Nên quy định về lấy phiếu tín nhiệm ở cấp xã

Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ quy định HĐND cấp xã lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)

Tại phiên họp sáng 28-4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đã chỉnh lý nhiều nội dung nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đồng thời điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã.

Theo đó, cấp tỉnh sẽ tập trung ban hành cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, quản lý vĩ mô, xử lý các vấn đề mang tính liên vùng, liên xã. Trong khi đó, cấp xã sẽ trực tiếp thực hiện các chính sách, nhiệm vụ phục vụ người dân, giải quyết các vấn đề cộng đồng và cung cấp dịch vụ công thiết yếu.

Chính quyền cấp xã sẽ đảm nhận cả nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện và cấp xã hiện nay. UBND và chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho UBND và chủ tịch UBND cấp xã; đồng thời tăng cường trao quyền cho chính quyền phường nhằm phát triển và quản lý đô thị.

Đối với chủ tịch UBND xã, dự thảo luật quy định 16 nhiệm vụ, quyền hạn. Trong đó có việc chỉ đạo, chịu trách nhiệm trong công tác tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức theo quy định pháp luật và phân cấp của cấp trên; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức người đứng đầu và cấp phó của các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp mình; quyết định tạm đình chỉ công tác phó chủ tịch UBND, người đứng đầu, cấp phó của các đơn vị chuyên môn thuộc quyền quản lý.

Đối với chủ tịch UBND phường, nhiệm vụ và quyền hạn về cơ bản tương tự như chủ tịch UBND xã, trừ nhiệm vụ hướng dẫn và kiểm tra hoạt động tự quản của thôn.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành thảo luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành thảo luận

Dự thảo luật bổ sung 7 nhiệm vụ, quyền hạn riêng cho chủ tịch UBND phường, trong đó có chỉ đạo và tổ chức thực hiện quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển đô thị và hạ tầng đô thị; bảo đảm sự phát triển đồng bộ, liên thông, thống nhất, hài hòa giữa các khu vực đô thị trên địa bàn phường.

Dự thảo luật cũng quy định cụ thể nhiệm vụ của chính quyền địa phương cấp xã là thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện và cấp xã hiện nay. Đặc biệt, cấp này được ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền và phạm vi, nhiệm vụ quản lý của chính quyền địa phương cấp xã.

Căn cứ tình hình thực tiễn, UBND, chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền các nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho UBND, chủ tịch UBND cấp xã đối với các vấn đề cấp xã có thể thực hiện hiệu quả, sát thực tiễn hơn, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Dự thảo luật quy định phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương ở đặc khu để trao quyền tự chủ trong quyết định các vấn đề nhằm bảo đảm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trên các vùng biển, hải đảo, phát huy lợi thế, tiềm năng kinh tế biển, hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm thu hút người dân ra sinh sống, bảo vệ và phát triển hải đảo.

Đồng tình với việc sửa đổi căn bản, toàn diện luật này, song Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội lưu ý, Chính phủ tiếp tục rà soát, chỉnh lý, làm rõ thêm một số nội dung trong dự thảo.

UBND cấp xã có thẩm quyền phân cấp cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình có đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền cấp xã gần dân, sát dân, chịu trách nhiệm về mọi vấn đề ở địa phương hay không?

Có nên quy định HĐND cấp xã lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu hay không, trong khi Quy định số 96 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị và Nghị quyết số 96/2023/QH15 của Quốc hội về nội dung này đều đang quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh tại HĐND, UBND cấp xã?

Trường hợp bổ sung quy định này thì đề nghị cơ quan trình cần được báo cáo, xin ý kiến của cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua

- Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nêu vấn đề.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nêu quan điểm thẩm tra

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nêu quan điểm thẩm tra

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga cho rằng, nên quy định về lấy phiếu tín nhiệm ở cấp xã vì không còn tổ chức cấp huyện; hơn nữa, cấp xã trực tiếp, sát với dân. Về tổ chức hoạt động thì tùy theo phân loại xã lớn, nhỏ để có cơ cấu phù hợp.

Điều hành phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, cấp xã sắp tới sau sắp xếp có nhiều loại, như TP Phú Quốc cũng thành đặc khu, có xã lớn hơn cả huyện nên nếu không phân cấp cho phòng trực thuộc và trung tâm hành chính công làm việc cụ thể thì cũng dẫn đến khó khăn. Do đó, dự thảo nên nghiên cứu quy định linh hoạt trong phân cấp để đảm bảo phù hợp thực tiễn.

Liên quan lấy phiếu tín nhiệm, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nên thực hiện; vì sau này chỉ còn chính quyền địa phương 2 cấp, việc HĐND cấp xã lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu là rất nên làm. Tuy nhiên, Chính phủ cần báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nen-quy-dinh-ve-lay-phieu-tin-nhiem-o-cap-xa-post792925.html
Zalo