Nét đẹp văn hóa mùa lễ hội
Mỗi năm một lần, sau Tết Nguyên đán, người dân lại háo hức chờ đón các lễ hội truyền thống. Tại Long An, Lễ hội Vía Bà Ngũ hành và Lễ hội Làm Chay là 2 trong những lễ hội lớn được nhiều người quan tâm và đều được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
1. Một trong những lễ hội đầu xuân nổi tiếng của tỉnh là Lễ hội Vía Bà Ngũ hành Long Thượng được tổ chức tại miếu Bà Ngũ hành, xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.
Đây là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh được công nhận vào năm 1997 và được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2014.
Miếu Bà Ngũ hành thờ Ngũ hành nương nương, vị thần được người dân tin rằng có quyền năng trong ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), điều khiển mưa gió, giúp cho mùa màng tươi tốt. Theo thông lệ hàng năm, Lễ hội Vía Bà Ngũ hành được tổ chức vào các ngày 18, 19, 20 và 21 tháng Giêng với nhiều hoạt động như cầu an, nhạc lễ, chầu mời, thỉnh bà, múa lân, dâng bông, hát chặp Địa nàng,...
Lễ hội thu hút sự quan tâm của người dân trong và ngoài địa phương đến cúng viếng, cầu những điều bình an, hạnh phúc.
Chánh Hội trưởng Ban Hội hương miếu Bà Ngũ hành Long Thượng (huyện Cần Giuộc) - Nguyễn Văn Công cho biết: Việc chuẩn bị lễ hội bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng, Ban Hội hương họp bàn lên kế hoạch và triển khai các đầu việc.
Cụ thể, người dân và Ban Hội hương sẽ bắt tay dọn dẹp, treo cờ, chưng hoa, trang trí khu vực trong, ngoài miếu Bà. Ông Công cho biết, năm nào lễ hội cũng thu hút đông đảo người dân tham gia, trung bình tăng thêm từ 20-30% số lượng người tham dự mỗi năm. Do vậy, năm nay, Ban Hội hương phối hợp các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể quan tâm nhiều đến vấn đề an ninh, trật tự, an toàn thực phẩm.
Đến nay là năm thứ 8 tham gia Lễ hội Vía Bà Ngũ hành Long Thượng, chị Lê Thị Thùy Trang (xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc) luôn tự hào về những giá trị văn hóa mà quê hương đang gìn giữ. “Tôi thường tham gia lễ hội với vai trò người dẫn chương trình của buổi khai mạc, dâng hương. Đến ngày 20 tháng Giêng, tôi sẽ cúng viếng Bà. Bên cạnh dâng hương cầu Ngũ hành nương nương, người dân cũng tưởng nhớ Tổng lãnh binh Nguyễn Hữu Tình - một trong những người có công trong cuộc kháng chiến chống Pháp” - chị Trang chia sẻ.
2. Dù ai mua bán bộn bề/ Làm Chay mười sáu nhớ về Tầm Vu. Từ cuối thế kỷ XIX đến nay, Lễ hội Làm Chay trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân huyện Châu Thành, là nét văn hóa đặc sắc của tỉnh thu hút sự quan tâm của khách thập phương. Lễ hội khởi phát từ cuối thế kỷ XIX để cúng tế các nghĩa sĩ hy sinh trong phong trào kháng chiến chống Pháp; đồng thời, cầu siêu cho các vong linh vất vưởng, mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.
Từ năm 1980 đến nay, việc cúng tế được giao cho đình Tân Xuân (xã Dương Xuân Hội, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành) tổ chức.
Lễ hội Làm Chay được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2015. Theo thông lệ, lễ hội được tổ chức kéo dài từ ngày 14 tháng Giêng đến 24 giờ ngày 16 tháng Giêng với nhiều nghi thức truyền thống như Khai kinh tụng cầu an, Cúng tế liệt sĩ, Đề phan liệt sĩ, Lễ cúng cô hồn, Thỉnh cỗ bánh, Thỉnh Ông Tiêu lên giàn,...
Không gian lễ hội kéo dài từ đình Tân Xuân đến chùa Linh Phước, chùa Ông, miễu Điền, miếu Âm Nhơn, Thánh thất Phương Quế Ngọc Đài, sông Tầm Vu,... Qua đó, lễ hội thể hiện sự dung hợp giữa nhiều tôn giáo, tín ngưỡng, nổi bật là Phật giáo và đạo Cao đài.
Quanh năm bận bịu với công việc đồng áng nhưng cứ vào dịp lễ hội, chị Trần Thị Tuyết Vấn (xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành) đều tranh thủ thu xếp nhà cửa rồi cùng gia đình đến tham gia Lễ hội Làm Chay.
Chị Vấn cho biết: “Vợ chồng tôi và các con đều rất háo hức chờ đến lúc diễn ra lễ hội để có thể tham gia những nghi thức truyền thống, các trò chơi dân gian, xem múa lân,... Đặc biệt, tôi rất trông chờ đến phần nhận lộc trước nghi thức đốt Ông Tiêu để “rước” được điều may, điềm lành trong năm mới. Dù lễ hội diễn ra đến tận đêm khuya nhưng tôi vẫn yên tâm đưa các con theo vì các nghi thức đều có lực lượng dân phòng, cảnh sát giao thông giám sát, bảo đảm an toàn”.
Đi cùng với sự phát triển của thời đại, những lễ hội mùa xuân là dịp để mỗi người hướng về nguồn cội, trân trọng nét đẹp văn hóa dân tộc; đồng thời, giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống quý báu ấy trong xã hội hiện nay./.