Nét mới lạ giữa Tết Hàn thực xưa và nay

Trong văn hóa dân gian Việt Nam, Tết Hàn thực còn được gọi là Tết bánh trôi - bánh chay. Đây là dịp để cả gia đình quây quần, đoàn tụ bên nhau nặn bánh trôi, bánh chay, đặt lên bàn thờ để tưởng nhớ, cúng dường tổ tiên, cội nguồn.

Nguồn gốc Tết Hàn thực

Ngày mùng 3/3 âm lịch hàng năm chính là Tết Hàn thực, một trong những ngày lễ truyền thống quan trọng bởi đây là một trong những dịp để người Việt thể hiện tấm lòng nhớ ơn ông bà tổ tiên và cầu mong cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.

Tết Hàn thực là dịp để cả gia đình đoàn tụ bên nhau nặn bánh trôi, bánh chay, đặt lên bàn thờ để tưởng nhớ, cúng dường tổ tiên, cội nguồn. Ảnh: VTC News.

Tết Hàn thực là dịp để cả gia đình đoàn tụ bên nhau nặn bánh trôi, bánh chay, đặt lên bàn thờ để tưởng nhớ, cúng dường tổ tiên, cội nguồn. Ảnh: VTC News.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, tục ăn bánh trôi vào ngày Hàn thực ở Việt Nam có lẽ bắt đầu từ thời Lê, thịnh hành vào thời kỳ Lê Trung hưng và nhà Nguyễn. Vào thế kỷ 18, nhà bác học Lê Quý Đôn đã viết: "Tục nước ta trọng nhất bánh trôi nước, mỗi năm cứ ngày mồng 3/3 thì làm bánh ấy".

Tết Hàn thực thời xưa

Mâm cúng Tết Hàn thực thường gồm những lễ vật như: hương, hoa, trầu cau, bánh chay, nước sạch, mâm ngũ quả.

Theo truyền thống, người Việt sẽ làm bánh trôi và bánh chay từ bột gạo nếp trắng, đường phên, vừng và đậu xanh. Ảnh: Phụ nữ Việt Nam.

Theo truyền thống, người Việt sẽ làm bánh trôi và bánh chay từ bột gạo nếp trắng, đường phên, vừng và đậu xanh. Ảnh: Phụ nữ Việt Nam.

Số lượng bánh trôi, bánh chay chuẩn nhất trong mâm cúng là 5 hoặc 3 bát bánh trôi, 3 hoặc 5 bát bánh chay. Theo truyền thống, người Việt sẽ làm bánh trôi và bánh chay từ bột gạo nếp trắng, đường phên, vừng và đậu xanh.

Tết Hàn thực ngày nay

Theo thời gian những viên bánh trôi, bánh chay trong ngày Tết Hàn thực cũng được đổi mới, sáng tạo với nhiều hình thức mới lạ, hấp dẫn, phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại.

Bên cạnh những viên bánh có màu trắng trong từ bột gạo theo cách làm truyền thống, ngày nay những viên bánh này còn pha thêm những màu sắc từ hoa, lá, quả cây thiên nhiên vào để làm bánh trôi, bánh chay ngũ sắc. Những viên bánh được "khoác" lên lớp màu xanh của lá dứa/trà xanh, màu vàng của quả dành dành, màu đỏ của gấc, màu tím của lá cẩm... trở nên xinh xắn, bắt mắt hơn.

Những viên bánh được "khoác" lên những màu sắc bắt mắt và xinh xắn hơn. Ảnh: Phụ nữ Việt Nam.

Những viên bánh được "khoác" lên những màu sắc bắt mắt và xinh xắn hơn. Ảnh: Phụ nữ Việt Nam.

Tiếp theo trào lưu làm bánh trôi, bánh chay sắc màu, nhiều gia đình còn khéo tay tạo thêm nhiều hình dáng đẹp mắt cho bánh như nặn bánh thành hình bông hoa hay hình những con vật ngộ nghĩnh, đáng yêu. Những sự sáng tạo này đem đến những sự khác lạ và màu sắc mới cho Tết Hàn thực ngày nay.

Những viên bánh hình thù ngộ nghĩnh độc đáo được sáng tạo ngày nay. Ảnh: Báo Pháp luật.

Những viên bánh hình thù ngộ nghĩnh độc đáo được sáng tạo ngày nay. Ảnh: Báo Pháp luật.

Ngoài ra, Tết Hàn thực những năm gần đây không chỉ có bánh trôi, bánh chay, mà đây cũng là dịp để người tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ có thể thưởng thức thêm nhiều món bánh dân tộc khác nhau.

Những món bánh dân tộc cũng được bày biện trong mâm cỗ cúng Tết Hàn thực của nhiều gia đình những năm gần đây. Ảnh: Phụ nữ Việt Nam.

Những món bánh dân tộc cũng được bày biện trong mâm cỗ cúng Tết Hàn thực của nhiều gia đình những năm gần đây. Ảnh: Phụ nữ Việt Nam.

Năm nay, Tết Hàn thực sẽ vào thứ Năm, ngày 11/4/2024 Dương lịch. Theo truyền thống của người Việt, vào dịp này, mọi người lại chuẩn bị mâm lễ cúng để dâng lên tổ tiên.

Bên cạnh đó, các gia đình không có điều kiện làm bánh trôi, bánh chay thì chỉ cần bày một đĩa quả tươi để thành tâm dâng cúng tổ tiên.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/net-moi-la-giua-tet-han-thuc-xua-va-nay-231404.htm
Zalo