Nền tảng quan trọng để hợp tác kinh tế Trung Quốc-ASEAN 'bùng nổ'

Trung Quốc-ASEAN nỗ lực củng cố vị thế đối tác thương mại lớn nhất và đối tác đầu tư quan trọng hàng đầu của nhau.

CAEXPO 2024 ghi nhận số lượng kỷ lục 3.000 doanh nghiệp tham gia trên quy mô tổ chức 200.000m2. (Nguồn: THX)

CAEXPO 2024 ghi nhận số lượng kỷ lục 3.000 doanh nghiệp tham gia trên quy mô tổ chức 200.000m2. (Nguồn: THX)

Với chủ đề “Thân thiện, chân thành, lợi ích, hòa nhập và cùng phát triển, đặt những viên kim cương để trở thành nhà vô địch tạo ra tương lai – thúc đẩy xây dựng Khu thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN phiên bản 3.0 (ACFTA) và khu vực tăng trưởng chất lượng cao”, CAEXPO và CABIS lần thứ 21 được tổ chức tại thành phố Nam Ninh, thủ phủ Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc ấn tượng với nhiều hoạt động “lần đầu” và “mới”, đồng thời ghi nhận thêm một bước tiến vượt bậc về hợp tác kinh tế mạnh mẽ hơn trong 20 năm qua.

Dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự sự kiện (23-24/9), Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dự và phát biểu tại Lễ khai mạc CAEXPO và CABIS, dự Lễ khai trương khu gian hàng quốc gia Việt Nam; tham quan gian hàng thương mại trưng bày các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam.

Tăng cường hợp tác thực tế

Giữ vững tôn chỉ “cùng chia sẻ cơ hội hợp tác và phát triển”, trải qua 20 kỳ tổ chức, CABIS và CAEXPO được coi như một biểu tượng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư đa phương lớn giữa ASEAN và Trung Quốc, ngày càng quy tụ đông đảo các nhà kinh doanh và đầu tư Trung Quốc, cùng các nước thành viên ASEAN.

Qua mỗi kỳ tổ chức, CABIS và CAEXPO thực sự trở thành “sân chơi” quốc tế có tầm ảnh hưởng sâu rộng, ghi nhận kỷ lục mới về số lượng doanh nghiệp và các bên quan tâm. Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn cho rằng, kể từ khi thành lập vào năm 2004, CAEXPO đã phát triển thành một nền tảng quan trọng cho đối thoại, hợp tác và phát triển, đa dạng lĩnh vực từ cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, công nghệ, giáo dục và du lịch, có những đóng góp quan trọng vào quá trình hội nhập kinh tế giữa ASEAN và Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn đầu tư và các cơ hội kinh tế xuyên biên giới, đặt nền tảng cho việc xây dựng một khu vực kết nối, kiên cường và năng động hơn.

CAEXPO năm nay ghi nhận số lượng kỷ lục 3.000 doanh nghiệp tham gia trên quy mô tổ chức 200.000m2, tạo ra một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong khu vực trực tiếp tìm hiểu xu thế thị trường, giao lưu, trao đổi, xúc tiến kinh doanh.

Trong khi đó, CABIS được Chủ tịch Hội đồng xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc Ren Hongbin đánh giá là sự kiện “nêu bật các xu hướng và đặc điểm mới trong hợp tác Trung Quốc-ASEAN”, đẩy mạnh hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển công nghiệp, các lĩnh vực mới và thúc đẩy chia sẻ lợi ích các bên.

Phát biểu khai mạc CAEXPO 2024, Phó Thủ tướng Trung Quốc Đinh Tiết Tường không chỉ nhấn mạnh mối quan hệ cùng có lợi giữa Trung Quốc và các nước ASEAN đã đạt đến tầm cao mới, ông tâm đắc với các hoạt động “lần đầu” và “mới” diễn ra năm nay, thể hiện mong muốn tăng cường hợp tác thực tế và viết nên chương mới trong mục tiêu xây dựng cộng đồng Trung Quốc-ASEAN gắn kết hơn trong một tương lai chung.

Nhấn mạnh là thành viên tích cực và có trách nhiệm của ASEAN, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện của Trung Quốc, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc mang tới thông điệp Việt Nam đã, đang và tiếp tục cùng ASEAN phối hợp chặt chẽ với Trung Quốc và các đối tác thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, không ngừng đóng góp thiết thực cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Trung Quốc.

Phó Thủ tướng đánh giá, CAEXPO và CABIS đã trở thành một biểu tượng quan trọng cho quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc; không chỉ mang đến cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp các nước, mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy giao lưu hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa người dân ASEAN và Trung Quốc; đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của Trung Quốc đối với kinh tế toàn cầu cũng như niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp các nước về một thị trường Trung Quốc rộng lớn, sôi động, đầy tiềm năng và cơ hội phát triển.

Những “lần đầu”, “mới” và tiếp tục

Chủ đề của Hội chợ và Hội nghị năm nay tập trung thúc đẩy xây dựng ACFTA 3.0 và khu vực tăng trưởng chất lượng cao, được giới phân tích đánh giá là phù hợp trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực đang trải qua những chuyển đổi căn bản cả về cấu trúc và mô hình tăng trưởng. Đây chính là lựa chọn chiến lược của các nền kinh tế khu vực trong tình hình mới.

Con số thống kê trên thực tế của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GAC) cho thấy, thương mại Trung Quốc - ASEAN tăng trưởng nhanh chóng, với mức tăng trung bình 11% mỗi năm, trong 20 năm qua (2004-2023), vượt xa mức tăng trưởng chung của ngoại thương nước này là 3% cùng thời kỳ.

Cụ thể, kể từ khi CAEXPO tổ chức lần đầu tiên, quy mô thương mại song phương giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN đã mở rộng từ 876,38 tỷ NDT (khoảng 124,3 tỷ USD) năm 2004 lên 6,41 nghìn tỷ NDT (khoảng 911,7 tỷ USD) vào năm 2023. Trong đó, tỷ trọng của ASEAN trong tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc đã tăng từ 9,2% lên 15,4% trong khoảng thời gian tương ứng.

Từ năm 2020, lần đầu tiên ASEAN và Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất và giữ vị trí này trong bốn năm liên tiếp. Tám tháng đầu năm nay, thương mại Trung Quốc - ASEAN tiếp tục ghi nhận mức 4,5 nghìn tỷ NDT (638 tỷ USD), đánh dấu mức tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 15,7% tổng giá trị ngoại thương của Trung Quốc cùng thời kỳ; tiếp tục củng cố vị thế đối tác thương mại lớn nhất với tốc độ tăng trưởng đứng đầu trong số năm đối tác thương mại hàng đầu của nước này.

Về quan hệ đầu tư, từ năm 2022, Bắc Kinh đã trở thành nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ ba vào ASEAN, đạt 18,65 tỷ USD và tiếp tục ở vị trí này trong năm 2023 (17,3 tỷ USD).

Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Lý Phi chia sẻ, Bắc Kinh sẽ tích cực cải thiện kết nối, từng bước “làm lớn chiếc bánh thương mại” với ASEAN và tạo dựng các điểm tăng trưởng mới phù hợp xu thế.

Mục tiêu này phù hợp những điểm “mới” và “lần đầu” được nhấn năm nay, với màn trình diễn về các lĩnh vực mới nổi mang tính chiến lược như công nghệ kỹ thuật số, xanh và ít carbon, năng lượng mới và phương tiện kết nối thông minh; triển lãm sản phẩm công nghệ cao ASEAN; hay lần đầu tiên mở rộng mời các nước vùng Vịnh tham gia CAEXPO; lần đầu tiên khởi động Kế hoạch phát triển Lãnh đạo thanh niên Trung Quốc - ASEAN và triển khai “dự án tương lai” trao đổi, học hỏi lẫn nhau giữa thanh niên hai bên...

Nhìn về tương lai, trong khuôn khổ cuộc họp Nhóm làm việc thuộc Mạng lưới các Viện Nghiên cứu ASEAN-Trung Quốc (NACT) (7/2024), TS. Vũ Lê Thái Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách ngoại giao, Học viện Ngoại giao Việt Nam nhận định, bước vào thập kỷ hợp tác thứ ba, ASEAN và Trung Quốc đang ở thời điểm quan trọng, phải đối mặt với 3 thách thức lớn, gồm: sự phân mảnh ngày càng tăng của nền kinh tế toàn cầu; các mối đe dọa hiện hữu do biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường gây ra, và tác động chuyển đổi của các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo.

Những số liệu hợp tác đã làm nổi bật mối quan hệ kinh tế ngày càng sâu sắc và sự hội nhập liền mạch của chuỗi cung ứng ASEAN-Trung Quốc. Trong đó, ASEAN với quyền tự chủ mềm dẻo, linh hoạt, nổi lên như một cầu nối trong một thế giới ngày càng phân cực, tạo ra một nền tảng đầu tư đa dạng hợp tác và phát triển.

Phan Thanh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nen-tang-quan-trong-de-hop-tac-kinh-te-trung-quoc-asean-bung-no-287869.html
Zalo