Nền kinh tế Đức đối mặt với suy thoái năm thứ 3 liên tiếp

Với đặc điểm phụ thuộc vào xuất khẩu, Đức có nguy cơ trở thành quốc gia châu Âu chịu thiệt hại nặng nề nhất nếu một cuộc chiến thương mại nổ ra.

Người dân mua sắm tại siêu thị ở Berlin, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)

Người dân mua sắm tại siêu thị ở Berlin, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các mức thuế quan vừa được chính quyền Mỹ công bố có thể giáng đòn mạnh vào nền kinh tế Đức, làm chậm quá trình phục hồi và đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu lần đầu tiên trong lịch sử rơi vào suy thoái năm thứ 3 liên tiếp.

Đức - đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, đã ghi nhận mức thặng dư kỷ lục 70 tỷ euro với nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm 2024.

Với đặc điểm phụ thuộc vào xuất khẩu, Đức có nguy cơ trở thành quốc gia châu Âu chịu thiệt hại nặng nề nhất nếu một cuộc chiến thương mại nổ ra.

Ông Marc Schattenberg, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Deutsche Bank Research, nhận định: “Những rủi ro kinh tế trong năm 2025 đang ngày càng rõ nét, báo hiệu khả năng suy thoái năm thứ 3 liên tiếp.”

Chuyên gia Lisandra Flach từ Viện nghiên cứu kinh tế (Ifo) cũng cho rằng thương mại của Đức sẽ chịu tác động theo 3 hướng: xuất khẩu sang Mỹ giảm, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm và cạnh tranh gia tăng do các nước tìm thị trường thay thế Mỹ.

Giám đốc toàn cầu về kinh tế vĩ mô của ING, ông Carsten Brzeski, nhận xét: “Đức đang đối mặt với một thực tế khắc nghiệt - thế giới đã thay đổi." Theo ông, Đức là nền kinh tế G7 duy nhất không tăng trưởng trong 2 năm qua và việc phục hồi đã trở thành tâm điểm trong chiến dịch tranh cử hồi tháng 2 vừa qua.

Hôm 8/4, kênh truyền hình NTV đưa tin liên minh phe bảo thủ do Thủ tướng tương lai Friedrich Merz dẫn dắt đã đạt được thỏa thuận với đảng Dân chủ Xã hội (SPD) về thành lập chính phủ. Tuy nhiên, một số nguồn thạo tin cho biết hiện vẫn chưa có thỏa thuận chính thức nào được ký kết.

Trước đó, các bên đang đàm phán đã công bố đề xuất thành lập quỹ đầu tư trị giá 500 tỷ euro (khoảng 544 tỷ USD) nhằm nâng cấp hạ tầng, nới lỏng “phanh nợ” để tăng chi tiêu quốc phòng và kích thích tăng trưởng.

Theo nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Berenberg, ông Holger Schmiedin, gói kích thích lớn và kịp thời này có thể giúp bù đắp một phần thiệt hại từ chiến tranh thương mại nhưng rủi ro tăng trưởng hiện vẫn nghiêng về chiều hướng tiêu cực. Ông cho rằng gói tài khóa khó tạo hiệu ứng rõ rệt trong ngắn hạn khi các tác động lan tỏa có thể kéo dài tới năm 2026-2027.

Trong những tháng tới, chính phủ mới của Đức không có nhiều lựa chọn để bảo vệ ngành xuất khẩu và nền kinh tế nói chung trong bối cảnh niềm tin tiêu dùng và doanh nghiệp có thể vẫn ở mức thấp.

Các nhà kinh tế được phỏng vấn đều nhấn mạnh xung đột thương mại cho thấy nhu cầu cấp thiết phải cải cách cơ cấu thay vì dựa vào trợ cấp. Nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thương mại Hamburg, ông Cyrus de la Rubia, nói rõ: “Đức có tiềm lực hỗ trợ tài chính nhưng tôi không nghĩ rằng Đức sẽ và nên sử dụng cho mục đích này."

Ngân hàng Thương mại Hamburg vừa nâng dự báo tăng trưởng của Đức năm 2025 lên 0,6% và sẽ tiếp tục cập nhật sau khi tiến trình thành lập chính phủ liên minh kết thúc.

Tới nay, giới phân tích nhìn chung cho rằng các đề xuất kinh tế của Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và SPD vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng và cần những bước đi táo bạo hơn để thúc đẩy đầu tư cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ông Brzeski kết luận: “Các mức thuế đối ứng của Mỹ với châu Âu nói chung và Đức nói riêng là lý do khiến các cuộc đàm phán liên minh hiện nay buộc phải tập trung vào cải cách cơ cấu và thúc đẩy tăng trưởng bền vững”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nen-kinh-te-duc-doi-mat-voi-suy-thoai-nam-thu-3-lien-tiep-post1026744.vnp
Zalo