Nét đẹp văn hóa thưởng trà ngày Tết

Người Việt xưa có câu: 'Khách đến nhà không trà thì rượu', thể hiện lòng hiếu khách trong văn hóa giao đãi. Đặc biệt, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, niềm vui được gặp người thân, bạn bè cùng nhau hàn huyên, thưởng thức tách trà nóng, mang đậm nét thanh tao, tinh tế trong văn hóa giao tiếp, ứng xử, cùng hướng đến một năm mới an khang, thịnh vượng, sung túc và viên mãn.

Thưởng trà là một nét văn hóa đẹp của người Việt. (Ảnh Internet)

Thưởng trà là một nét văn hóa đẹp của người Việt. (Ảnh Internet)

Với người Việt, nghệ thuật pha trà, uống trà được thể hiện qua câu: “Nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh” - những yếu tố quan trọng để tạo nên ấm trà ngon lần lượt là: nước pha trà, loại trà, chén uống trà, bình pha trà và bạn trà. Trong ngôi nhà thờ gỗ rộng hơn 50m2, cụ Nguyễn Thế Độ (thành phố Nam Định) sưu tầm rất nhiều trà như: trà sen, trà Tân Cương, trà shan tuyết, trà hoa nhài, trà ô long, trà thiết quan âm, trà phổ nhĩ; mỗi loại trà lại đến từ các vùng miền hoặc tinh chất trà khác nhau như: trà sen Bách Diệp Tây Hồ, trà sen trắng nguyên bông của Huế; trà phổ nhĩ quýt, phổ nhĩ cuốn hoa; trà Tân Cương (trà đinh, trà tôm, trà nõn)…

Vừa giới thiệu, cụ Độ vừa lấy một chiếc hộp thiếc được đặt sâu trong góc tủ kệ có dán giấy đỏ ghi 3 chữ “Trà Mạn Hảo”, cẩn thận mở nắp hộp lấy ra gói trà Mạn Hảo - Diên Thái ướp sen được gói kỹ trong mấy lần giấy bản, sau đó cho trà vào chiếc ấm song ẩm, là loại ấm pha vừa đủ hai chén quân cho hai người đối ẩm. Cụ Độ cho biết: “Cái khéo của nghệ thuật pha trà ở chỗ nạp trà phải sao cho đủ ngữ, không quen mắt, quen tay trà nhiều quá hay ít quá đều không được. Trà pha ra sẽ đặc quá hay loãng quá đều làm mất hương vị tinh tế của trà, nhất là với loại Mạn sen quý giá”. Vừa xong việc nạp trà, ấm cù lao đặt trên chiếc bếp than luyện cũng vừa kịp sôi phả ra luồng hơi trắng, cụ nhấc ấm, chế nước sôi vào ấm, còn lại một ít cụ rót vào chén tống, từ chén tống cụ chuyên nước sang hai chiếc chén quân. Trà đủ ngấm, cụ Độ rót trà sang chén tống rồi lại chuyên sang hai chén quân. Cụ đưa chén trà lên, thư thả tận hưởng mùi thơm tinh khiết của hương trà cổ thụ thiên nhiên quyện với hương sen, mới nhấp môi thử vị đằm trà rồi khà nhẹ một tiếng.

Tôi làm theo cụ cầm chén trà còn đang bốc khói như một lớp sương mỏng, nhẹ phủ lên miệng chén, đưa lên hít một hơi thật nhẹ thưởng thức hương trà, sau đó mới nhấp một ngụm nhỏ, cảm nhận được dư vị ngọt hậu của loại Mạn Hảo lan tỏa trong miệng và ngọt sâu xuống cổ. Tiếp đến, cụ Độ với chiếc bình bạc rót thêm một chén tống nước mưa vào ấm cù lao, bỏ thêm viên than luyện vào miệng lò. Lúc ấm cù lao réo sôi, cụ cho tôi thưởng thức sang nước trà thứ hai - nước ngon nhất, đậm đà nhất của tuần trà mà giới sành trà thường hay ví von nước trà đầu là nước “con gái” hương vị tinh khiết mơn mởn cuốn hút người ẩm trà, song nước hai, nước trà “thiếu phụ” mới toát lên cái hồn trà, cái đằm thắm, tinh tế của hương vị e ấp chứa trong trà. Theo cụ Độ, ngày nay có lẽ ít người còn biết thứ trà này, dường như nó đã thất truyền hoặc chỉ được sử dụng trong một cộng đồng nhỏ. Nguyên liệu làm trà Mạn Hảo từ những búp 1 tôm 2 lá của giống trà shan tuyết ngon nhất. Qua quá trình lên men làm cho hương vị của trà cổ thụ bớt chát mà ngọt thanh, rất dễ uống, từng chén trà thơm như mang cả hương hoa đất trời bốn mùa khiến người thưởng trà khơi mở các giác quan, cảm nhận rõ sự giao hòa và đồng điệu sâu sắc của thiên nhiên, đất trời và vạn vật. Trà Mạn Hảo là một danh trà quý, chủ yếu dành cho tầng lớp quý tộc mà ngày nay đang có nguy cơ thất truyền. Mặc dù con trai cụ Độ làm trong ngành trà rất đầu tư tâm huyết và tiền của để khôi phục thứ trà trứ danh này nhưng số lượng sản xuất chưa được nhiều và cũng chưa được nhiều người biết đến. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, khi có bạn đến chơi cụ Độ thường chọn những loại trà ngon để pha mời khách và làm quà biếu thể hiện tấm chân tình với lời chúc một năm mới an khang - thịnh vượng.

Trong thời hiện đại, văn hóa thưởng trà vẫn được tiếp tục gìn giữ, đặc biệt trong dịp Tết đến, Xuân về, khi được sum vầy bên người thân để cùng thưởng thức những nét truyền thống của dân tộc mà ngày thường không phải ai cũng có điều kiện để thưởng thức chén trà thơm bên cạnh bánh chưng xanh, câu đối đỏ. Thưởng thức trà cũng chính là thưởng thức nét văn hóa, những nghi lễ đẹp, như: người nhỏ pha trà mời người lớn, chủ nhà pha trà mời khách đến chơi... Ngồi bên ấm trà nóng, cùng thưởng thức hương thơm vị ngọt của trà và hàn huyên tâm sự, chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất cho một năm mới tốt lành.

Ngày nay, nhu cầu thưởng trà càng phổ biến, nhiều sự kiện, hội nghị tổ chức bằng tiệc trà. Chị Hoàng Trúc Linh, con dâu cụ Độ chuyên tổ chức tiệc trà trong các sự kiện hội nghị chia sẻ: Việc tổ chức tiệc trà tại các sự kiện, hội nghị vừa tạo không gian, cơ hội kết nối, giao lưu, vừa là dịp để giới thiệu, lan tỏa nét đẹp truyền thống văn hóa thưởng trà của người Việt. Khi tổ chức các sự kiện, hội nghị tiệc trà, chị luôn đề cao việc gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, phong cách thưởng trà riêng của người Việt vừa có nét cầu kỳ, tinh tế nhưng lại phù hợp với tính chất của sự kiện. Trong không gian thoải mái, ấm cúng của tiệc trà, mọi người có thể dễ dàng trò chuyện, thảo luận, xây dựng mối quan hệ, vừa được thư giãn, tận hưởng những món ăn nhẹ và tách trà thơm, nồng ấm.

Văn hóa trà Việt không chỉ thể hiện một thức uống phổ biến trong đời sống hàng ngày, mỗi độ Tết đến, Xuân về, trà còn được chọn làm quà biếu ông bà, bố mẹ, người thân. Dẫu có những thay đổi, thức uống đã hiện đại, phong phú và đa dạng song trà vẫn là thức uống mang những nét truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt. Ngày Tết, bên ấm trà thơm, gia đình ngồi quây quần trong thời tiết se lạnh, cảm được cái thanh tao của trà và dành những lời chúc tốt đẹp, ý nghĩa cho ông bà, bố mẹ, người thân một năm mới bình an.

Ngọc Linh,

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202501/net-dep-van-hoa-thuong-tra-ngay-tet-db0237c/
Zalo