Nét đẹp điển văn

Xuân về là mùa của lễ hội. Dù mỗi địa phương có phong tục, tập quán khác nhau, nhưng lễ hội nào cũng có phần văn tế các vị thánh.

Ở những hội làng, viết văn tế Thành hoàng là một lễ trọng và phải bầu người “điển văn”. Được viết văn tế là vinh dự của cuộc đời, được làng xóm tôn trọng. Dù hình thức đã có nhiều thay đổi nhưng tục lệ này vẫn được gìn giữ ở khắp các địa phương.

Rước văn tế tại lễ hội đình Chèm.

Rước văn tế tại lễ hội đình Chèm.

Trong bất kỳ lễ hội nào, văn tế là một phần không thể thiếu. Văn tế, hay chúc văn, là những áng văn hay, ca ngợi công đức của các vị thánh với làng xã, thể hiện tấm lòng của nhân dân. Văn tế sẽ được hóa ngay trong ngày rã hội.

Ở hội làng xưa kia, viết văn tế là việc trọng. Các làng cổ thường có hội Tư văn - nơi tập hợp những người am hiểu chữ nghĩa, từng đỗ đạt thi cử, những quan lại về hưu...

Hội Tư văn có trưởng văn hoặc trùm tư văn là người đứng đầu. Hội Tư văn phụ trách việc thờ cúng liên quan đến Nho học, công tác khuyến học cũng như việc chữ nghĩa của làng, nhất là hương ước, khoán lệ... Trong đó, soạn văn tế Thành hoàng là nhiệm vụ của hội Tư văn.

Hội Tư văn có hai người là điển văn và tả văn. Điển văn là người lo việc hành chính của hội kiêm viết văn tế. Tả văn là người viết thay thế cho người điển văn trong trường hợp công việc hành chính bận rộn. Có nơi bầu đủ hai chức này. Cũng có nơi chỉ có một trong hai chức, điển văn hoặc tả văn. Tiêu chí quan trọng hàng đầu là phải hay chữ. Có những làng nhiều người học vấn cao thì yêu cầu tối thiểu phải đỗ Tú tài trở lên. Có làng không có khoa bảng thì giao cho người hay chữ, cũng có thể là lãnh đạo của làng xưa như Tiên chỉ hay Lý trưởng. Viết văn xong, phải có Hội đồng khảo văn trước khi văn tế được “chính thức hóa”. Kế đó, trước ngày lễ hội, có đoàn rước đến nhà người điển văn để rước văn về đình.

Xã hội có nhiều đổi thay, Nho giáo không còn vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, Hội Tư văn ở hầu hết các làng xã đã không còn. Nhưng khi các lễ hội được hồi sinh, phát triển, văn tế thánh là nghi lễ không thể thiếu. Và từ đó, tục rước văn, chọn người điển văn (hoặc tả văn, tùy theo cách gọi của mỗi địa phương) cũng hồi sinh. Một số địa phương bầu lại Hội Tư văn. Song phần lớn các làng xã, Ban Quản lý Di tích và các vị cao niên sẽ bầu chọn người điển văn. Viết văn tế là nhiệm vụ hệ trọng. Do đó, các gia đình người điển văn thường làm cỗ xôi, con gà ra đình lễ thánh. Có nơi còn làm cỗ khao làng xóm.

Lễ hội đình Trường Lâm (phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và cũng là lễ hội khôi phục, gìn giữ tục lệ rước văn, điển văn. Dù lễ hội diễn ra đầu tháng 2 âm lịch, nhưng việc chọn người điển văn được tiến hành từ rất sớm. Ban Quản lý di tích và các vị cao niên bầu ra một người hay chữ, gia đình đầy đủ trai gái, làm ăn thành đạt, dâu rể hiếu thảo để làm công việc trang trọng này. Một trong những tiêu chí là nhất thiết không được dính “bụi”, tức trong thời kỳ chịu tang, dù là cha mẹ hay anh em thân thích. Sau khi bầu chọn, dân làng làm lễ xin phép Thành hoàng để người này được viết văn tế. Khi nhận trách nhiệm, người làng sẽ gọi đó là cụ “điển văn”.

Giống như trách nhiệm chủ tế, mỗi năm chỉ có một người, nên được bầu chọn viết văn tế Thành hoàng là một vinh dự của đời người. Trong những ngày viết văn tế, người viết phải giữ mình chay tịnh, sạch sẽ. Văn tế viết xong, các vị cao niên “khảo văn” sau đó đưa trở về thờ trong nhà cụ điển văn. Đúng một ngày trước hội, dân làng tổ chức một đoàn rước văn long trọng gồm các vị trong ban tế lễ, trên chiếc kiệu bốn người khiêng có đặt một hộp gỗ sơn son. Đoàn rước đi trong tiếng trống hội thì thùng từ đình làng đến nhà cụ điển văn. Cụ điển văn mặc áo the khăn xếp đứng đón đoàn, nghiêm cẩn trao chúc văn cho đoàn rước. Bức văn tế được đặt vào chiếc hộp sơn son và rước về đình làng trong sự háo hức của người dân suốt quãng đường đám rước đi qua. Văn tế được đưa về đình làng để thờ và để đọc trong những tuần lễ thánh.

Một lễ hội nổi tiếng với màn rước văn là lễ hội đình Chèm (phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm). Tuy nhiên, nếu trước đây, đoàn rước đến nhà cụ tả văn để rước về đình thì nay, Ban Tổ chức lễ hội đưa văn trở về nơi thờ ở chùa. Sau đó đoàn vào trong chùa rước văn về đình để thực hiện các nghi thức tế lễ.

Mỗi địa phương lại có những phong tục, tập quán gắn với sự tích các thánh thần mình tôn thờ, nên có những màn rước khác nhau: Rước kiệu thành hoàng, rước nước, rước các vật phẩm cúng tế, rước văn... Nhiều người vẫn nói đến tục rước văn nhưng không phải ai cũng hiểu rõ những câu chuyện đằng sau bản văn tế như thế. Tục rước văn, điển văn ngoài thể hiện tấm lòng của người dân với Thành hoàng, còn thể hiện truyền thống trọng văn - trọng đạo của đất Thăng Long văn hiến.

Bài và ảnh: Diệp Liên

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/net-dep-dien-van-690966.html
Zalo