Nên cúng ông Công ông Táo vào ngày nào?
23 tháng Chạp là ngày ông Công ông Táo chầu trời, tuy nhiên nhiều gia đình cúng tiễn Táo quân rất sớm; vậy cúng ông Công ông Táo vào ngày nào là hợp lý nhất?
Cúng ông Công, ông Táo là một trong những nghi lễ quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt Nam. Trong niềm tin dân gian, ba vị Táo quân có vị trí rất quan trọng, có ảnh hưởng đến sự lành dữ, phúc đức của gia đình mà mình cai quản.
Hàng năm vào ngày 23 tháng Chạp, các vị thần bếp này lên chầu trời, báo cái với Ngọc hoàng những việc hay dở trong năm để định chuyện thưởng phạt. Để cầu Thần bếp báo cáo những lời hay, ý đẹp, mỗi gia đình đều chuẩn bị lễ cúng long trọng để tiễn Táo quân về trời.
Nên cúng ông Công ông Táo vào ngày nào?
Do nhiều yếu tố khách quan như công việc, học tập nên không phải nhà nào cũng có thể cúng Táo quân đúng ngày; nhiều gia đình sẽ cúng trước. Thực tế này khiến nhiều người băn khoăn, nên cúng ông Công ông Táo vào ngày nào là hợp lý nhất?
Thật ra, bạn có thể linh hoạt dựa vào điều kiện thời gian của bản thân và các thành viên khác trong gia đình mà lựa chọn ngày, giờ cúng phù hợp. Các gia đình hoàn toàn có thể cúng ông Công, ông Táo trước ngày 23 tháng Chạp một vài ngày. Tuy nhiên, không nên cúng ông Công ông Táo quá sớm khiến Táo quân phải chờ đợi lâu khi lên thiên đình, cũng không được muộn hơn 11h ngày 23 tháng Chạp vì sẽ không kịp để thần lên dự buổi chầu.
Lưu ý khi cúng ông Công ông Táo
Về cỗ cúng ông Công ông Táo thì tùy thuộc vào điều kiện, gia chủ có thể lễ chay hay mặn đều được. Lễ chay gồm có cau trầu, nước và hoa quả. Lễ mặn gồm giò chả, chân giò, xôi và các món ăn cổ truyền khác.
Nếu gia chủ có ban thờ Táo quân ở dưới bếp thì có thể đặt mâm lễ cúng ở đây, song vẫn cần có mâm lễ cúng ông Công ông Táo nữa ở ban thờ chính, bởi theo quan niệm dân gian thì ông Công là thần Thổ công, cai quản đất đai trong nhà. Cúng ông Công ông Táo thì phải chú ý điều này.
Ngoài ra, xét theo ý nghĩa tâm linh thì việc cúng lễ phải được thực hiện ở nơi sạch sẽ, trang nghiêm nhất trong nhà. Bếp là nơi đun nấu, dù có lau dọn sạch sẽ đến mấy thì cũng vẫn là không gian sinh hoạt chung, không đủ trang nghiêm.
Ban thờ chính của gia đình là nơi thờ phụng các vị thần linh, đặt mâm lễ cúng ở đây mới thể hiện lòng thành kính của gia chủ với các vị thần linh. Khi cúng, nên đặt cá chép ở cạnh khu vực thờ cúng.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh, việc đốt tiền âm phủ khi cúng ông Công ông Táo là không hợp lý vì Táo quân là thần tiên, không phải là vong hồn, người âm.
Trong dịp này, nhiều gia đình cũng sẵn sàng bỏ hàng triệu đồng mua vàng mã về đốt vì tin rằng lễ càng hậu thì càng được Táo quân ban nhiều phước lộc, bỏ qua những việc làm xấu trong năm. Tuy nhiên, điều này không chỉ gây tốn kém tiền của, không có lợi ích mà còn ảnh hưởng đến môi trường.
Khi thả cá chép, nên dùng tay từ từ nghiêng miệng túi nylon hoặc đồ đựng cá xuống nước, để cá tự bơi ra. Hoặc bạn đặt cá vào lòng bàn tay, thả nhẹ nhàng xuống nước. Cần thao tác nhẹ nhàng nhưng nhanh gọn. Tuyệt đối không đứng ở thành cầu hay các điểm trên cao ném cá xuống làm cá chết hoặc bị thương. Tuyệt đối không thả cá ra những nguồn nước ô nhiễm, kiến phóng sinh trở thành "phóng tử".
Việc rán cá chép để cúng ông Táo cũng không phù hợp với phong tục, vì với Táo quân, cá chép là phương tiện di chuyển chứ không phải món ăn.
Người trực tiếp thực hiện nghi lễ cúng ông Công ông Táo phải giữ thân thanh sạch. Khi hành lễ, cần ăn mặc chỉn chu, gọn gàng, kín đáo, không mặc quần đùi, áo ba lỗ, váy ngắn…
Trong lúc khấn cúng, cần giữ tâm thái hoan hỉ để tạo ra năng lượng tích cực.