Nên và không nên làm gì trong dịp Tết Trung thu?
Tết Trung thu năm 2024 sẽ diễn ra vào ngày 15/8 âm lịch, theo dương lịch sẽ là thứ Ba ngày 17/9. Vậy nên và không nên làm gì trong ngày này?
Tết Trung thu theo âm lịch là ngày Rằm tháng 8 hằng năm, còn được gọi là Tết đoàn viên, Tết hoa đăng, Tết trông trăng, Tết đoàn viên, Tết thiếu nhi...
Nên dành thời gian cho trẻ nhỏ
Tết Trung thu hay còn gọi là Tết Thiếu nhi, nên trong dịp này, cha mẹ hãy dành nhiều thời gian hơn để quan tâm tới trẻ nhỏ. Theo sách Việt Nam phong tục (Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành, năm 2020), của tác giả Phan Kế Bính thì trong dịp Tết Trung thu, trẻ con được người lớn làm cho rất nhiều đồ chơi, như là voi, ngựa, kỳ lân, sư tử, rồng, hươu, tôm, cá, bươm bướm, bọ ngựa, đèn cù, ông nghè đất… Buổi tối hôm ấy, trẻ con dắt díu nhau chơi trò chơi, rước đèn, rước sư tử, ăn bánh nướng và ngắm trăng...
Ngày nay, đời sống kinh tế phát triển, dịp Tết Trung thu, cha mẹ hãy dành nhiều thời gian hơn để vui chơi cùng con trẻ, đưa chúng đi du lịch, mua quà cho bé.
Trung thu là tết trẻ con, vậy nên, trong ngày này bạn tuyệt đối không nên trách mắng trẻ nhỏ, dù chúng có mắc lỗi thì cũng bình tĩnh giải thích cho chúng hiểu.
Nên mua bánh Trung thu làm quà
Trung thu là dịp để người ta biểu thị tình cảm với nhau, nên trong dịp này, những người nhận được sự giúp đỡ của người khác sẽ nhân cơ hội này mà mua quà biếu ân nhân của mình. Bạn bè biếu nhau, học trò biếu thầy cô, con cháu biếu ông bà và cha mẹ, người bệnh biếu thầy thuốc… Những món quà phổ biến trong dịp này là bánh nướng, bánh dẻo, cốm vòng, hoa quả như hồng, lựu, bưởi, táo…
Khi mua bánh làm quà, bạn nên chú ý ngày sản xuất, hạn sử dụng và lựa chọn những nhãn hàng uy tín để đảm bảo chất lượng. Trong ngày tết này mọi người tặng nhau vì tình cảm, nên đừng lấy giá cả để đánh giá giá trị món quà mà quan trọng nhất là tấm lòng dành cho nhau.
Nên đoàn tụ gia đình
Trung thu là Tết Đoàn viên, nên trong dịp này những người đi làm ăn xa quê nếu có thể hãy sắp xếp thời gian về thăm gia đình. Mâm cơm đoàn tụ bên người thân, cùng nhau ăn bánh nướng, uống trà và ngắm trăng là hạnh phúc mà mỗi người hãy cố gắng trân trọng. Nếu công việc bận rộn hay khoảng cách địa lý quá xa không thể trở về nhà, hãy nhớ gọi điện hỏi thăm sức khỏe người thân.
Tết Trung thu bạn đừng bao giờ làm cho người thân mình buồn, hãy cố gắng dành cho nhau những điều tuyệt vời nhất.
Nên đeo vòng dây cát tường
Nếu bạn vẫn còn độc thân và muốn tìm một nửa còn lại của mình, bạn nên chuẩn bị một vòng dây cát tường màu đỏ. Bạn có thể đeo ở cổ tay, cổ chân, và lưu ý là nam đeo ở bên trái, nữ bên phải.
Nên mặc quần áo màu đỏ
Dân gian quan niệm rằng màu sắc ảnh hưởng đến việc thu hút xui xẻo và may mắn. Do đó, vào dịp Tết Trung thu, mọi người nên tránh mặc các trang phục tối màu như xám hoặc đen, vì những trang phục này sẽ đem đến những điều xui rủi. Thay vào đó, bạn có thể mặc màu đỏ và màu vàng để tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc, thịnh vượng, tránh khỏi những điềm xui cho nửa năm sắp đến.
Nên thắp hương lên bàn thờ tổ tiên
Vào ngày Rằm tháng 8 Âm lịch, trước khi đi chơi, bạn nên thắp hương bàn thờ tổ tiên. Trung Thu là tết của tình thân, vì vậy việc thắp một nén hương là nhớ về tổ tiên, nhớ về cội nguồn là bản sắc của người Việt Nam.
Không cúng Trung thu trước buổi trưa
Theo phong tục truyền thống, việc cúng Trăng trong dịp Tết Trung thu nên tổ chức sau buổi trưa, vì lúc này mặt trời đã dần lặn và mặt trăng đã bắt đầu xuất hiện.
Đặc biệt, khi chuẩn bị mâm cỗ cho dịp Trung thu, bạn không nên sử dụng những loại trái cây có hình dáng méo mó, xấu xí để dâng lên tổ tiên. Người xưa tin rằng những quả có tròn thì phúc lộc mới đầy. Thế nên, khi lựa chọn hoa quả, bạn cần chọn lựa kỹ càng.
Mâm cỗ đêm Trung thu nên được đặt về hướng có Mặt Trăng. Đồng thời, bạn nên đợi sau khi hương tàn, hóa vàng xong mới hạ mâm cỗ, để cùng người thân, bạn bè hưởng lộc.
Không chỉ tay vào mặt trăng
Dân gian quan niệm rằng, hành động chỉ tay vào trăng thể hiện sự thiếu tôn trọng với mặt trăng. Đây là một trong những điều cần kiêng kị không nên làm vào ngày Tết Trung thu.
Mặt trăng là vật được tế lễ, thờ cúng trong dịp Trung Thu tượng trưng cho sự trọn vẹn và hoàn hảo. Vì vậy, chỉ tay vào mặt trăng được coi là có thái độ xúc phạm đến mặt trăng và có thể gây nên những hậu quả đáng tiếc.
Không nói tục, chửi bậy
Tết Trung thu là dịp lễ hội mang ý nghĩa sum họp gia đình và tôn vinh các giá trị truyền thống. Vì vậy, việc giữ gìn phẩm cách và cách ứng xử lịch sự là điều quan trọng.
Theo quan niệm dân gian, việc nói tục, chửi bậy trong ngày tết Trung thu không chỉ làm mất đi không khí thiêng liêng của ngày lễ mà còn có thể mang lại điều không may cho bản thân và gia đình.
Không lộn ngược đồ vật
Trong dịp Trung thu, các gia đình sẽ bày các lễ vật, lễ vật để cúng trăng và tổ tiên, nhưng phải cẩn thận không để lộn ngược đồ vật.
Đặc biệt, đối với các vật dụng như bát hương, đèn lồng hay các món đồ trang trí khác, việc để lộn ngược không chỉ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ mà còn được cho là thiếu tôn trọng đối với tổ tiên và các vị thần linh.
Trong ngày lễ quan trọng như tết Trung thu, việc giữ gìn sự ngăn nắp và trật tự còn thể hiện lòng thành kính và sự chuẩn bị chu đáo của gia đình.