Nét đặc trưng trong văn hóa cổ truyền của người Việt tại Lào
Quét dọn, sửa sang và thắp hương tại mộ phần của ông bà, tổ tiên và người thân vào dịp giáp Tết là một nét văn hóa được kiều bào Việt Nam tại Lào duy trì từ đời này sang đời khác.
Theo phong tục truyền thống của dân tộc Việt Nam, cứ vào mỗi độ giáp Tết, những người Việt Nam ở Lào lại tới khu nghĩa trang của Cộng đồng người Việt Nam tại thủ đô Vientiane, nơi có những mộ phần của ông bà, tổ tiên và người thân của họ để quét dọn, sửa sang và thắp hương bày tỏ lòng thành kính đạo hiếu.
Đây chính là một trong những nét văn hóa được kiều bào Việt Nam tại Lào duy trì từ đời này sang đời khác trong dịp Tết Nguyên đán.
Với quan niệm đơn giản mà sâu sắc rằng ngôi nhà của mình được trang hoàng để đón Tết thì “ngôi nhà” của ông bà, tổ tiên cũng cần phải được quét dọn sạch sẽ để đón xuân sang nên năm nào cũng vậy, bà Trần Thị Tuyết Anh - một người con sinh ra và lớn lên trên đất Lào, lại tới khu nghĩa trang để thay những khóm cây, khóm hoa mới và dọn dẹp vệ sinh xung quanh phần mộ của người thân. Sau đó, bà cắm những bông hoa cúc vàng tươi và thắp những nén hương thơm để bày tỏ tấm lòng với những người thân đã khuất.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Lào, bà Tuyết Anh cho biết tảo mộ là một trong những phong tục thiêng liêng và ấm áp của người Việt thể hiện lòng thành kính với tổ tiên và tình yêu thương với người đã khuất. Do vậy, năm nào cứ tới ngày giáp Tết là bà lại tới đây để quét dọn sạch sẽ cho mộ phần của người thân rồi sau đó thắp hương "mời" các vong linh về sum họp cùng gia đình trong những ngày Tết.
Cũng giống bà Tuyết Anh, vào những dịp cuối năm, bà Cao Thị Lý lại cùng với người thân và con cháu, bạn bè đi tới khu nghĩa trang để dọn dẹp và tân trang lại cho những ngôi mộ của ông bà, cha mẹ mình. Đây là một trong những nét văn hóa của dân tộc Việt Nam mà bà đã được các thế hệ trước dạy bảo.
Bà Lý chia sẻ, hôm nay bà đưa các con cháu tới nghĩa trang để truyền dạy nét văn hóa tốt đẹp của gia đình, của dân tộc Việt để các thế hệ sau này tiếp tục gìn giữ, trân trọng.
Chị Lại Thị Quỳnh Hoa, con dâu của bà Lý, cho biết dù được sinh ra và lớn lên ở Lào nhưng cứ gần tới Tết Nguyên đán, chị luôn cùng gia đình đến nghĩa trang thắp hương cho ông bà, tổ tiên. Việc này, chị Quỳnh Hoa cũng đã được mẹ đẻ dạy từ trước đây và luôn cảm thấy đây là một phong tục truyền thống đáng quý, cần truyền lại cho các thế hệ con cháu của mình.
Với các gia đình kiều bào tại Lào, tảo mộ cuối năm cũng là dịp để giãi bày với ông bà, tổ tiên về những công việc của cả gia đình, dòng họ trong một năm qua và thành tâm đón hương hồn ông bà, tổ tiên về đón Xuân mới cùng con cháu. Khi làm những việc này, các gia đình đều cảm thấy thanh thản và ấm lòng.
Thượng tọa Thích Minh Quang - Trưởng Ban Điều phối và hợp tác Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Lào, Trụ trì chùa Phật Tích thủ đô Vientiane, cho biết Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam mang ý nghĩa truyền thống đoàn kết, sum họp gia đình và hòa hợp xã hội.
Những Phật tử tại Lào cũng như cộng đồng bà con người Việt ở nước ngoài luôn xem Tết là dịp để mọi người cùng đoàn viên, sum họp, để nhớ tới ông bà, cha mẹ, tổ tiên đã qua đời.... Đó là truyền thống rất đặc trưng giúp giữ vững mối quan hệ gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và kết nối mọi người trong xã hội với nhau.
Theo Thượng tọa Thích Minh Quang, với truyền thống đạo hiếu của dân tộc Việt Nam nói chung và của Phật giáo nói riêng, tảo mộ cũng là một phần của đạo hiếu. Trong các dịp lễ tết hằng năm, nhà chùa thường xuyên tổ chức các buổi giảng giải cho các Phật tử về việc phải lấy hiếu đạo làm đầu./.