Nền móng cho những thỏa thuận chiến lược

Cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) diễn ra ngày 16/10 tại Brussels (Bỉ) sẽ đánh dấu bước tiến quan trọng, thể hiện nỗ lực của cả hai trong việc củng cố quan hệ đối tác toàn diện và đối phó với các thách thức phức tạp trên thế giới.

Vùng Vịnh là nguồn cung cấp dầu mỏ và khí đốt tự nhiên lớn cho châu Âu. Trong ảnh: Một cơ sở lọc dầu trên đảo Khark, ngoài khơi Vùng Vịnh. Ảnh: AFP/TTXVN

Vùng Vịnh là nguồn cung cấp dầu mỏ và khí đốt tự nhiên lớn cho châu Âu. Trong ảnh: Một cơ sở lọc dầu trên đảo Khark, ngoài khơi Vùng Vịnh. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây cũng là cơ hội để EU phát triển quan hệ đối tác gần gũi hơn với các nước thành viên GCC (bao gồm Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất - UAE, Bahrain, Saudi Arabia, Oman, Qatar và Kuwait), những nước có thể tác động trực tiếp và gián tiếp đến tình hình Trung Đông vốn đang chìm trong xung đột bạo lực.

Thực tế quan hệ hợp tác giữa EU và GCC đã phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và an ninh từ khi hai bên ký kết hiệp định hợp tác vào năm 1989 thiết lập đối thoại hợp tác thường xuyên trong các lĩnh vực kinh tế, biến đổi khí hậu, năng lượng, môi trường và nghiên cứu khoa học. Các nước Vùng Vịnh từ lâu đã đóng vai trò quan trọng đối với EU trên nhiều lĩnh vực như năng lượng, thương mại, an ninh và ngoại giao.

Vùng Vịnh là nguồn cung cấp dầu mỏ và khí đốt tự nhiên lớn cho châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh EU đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung để giảm phụ thuộc vào Nga. Các nước tại đây, đặc biệt là UAE và Saudi Arabia, đang đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo và EU có cơ hội hợp tác trong các dự án năng lượng sạch như hydro xanh. Đây cũng là thị trường quan trọng cho hàng hóa châu Âu, đặc biệt trong các lĩnh vực như ô tô, công nghệ và sản phẩm xa xỉ. Ngược lại, GCC cũng đầu tư lớn vào các dự án hạ tầng, tài chính và công nghệ ở châu Âu.

EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai đối với các nước GCC, với tổng kim ngạch thương mại lên tới 170 tỷ euro trong năm 2023. Cũng trong năm ngoái, 75% nhập khẩu nhiên liệu và khoáng sản của EU đến từ các nước GCC. Kể từ năm 2020, nhập khẩu nhiên liệu của EU từ các nước GCC đã tăng gấp 3 lần do EU giảm bớt nhập khẩu từ Nga.

Cả EU và GCC đều đặt mục tiêu mở rộng hợp tác thương mại và đầu tư. GCC mong muốn ký các hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU, đồng thời kỳ vọng thu hút thêm đầu tư từ châu Âu. Các quỹ đầu tư quốc gia của vùng Vịnh đã có mặt mạnh mẽ tại nhiều nước EU trong những năm qua và đóng góp lớn cho các lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng. Ngược lại, GCC cũng khuyến khích các doanh nghiệp châu Âu tham gia sâu vào thị trường vùng Vịnh trong bối cảnh khu vực này nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ.

Sự kiện lần này được xem là cơ hội để EU và GCC mở rộng các dự án hợp tác năng lượng và thương mại trong bối cảnh nhu cầu đa dạng hóa nguồn thu ngày càng cấp thiết ở cả hai khu vực. Hai bên đều quan tâm đến hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và an ninh năng lượng, đặc biệt là các dự án chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Cả hai cũng tìm cách điều phối chính sách để đối phó với các thách thức khí hậu toàn cầu, phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững của cả hai bên.

Thế giới đang trải qua những biến động lớn và những thách thức an ninh đã thôi thúc EU và GCC đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực an ninh. Hội nghị dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani, người đang giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của GCC, cũng sẽ khẳng định sự cần thiết của hợp tác chặt chẽ nhằm tăng cường an ninh và ổn định trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là thông qua các nỗ lực ngoại giao chung trong các cuộc khủng hoảng.

EU coi Vùng Vịnh là khu vực chiến lược do vị trí địa lý gần với khu vực Trung Đông đầy bất ổn. An ninh của khu vực là một vấn đề quan trọng đối với thế giới vì đây là một trong những khu vực xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất. Khu vực này có vị trí địa lý, chiến lược ở trung tâm thương mại toàn cầu và mặt khác, nhìn ra các tuyến đường hàng hải quan trọng như Eo biển Hormuz. Bản thân các quốc gia Vùng Vịnh cũng đang mở rộng các mối quan hệ với khu vực bên ngoài khối phương Tây, trong đó củng cố quan hệ với Trung Quốc và Nga đóng vai trò quan trọng. Trong bối cảnh đó, hợp tác an ninh giữa EU và GCC được thúc đẩy là điều dễ hiểu.

Trong cuộc họp tại Brussels lần này, hai bên cũng sẽ tập trung vào việc giải quyết các khủng hoảng khu vực như xung đột giữa Israel và các phong trào Hamas ở Gaza, lực lượng Hezbollah ở Liban và thúc đẩy ổn định tại Trung Đông. Các quan chức trao đổi cách thức phối hợp hành động để bảo vệ dân thường và tôn trọng luật nhân quyền quốc tế trong các khu vực xung đột. Hợp tác giữa EU và GCC trong việc giải quyết xung đột Trung Đông không chỉ dừng ở ngoại giao mà còn thông qua các nỗ lực nhân đạo, tái thiết góp phần hướng tới nền hòa bình sau này.

Một số nước Vùng Vịnh, như Qatar và Oman, cũng đóng vai trò trung gian trong các vấn đề nhạy cảm như đàm phán về hạt nhân với Iran, một trong những ưu tiên của EU hiện nay. EU sẽ tìm cách thống nhất quan điểm với GCC trước các vấn đề quốc tế lớn, như ảnh hưởng của Iran với các nhóm vũ trang trong khu vực, cũng như đánh giá sự phức tạp của xung đột Nga - Ukraine, nhằm đảm bảo không để các cuộc xung đột khu vực trở thành điểm nóng của cạnh tranh địa chính trị toàn cầu.

Các chuyên gia quốc tế cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh EU - GCC không chỉ tạo cơ hội tăng cường hợp tác kinh tế mà còn là nền tảng để thúc đẩy hợp tác an ninh và ngoại giao đa phương. Hội nghị lần này được kỳ vọng sẽ đặt nền móng cho những thỏa thuận chiến lược sâu rộng hơn, đồng thời giúp giải quyết hiệu quả các vấn đề khu vực và toàn cầu.

Trần Thanh Bình (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nen-mong-cho-nhung-thoa-thuan-chien-luoc-20241016101049739.htm
Zalo