy? Theo quan điểm của tác giả, sự nhập thế của Phật giáo Trúc Lâm xuất phát từ nhu cầu thời đại, nguyện vọng của nhân dân. Nói cách khác, Phật giáo Trúc Lâm gần với dân, vì dân, hiểu dân và từ đó, trở thành phương tiện cứu cánh thoát khỏi lục đạo luân hồi cho nhân dân Đại Việt.

Tính chất đặc biệt của Phật giáo thời Trần là sự gắn kết không thể tách rời giữa đạo và cuộc đời. Các nhà thiền học thời Trần từ vị vua đầu tiên - Trần Thái Tông - đến Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Nhân Tông, Pháp Loa,… đều hành thiền từ lúc còn ít tuổi và ngay trong hoàn cảnh sống của mình (hoàn cảnh xã hội Đại Việt thế kỷ XIII, XIV). Các ông đã ngộ đạo, “xuất thế ngay trong sự nhập thế”. Trong lời khuyên của quốc sư Phù Vân đối với Trần Thái Tông khi vua đến tìm gặp sư, tư tưởng nhập thế nối tiếng ấy được thể hiện rõ như sau: “Phàm người làm vua, lấy muốn của thiên hạ làm muốn của mình, lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình”.

Nhìn từ một góc độ sâu xa, bản chất của tư tưởng nhập thế hay tinh thần dân chủ đều xuất phát từ người dân. Nhập thế để Đạo độ Đời, để nhân dân được tiếp cận Phật Pháp, được thừa hưởng ánh từ quang của giáo pháp Như Lai và dân chủ để nhân dân được làm chủ vận mệnh của chính mình.

Cả Hồ Chí Minh và tinh thần nhập thế của đạo Phật đều đặt con người và lợi ích của họ làm trung tâm. Hồ Chí Minh coi dân là gốc, là lực lượng quyết định mọi thành bại. Theo Tuyên ngôn Độc lập, các quyền của con người là do tạo hóa ban cho, bất khả xâm phạm, là thứ “pháp luật của tạo hóa” (còn được gọi là pháp luật tự nhiên) - thứ pháp luật cao nhất. Tư tưởng này của Hồ Chí Minh thể hiện sự tiếp thu quan điểm của trường phái Pháp luật tự nhiên mà đại diện tiêu biểu nhất là Montesquieu (1689-1755) và J.J.Rousseau (1712-1778). Các đạo luật ban hành ra đều bị coi là vô hiệu nếu trái với “pháp luật của tạo hóa”. Chính vì vậy, những quyền do tạo hóa ban cho con người bao giờ cũng là bộ phận cấu thành quan trọng nhất của hiến pháp. Đây là lý do vì sao Hồ Chí Minh từng nói “thần linh pháp quyền”, pháp quyền gắn với “pháp luật của tạo hóa”. Theo Người, hiến pháp và pháp luật không phải là để trừng trị con người, mà đó là công cụ để bảo vệ và thực hiện lợi ích của con người.; tương tự, đạo Phật cũng hướng tới việc làm cho đời sống con người tốt đẹp hơn. Hồ Chí Minh và đạo Phật đều nhấn mạnh đạo đức và trách nhiệm với cộng đồng. Hồ Chí Minh kêu gọi mọi người sống đạo đức, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau; đạo Phật thì dạy về từ bi, không sát sinh và giúp đỡ những người khốn khổ.

4.3. Tính tổng hợp uyển chuyển của Thiền học Trúc Lâm bắt gặp tính đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn của tư tưởng lập hiến Hồ Chí Minh

Đọc kỹ các tác phẩm thơ văn của thiền sư Lý – Trần, đặc biệt là của các thiền sư Trúc Lâm, ta thấy rõ tinh thần dung hợp, điều hòa uyển chuyển những tinh hoa, tư tưởng Á Đông khác, nổi bật trong đó là Nho và Đạo. Trước đây các nhà ngiên cứu thường sử dụng khái niệm Tam giáo đồng nguyên (3 tôn giáo có cùng nguồn gốc).

Hiện nay, các công trình nguyên cứu đều chỉ ra rằng: gốc tích của các tôn giáo ấy có sự sai khác, khi Phật giáo bắt nguồn từ Ấn Độ cổ và đi vào Việt Nam từ nhiều con đường khác nhau. Vì thế, một khái niệm khác đã ra đời đó là: Tam giáo tịnh tồn (3 tôn giáo cùng tồn tại) hay Tam giáo tịnh hành. Điều này cho thấy sự đồng hành song song, cùng tồn tại của các tôn giáo trong xã hội phong kiến Việt Nam. Để có được sự dung hòa đó, phần lớn nhờ vào tính dung hợp, uyển chuyển của các tôn giáo dưới triều đại Lý – Trần. Khi ấy, Phật giáo giữ vai trò là “quốc giáo”, mặc dù không có tính chính danh nhưng lại có vai trò hết sức quan trọng trong triều đình và trong nhân dân. Bởi vậy mà các công trình cổ được phát hiện trong triều đại Lý – Trần phần lớn là các ngôi chùa – nơi thờ tụng của Phật giáo. Những đền, đình, miếu,… phải đến các giai đoạn sau mới được phổ biến.

Phật giáo ngày càng nâng cao vị thế trong đời sống Đại Việt, nhưng không hề có sự chối bỏ hay phá hoại những tôn giáo khác. Thậm chí, đây còn là thời kỳ Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo cùng nhau phát triển hết sức mạnh mẽ. Các vị đại sư Phật giáo thậm chí còn công nhận và dung hợp những tư tưởng, triết lý của Nho và Đạo và trong giáo lý của bản thân như lời sư Trí Thiền:

“Như lai lục ngữ cái bất hư thiết. Thế gian chư pháp hư huyễn bất thực, duy đạo vi thực, ngã phục hà cầu. Thả Nho khả thuyết quân thần phụ tử chi đạo, Phật pháp khả ngôn Bồ tát, Thanh văn chi công. Nhị giáo tuy thù, kỳ quy tắc nhất. Nhiên, nhất xuất sinh tử, nhược đoạn hữu vô kế phi Thích tắc bất năng dã”[19].

(Tạm dịch: Lời nói của Như Lai không phải lời nói suông. Các pháp trên thế gian này đều là hư ảo, không phải thực, chỉ có đạo mới là thực, ta còn cần gì nữa. Nho giáo thì nói về đạo vua tôi, cha con, Phật pháp thì nói về công đức của các bậc Bồ tát, Thanh văn. Hai giáo tuy khác nhau nhưng quy về một mối. Nhưng, muốn vượt khỏi sinh tư, cắt bỏ sự cố chấp hữu vô thì ngoài Phật giáo ra, không thể đạt được)

Qua đó, ta thấy Phật giáo Trúc Lâm nói riêng hay Phật giáo thời kỳ Lý – Trần nói chung có một sự dung hòa hợp lý, không bài trừ, ghét bỏ các tôn giáo khác, mà còn hợp nhất những tư tưởng, triết lý của Nho, của Đạo để phát triển giáo lý Phật Đà, tạo nên một hệ thống giáo lý hoàn chỉnh, phù hợp với căn cơ của nhân dân Đại Việt, phù hợp với tinh thần của dân tộc, thời đại.

Tư tưởng lập hiến Hồ Chí Minh cũng vậy, lấy độc lập dân tộc, hạnh phúc nhân dân làm mục tiêu xuyên suốt, nhưng trong quá trình đó thể hiện sự sáng tạo, dung hòa, phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn của Việt Nam.

Nhà nước ta ra đời sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công - cuộc cách mạng do giai cấp công nhân lãnh đạo với nền tảng là liên minh công - nông - trí, mà đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam. Do vậy, hiến pháp nước ta mang bản chất giai cấp công nhân là điều không có gì phải bàn cãi. Khác với các nhà lý luận tư sản cố tình lảng tránh hoặc giải thích mập mờ bản chất giai cấp của hiến pháp, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Tính chất Nhà nước là vấn đề cơ bản của Hiến pháp. Đó là vấn đề nội dung giai cấp của chính quyền. Chính quyền về tay ai và phục vụ quyền lợi của ai? Điều đó quyết định toàn bộ nội dung của Hiến pháp”.

Trong bản chất tư tưởng Hồ Chí Minh, cả đạo đức, pháp luật, đức trị và pháp trị vốn chỉ là một. Pháp trị thể hiện sự bình đẳng, đức trị thể hiện sự công bằng, đưa chuẩn mực đạo đức tốt đẹp vào pháp luật và pháp luật phải bảo vệ đạo đức đó. Hồ Chí Minh không nặng về “đức trị”, coi nhẹ “pháp trị” hoặc ngược lại, mà luôn kết hợp chặt chẽ “pháp trị và đức trị”. Ở Người, đạo đức là gốc, pháp luật là chuẩn, đức là cái có trước và là gốc của lệ, của luật.

Hiến pháp và pháp luật đi đôi với đạo đức, xây dựng một nền pháp quyền nhân nghĩa là nét độc đáo trong tư tưởng lập hiến Hồ Chí Minh. Vì thế, cố luật gia Vũ Đình Hòe - nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên của nước ta đã nhận xét pháp quyền của Hồ Chí Minh là thứ pháp quyền đặc biệt, nhân nghĩa, một thứ nhân nghĩa mang đậm tính dân tộc và dân chủ sâu sắc, vì con người và bảo vệ con người.

Sự đồng điệu giữa hai tư tưởng thể hiện rõ nét với tính dung hòa, tổng hợp khi Thiền học Trúc Lâm dung hòa Thiền Tông Lâm Tế và Tào Động, kết hợp với tinh túy của Mật tông và Viên Giáo tông, tạo nên một hệ thống tư tưởng độc đáo, kết hợp có chọn lọc những giáo lý của các tôn giáo đương thời như Đạo, Nho… tạo nên hệ thống tư tưởng đặc sắc; Trong khi Tư tưởng lập hiến Hồ Chí Minh: dung hòa chủ nghĩa Mác - Lênin với truyền thống yêu nước, nhân văn của dân tộc, phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam. Thiền học Trúc Lâm đề cao sự linh hoạt trong tu tập, phù hợp với trình độ và căn cơ của từng người còn tư tưởng lập hiến Hồ Chí Minh lại đề cao sự linh hoạt trong vận dụng, phù hợp với từng giai đoạn cách mạng và từng điều kiện cụ thể.

Như vậy, tính tổng hợp uyển chuyển của Thiền học Trúc Lâm có sự đồng điệu với tư tưởng lập hiến Hồ Chí Minh ở những điểm cơ bản: Hai tư tưởng đều thể hiện sự dung hòa, sáng tạo, phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn, hướng đến mục tiêu giải phóng con người, xây dựng một xã hội tốt đẹp. Đây là minh chứng cho sự gắn kết giữa truyền thống văn hóa dân tộc và tư tưởng tiên tiến của thời đại, là nguồn động lực to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Kết luận

Xuất phát từ một tư tưởng Phật giáo phát triển thành hệ thống lý luận thực tiễn, Thiền học Trúc Lâm cùng Tư tưởng lập hiến Hồ Chí Minh có sự tương đồng về mặt bản chất khi hai luồng tư tưởng đều hướng đến mục tiêu giải phóng con người, xây dựng một xã hội tốt đẹp; Về phương pháp, cả hai đều thể hiện sự sáng tạo, dung hòa, phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn; Về giá trị thì đều đề cao con người và hướng đến hạnh phúc của họ.

Đây là minh chứng cho sự gắn kết giữa truyền thống văn hóa dân tộc và tư tưởng tiên tiến của thời đại. Chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu Thiền học Trúc Lâm và tư tưởng lập hiến Hồ Chí Minh để áp dụng vào xây dựng đất nước và giáo dục cho thế hệ trẻ để họ có ý thức gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp này.

Mặt khác, kết luận đã mở ra những hướng nghiên cứu mới về:

Tầm ảnh hưởng của Thiền học Trúc Lâm đối với các tư tưởng khác trong lịch sử nước ta.

Sự áp dụng Thiền học Trúc Lâm và tư tưởng lập hiến Hồ Chí Minh vào giải quyết các vấn đề xã hội thời đại mới.

Hy vọng rằng, nghiên cứu này sẽ góp phần làm phong phú thêm cho kho tàng tri thức về lịch sử tư tưởng Việt Nam và có giá trị thực tiễn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tác giả: Lê Hoài Nam
Sinh viên Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn

***

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

3. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

4. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

5. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội

6. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

7. Thiền uyển tập anh, bản Vĩnh Thịnh, ký hiệu A3114.

8. UNESCO - Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (1990), Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

9. Phạm Hồng Thái (dịch) (1993), Lịch sử các học thuyết chính trị, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

10. Nguyễn Đăng Dung (2005), Sự hạn chế quyền lực Nhà nước, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

11. Phan Đăng Thanh (1996), Tư tưởng lập hiến của một số phong trào đấu tranh giành độc lập trước Hiến pháp năm 1946, Luận án cao học Luật, Tp. Hồ Chí Minh.

12. Trương Hữu Quýnh (1997), Đại cương Lịch sử Việt Nam, tập I, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

13. Thiền sư Thích Thanh Từ dịch nguyên ngữ, Tư liệu còn lưu truyền của Điều Ngự Giác Hoàng. Truy cập ngày 07/12/2023 tại http://www.thientongvietnam.net/kinhsach-thike/dirs/thientongchinam/unicode/p1.html

14. Theo bia ký tháp Viên Thông, tháng 9 năm Hưng Long thứ 21 (1313), Pháp Loa đã đến chùa Vĩnh Nghiêm ở Lạng Giang, quy định chức vụ sư tăng trong cả nước. Từ đó, tất cả tăng nhân đều có sổ và thuộc sự quản lý của Giáo hội. Có thể nói, Phật Giáo Việt Nam đã được thống nhất dưới thời Thiền sư Pháp Loa đương nhiệm Đệ nhị Tổ sư thiền phái Trúc Lâm.

15. Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 372.

16. Việt sử thông giám cương mục, Tập 5, Nxb văn Sử Địa, Hà Nội, 1958, tr. 98.

17. Trần Hưng Đạo: Binh thư yếu lược, Nxb Công an nhân dân. Hà Nội, 2002, tr. 13.

18. Dòng họ Trần được viết trong chữ Hán là 陳, viết theo lối chiết tự sẽ bao gồm 2 chữ là 阿 đọc là a, 東 đọc là đông. Khi kết hợp sẽ thành chữ Trần bởi vậy dòng họ Trần còn được biết đến với tên gọi Đông A.

CHÚ THÍCH:

[1] UNESCO - Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (1990), Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, TR.43-44.

[2] Phạm Hồng Thái (dịch) (1993), Lịch sử các học thuyết chính trị, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, TR.291.

[3] Nguyễn Đăng Dung (2005), Sự hạn chế quyền lực Nhà nước, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, TR.113.

[4] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, TR.441.

[5] Phan Đăng Thanh (1996), Tư tưởng lập hiến của một số phong trào đấu tranh giành độc lập trước Hiến pháp năm 1946, Luận án cao học Luật, Tp. Hồ Chí Minh, TR.106.

[6] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, Tr.232.

[7] Thiền sư Thích Thanh Từ dịch nguyên ngữ, Tư liệu còn lưu truyền của Điều Ngự Giác Hoàng. Truy cập ngày 07/12/2023 tại http://www.thientongvietnam.net/kinhsach-thike/dirs/thientongchinam/unicode/p1.html

[8] Theo bia ký tháp Viên Thông, tháng 9 năm Hưng Long thứ 21 (1313), Pháp Loa đã đến chùa Vĩnh Nghiêm ở Lạng Giang, quy định chức vụ sư tăng trong cả nước. Từ đó, tất cả tăng nhân đều có sổ và thuộc sự quản lý của Giáo hội. Có thể nói, Phật Giáo Việt Nam đã được thống nhất dưới thời Thiền sư Pháp Loa đương nhiệm Đệ nhị Tổ sư thiền phái Trúc Lâm.

[9] Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 372.

[10] Việt sử thông giám cương mục, Tập 5, Nxb văn Sử Địa, Hà Nội, 1958, tr. 98.

[11] Trần Hưng Đạo: Binh thư yếu lược, Nxb Công an nhân dân. Hà Nội, 2002, tr. 13.

[12] Dòng họ Trần được viết trong chữ Hán là 陳, viết theo lối chiết tự sẽ bao gồm 2 chữ là 阿 đọc là a, 東 đọc là đông. Khi kết hợp sẽ thành chữ Trần bởi vậy dòng họ Trần còn được biết đến với tên gọi Đông A.

[13] Hồ Chi Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T.1, tr. 56.

[14] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.481

[15] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.244.

[16] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.244.

[17] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.3

[18] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. XIX.

[19] Thiền uyển tập anh, bản Vĩnh Thịnh, ký hiệu A3114.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/net-tuong-dong-giua-thien-hoc-truc-lam-thoi-tran-va-tu-tuong-lap-hien-ho-chi-minh.html
Zalo