Nên để doanh nghiệp chủ động định giá nhà ở xã hội
Theo nghị trình, chiều 29/5, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.

Đại biểu Trịnh Xuân An tham gia thảo luận.
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội ngày 24/5, nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về cơ chế xác định giá bán, giá thuê mua.
Khoản 3 điều 8 dự thảo quy định, sau khi nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng đưa vào sử dụng, chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện kiểm toán, quyết toán chi phí đầu tư xây dựng theo quy định gửi cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để kiểm tra giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội.
Trường hợp giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội theo kiểm toán, quyết toán cao hơn giá bán, giá thuê mua do chủ đầu tư đã ký Hợp đồng thì chủ đầu tư không được thu thêm phần chênh lệch của người mua, thuê mua nhà ở xã hội; trường hợp thấp hơn thì chủ đầu tư phải hoàn trả lại phần chênh lệch cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Quy định này, theo đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) là chưa công bằng. Ông Tiến đề nghị làm rõ thêm đối với nhà ở xã hội được đầu tư bằng quỹ nhà ở quốc gia hoặc bằng nguồn vốn nhà nước thì việc xác định giá bán, giá thuê mua thực hiện như thế nào.
Đồng tình, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, nên tách giá bán thành 1 mục và giá thuê mua, giá thuê thành 1 mục vì cấu phần của giá thuê khác giá bán.
Ông An cho rằng, nên để cho chủ doanh nghiệp chủ động trong việc định giá và sau đó nhà nước hậu kiểm.
“Nếu quy định như ở khoản 3 này sẽ rất khó, khi đó sẽ nhập nhằng với nhau là giá này đúng hay chưa mặc dù có kiểm toán, có kiểm tra nhưng lại phải đến cơ quan chuyên môn của tỉnh mà cơ quan chuyên môn của tỉnh với cách thức làm như lâu nay và đặc biệt nếu chỗ nào sợ trách nhiệm thì rất là khó, vi thế cũng phải có cơ chế về giá đối chiếu hoặc có phần hội đồng thẩm định ở đây”, đại biểu An nêu quan điểm.
Theo ông, hội đồng thẩm định phải đưa giá công khai và khách quan và tránh việc đùn đẩy giữa các cơ quan và giới hạn việc này trong thời gian nhất định để cho dự án không bi đình trệ.
Ông An cũng đồng tình với ý kiến của một số vị đại biểu khác là không nên quy định việc hoàn trả cùa doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp đã công khai, đã niêm yết giá và đã ký hợp đồng thì theo nguyên tắc hợp đồng mà làm chứ không phải thanh toán lại phần chênh nếu sau kiểm toán – vị đại biểu Đồng Nai đề xuất.
Cũng phát biểu về giá, đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) đồng tình với nhân xét thiết kế như dự thảo mất rất nhiều thời gian, công sức để xác định giá bán, tính toán chi phí, sau đó lại kiểm toán lại. Như vậy rất nhiều rủi ro, thời gian chậm để xác định được giá bán cũng là tiền, như vậy đội giá nhà ở xã hội lên.
Ông Hiếu đề nghị nghiên cứu một phương án áp giá trần, doanh nghiệp chủ động trong mức đó. Để doanh nghiệp chủ động, ông Hiếu nhấn mạnh là tiết kiệm được rất nhiều thời gian, rất nhiều công sức, thậm chí còn làm cho sản phẩm nhà ở xã hội rẻ hơn. Còn quy định như Dự thảo “rất rủi ro và không ai dám làm”.
Giảỉ trình, Bộ trưởng Bộ xây dựng Trần Hồng Minh nói khó có thể đưa ra giá sàn, mà sẽ có hướng dẫn để các địa phương triển khai thực hiện. Sau khi thiết kế xong nhà hoặc thiết kế mẫu nhà cụ thể thì Sở Xây dựng và Sở Tài chính sẽ phê duyệt giá tổng dự toán. Giá nhà ở xã hội chỉ được vênh lên 10%, nếu đưa ra giá sàn thì tới đây 34 tỉnh thành không thể có một giá sàn chung được, mỗi nơi có một đơn giá vật liệu, vật tư khác nhau, vì thế phải quy định theo giá của dự toán, Bộ trưởng giải thích.
Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, đây là một nghị quyết có ý nghĩa chính trị, nhân văn, ý nghĩa xã hội rất sâu sắc. Thủ tướng Chính phủ có văn bản đề nghị Quốc hội xem xét, ưu tiên ban hành sớm trong giai đoạn đầu của kỳ họp.
Vì vậy, ông đề nghị Bộ Xây dựng khẩn trương phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội tham mưu cho Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngay trong chiều thứ bảy, ngày Chủ nhật, ngày thứ Hai hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết, ngày thứ Ba trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tối thứ Ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp thông qua, sáng thứ Tư gửi đến các vị đại biểu Quốc hội và ngày thứ năm (29/5) là ngày cuối cùng của đợt 1, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết.