Nền kinh tế Đức đang đối mặt điều gì?

Sự sụp đổ của liên minh cầm quyền tại Đức sẽ mang đến nhiều đau đớn hơn về mặt kinh tế trong những tháng tới và Đức chỉ còn một tia hy vọng là có thể dẫn đến một chính phủ mới với các chính sách mạch lạc hơn.

Dây chuyền sản xuất tại nhà máy của Volkswagen ở Emden, Đức. Nguồn: Reuters.

Dây chuyền sản xuất tại nhà máy của Volkswagen ở Emden, Đức. Nguồn: Reuters.

Cú sốc từ chính trường

Theo hãng thông tấn Reuters, ngày 6/11 (giờ địa phương) liên minh cầm quyền Đức đã tan rã sau nhiều năm căng thẳng lên đến đỉnh điểm trong một cuộc tranh cãi về cách lấp đầy lỗ hổng hàng tỷ euro trong ngân sách và phục hồi nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Sự tan rã diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với Đức, chỉ vài giờ sau khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, làm dấy lên nỗi lo về một cuộc chiến thương mại với đối tác thương mại chính của Đức.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã sa thải Bộ trưởng Tài chính vào ngày 6/11, mở đường cho một cuộc bầu cử bất ngờ sau nhiều tháng bất hòa trong liên minh 3 đảng của ông, điều này càng làm tổn hại thêm niềm tin vào một nền kinh tế đang phải vật lộn với chi phí năng lượng cao và khả năng cạnh tranh đang suy giảm.

Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đã tụt hậu so với mức trung bình của Liên minh châu Âu (EU) kể từ năm 2021 và dự kiến sẽ suy giảm trong năm thứ 2 liên tiếp vào năm 2024, khiến nước này trở thành nền kinh tế hoạt động kém nhất trong Nhóm 7 nền kinh tế lớn (G7). Sự sụp đổ của liên minh cầm quyền có thể sẽ giáng một đòn nữa vào tiêu dùng và đầu tư trong những tháng tới tại Đức, vốn đã có nguy cơ suy giảm khi 1/3 các công ty Đức cho biết trong một cuộc khảo sát gần đây rằng, họ có kế hoạch thu hẹp quy mô.

"Kết hợp với chiến thắng của ông Trump, niềm tin kinh tế có khả năng giảm đáng kể và khiến nền kinh tế có khả năng suy thoái cao hơn trong quý IV" - ông Carsten Brzeski, Giám đốc kinh tế vĩ mô toàn cầu tại ING nói và cho biết, quý tiếp theo sẽ có nhiều điểm yếu hơn, có thể là suy thoái hơn nữa, nhưng cũng có thể là động lực mới rất cần thiết.

"Với cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 3, hy vọng là chính phủ mới sẽ chấm dứt tình trạng tê liệt kinh tế và cuối cùng đưa ra định hướng và sự chắc chắn về chính sách kinh tế" – ông Brzeski hy vọng.

Thủ tướng Scholz có kế hoạch tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội đối với chính phủ vào ngày 15/1/2025, có thể kích hoạt các cuộc bầu cử bất thường vào cuối tháng 3. Cho đến lúc đó, ông dự kiến sẽ lãnh đạo một chính phủ thiểu số với Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và Đảng Xanh, dựa vào đa số Quốc hội được ghép lại với nhau để thông qua luật.

Hiện tại, Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò, nhưng hiện tại không có đa số phiếu bầu cho liên minh trung hữu hoặc trung tả thuần túy. Nhà phân tích Greg Fuzesi của JP Morgan cho biết, điều đó cho thấy việc tìm ra các thỏa hiệp về chính sách có thể khó khăn như nhau trong tương lai.

Tuy nhiên, có một lập luận cho rằng, bất kỳ chính phủ mới nào cũng có thể cung cấp cho nền kinh tế ít nhất một số động lực. "Khi bụi lắng xuống và một chính phủ mới với chương trình nghị sự mới lên nắm quyền sau cuộc bầu cử bất ngờ, tác động có thể sẽ là tích cực" - ông Holger Schmieding, Nhà kinh tế trưởng tại Berenberg cho biết.

Theo ông Schmieding, trong tương lai gần, khả năng trì hoãn ngân sách năm tới có nghĩa là không có chi tiêu cho các dự án mới, mặc dù một số khoản chi như viện trợ nhiều hơn cho Ukraine vẫn có thể được thông qua. Nội các đã nhất trí về ngân sách vào mùa hè và dự kiến sẽ được Quốc hội phê duyệt trước cuối năm, nhưng hiện tại có thể bị hoãn lại đến giữa năm 2025.

Chờ đợi một khởi đầu mới

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự ra đi của Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner có thể cho phép chi tiêu nhiều hơn để hỗ trợ nền kinh tế đang trì trệ. Ông Lindner - thuộc Đảng Dân chủ Tự do (FDP) - đã phản đối kế hoạch đình chỉ biện pháp phanh nợ để hạn chế nợ công của Thủ tướng Scholz.

Trong phát biểu hôm 6/11, Thủ tướng Scholz lập luận rằng, Đức có đủ khả năng chi tiêu mà không ảnh hưởng đến sức khỏe tài chính của mình. "Trong số tất cả các nền dân chủ lớn mạnh về kinh tế, chúng ta có mức nợ thấp nhất. Có những giải pháp để chúng ta có thể tài trợ cho các thể chế công và trách nhiệm của mình một cách hợp lý" - Thủ tướng Scholz nói.

Nợ công của Đức được dự kiến ở mức 64% sản lượng kinh tế vào năm 2024 với thâm hụt ngân sách là 1,75% tổng sản phẩm quốc nội, thấp hơn nhiều so với giới hạn 3% của EU. Trong khi đó, Pháp dự kiến tỷ lệ nợ trên GDP của nước này sẽ đạt 113% trong năm nay và Italy là 135%.

Bên cạnh dự thảo ngân sách, Chính phủ của Thủ tướng Scholz cũng thông qua một gói tăng trưởng gồm 49 biện pháp mà họ cho rằng có thể tạo ra mức tăng trưởng bổ sung hơn 0,5 % vào năm 2025. Các kế hoạch phải được Quốc hội phê duyệt trong năm nay để được thực hiện, nghĩa là chính phủ liên minh cần có phiếu bầu từ những người bảo thủ đối lập tại Thượng viện, đại diện cho 16 tiểu bang của Đức.

Thủ tướng Scholz cho biết, ông sẽ nói chuyện với lãnh đạo phe đối lập CDU Friedrich Merz để thảo luận về khả năng hợp tác trong các bước cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế và quốc phòng của Đức.

Các dự báo hiện tại cho thấy, nền kinh tế Đức đang chuẩn bị cho tình trạng trì trệ hoặc suy thoái hơn nữa vào năm tới, điều này sẽ khiến đây là giai đoạn dài nhất không có tăng trưởng kinh tế kể từ khi nước Đức thống nhất vào năm 1990. Trong khi ông Brzeski của ING hiện dự kiến mức suy thoái 0,1%, thì ông Schmieding lạc quan hơn rằng, một khởi đầu mới với chính phủ mới có thể giúp nền kinh tế phục hồi sau sự suy thoái có thể xảy ra trong nửa đầu năm.

Nền kinh tế Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã suy giảm lần đầu tiên vào năm ngoái kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Trong 5 năm qua, nền kinh tế này chỉ tăng trưởng 0,2%, so với mức tăng trưởng 4,6% ở 20 quốc gia sử dụng đồng euro, 4,1% ở Pháp và 5,5% ở Italy.

Hà Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nen-kinh-te-duc-dang-doi-mat-dieu-gi-10294115.html
Zalo