Nên chạy bộ vào thời gian nào để tốt cho sức khỏe?
Nhiều người lựa chọn chạy bộ để rèn luyện sức khỏe, nhưng nên chạy bộ vào thời gian nào tốt nhất thì không phải ai cũng biết.
Những lợi ích của việc chạy bộ
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI Trần Thị Kim Ngọc cho biết, chạy bộ đều đặn 30 phút mỗi ngày có thể mang đến cho bạn những lợi ích sau:
- Tốt cho tim mạch: Chạy bộ có thể giúp giảm nguy cơ về bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch và đột quỵ.
- Ngăn ngừa ung thư vú: Vì có thể giúp giảm lượng mỡ thừa và tăng sản sinh estrogen.
- Cải thiện giấc ngủ: Chạy bộ giúp bạn thư giãn và có giấc ngủ tốt hơn, nhưng cần chạy khoảng 2 tiếng trước khi đi ngủ.
- Giảm đau nhức cơ thể.
- Giảm căng thẳng: 30 phút chạy bộ mỗi ngày sẽ giúp sản xuất ra endorphins nhiều hơn - giúp thư giãn và cải thiện tâm trạng, bạn sẽ lạc quan và yêu đời nhiều hơn.
- Cải thiện trí nhớ ở người cao tuổi: Đi dạo sẽ giúp bộ não của người già được vận động và minh mẫn hơn, từ đó cải thiện trí nhớ.
- Bảo vệ xương: Chạy bộ là cách rèn luyện và vận động giúp xương chắc khỏe hơn.
- Tăng năng suất làm việc: Khi cơ thể được vận động, các múi cơ sẽ được thư giãn, tâm trạng không còn căng thẳng và giúp tăng năng suất, hiệu quả công việc.
Nên chạy bộ vào thời gian nào?
Có nhiều người lựa chọn chạy buổi sáng sớm, có người lại chạy vào buổi chiều tối. Vậy, chạy bộ vào thời điểm nào đạt hiệu quả cao hơn?
Chạy bộ vào sáng sớm
Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời BS Nguyễn Trọng Thủy cho biết, chạy bộ buổi sáng hoặc việc tập luyện nói chung thường được mọi người lựa chọn.
Chạy buổi sáng giúp cải thiện hiệu suất làm việc trong ngày, cải thiện vấn đề tâm lý như trầm cảm, căng thẳng, lo âu, tăng sự tỉnh táo, tăng cường trao đổi chất, giúp cơ thể tiêu thụ thức ăn để chuyển hóa năng lượng, tránh tích trữ dưới dạng chất béo, do đó tăng hiệu quả giảm cân.
Tuy nhiên sáng sớm chúng ta rất khó thức dậy vì cơ thể thường có xu hướng muốn ngủ thêm. Nếu cơ thể không tập làm quen thích nghi được sẽ dẫn đến khó cân bằng thân nhiệt khi luyện tập.
Buổi sáng cũng là thời điểm nhiệt độ cơ thể thấp nhất. Việc tập luyện khi thân nhiệt thấp sẽ dẫn đến căng cứng cơ bắp và tăng khả năng chấn thương. Đồng thời cơ thể không được cung cấp đủ oxy sẽ ảnh hưởng đến khả năng hô hấp.
Với những người làm công việc văn phòng hoặc nội trợ thì chạy buổi sáng không phù hợp vì phải dậy sớm. Những người mắc bệnh tăng huyết áp, việc chạy bộ vào buổi sáng có thể sẽ gây nên nguy hại đến sức khỏe.
Chạy bộ vào buổi trưa
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI Trần Thị Kim Ngọc cho biết, giữa trưa chính là thời điểm mà tiềm năng hiệu suất của cơ thể khá cao, nghĩa là đây là lúc mà bạn có thể chạy với cường độ cao. Thời điểm này, có thể cũng chưa quá mệt mỏi với các hoạt động hằng ngày.
Tuy nhiên, để tránh gặp phải những vấn đề tiêu hóa khi tập luyện với cường độ cao, bạn nên lưu ý những điều sau:
- Chỉ nên chạy sau bữa ăn trưa ít nhất 30 phút.
- Trong trường hợp bạn ăn trưa quá no, quá nhiều năng lượng thì cần 1,5 - 2 giờ sau ăn.
- Bạn cảm thấy khó khăn khi chạy sau ăn trưa thì có thể thay đổi, hãy tập luyện, vận động trước khi ăn.
Chạy bộ buổi chiều tối
Theo bác sĩ Thủy, buổi chiều muộn và đầu giờ tối là thời điểm tốt nhất để tập thể dục. Người chạy bộ sẽ nhận được kết quả tối ưu khi nhiệt độ cơ thể ở mức cao nhất (nhiệt độ cơ thể cao nhất là từ 4 giờ chiều đến 5 giờ chiều, thậm chí có thể kéo dài đến 7 giờ tối).
Trong thời gian này, sức mạnh và sức chịu đựng của cơ thể sẽ đạt đến đỉnh cao. Đây cũng là thời điểm tốt để ngăn ngừa chấn thương. Đồng thời đa số người tập sẽ tỉnh táo và tập trung hơn vào buổi chiều, cơ bắp cũng được làm nóng sau các hoạt động trong ngày.
Buổi chiều tối cũng được nhiều người chạy bộ lựa chọn vì nhiều thời gian hơn, thuận lợi trong sinh hoạt hơn, đặc biệt là người bận rộn ban ngày. Đây cũng là thời điểm được cho là tốt nhất để thực hiện các hoạt động thể chất nói chung. Tuy nhiên, nên chạy trước 21 giờ tối để đảm bảo sức khỏe.
Chạy bộ vào buổi chiều tối giúp tránh nắng nóng, nhất là về mùa hè, lúc này thời tiết mát mẻ, dễ chịu hơn. Buổi chiều tối cũng là thời điểm cơ thể có khả năng chịu đựng cao nhất. Buổi chiều là lúc testosterone và cortisol đạt lý tưởng cho quá trình tổng hợp protein phát triển sức đề kháng và xây dựng cơ bắp.
Việc vận động vào buổi chiều tối có thể tăng hiệu suất luyện tập 20% so với các thời điểm khác trong ngày. Không những thế, việc chạy bộ vào buổi chiều tối còn giúp giảm nguy cơ chấn thương, khả năng duy trì sức bền tốt hơn, không bị mất ngủ hay thiếu ngủ, ít gặp rủi ro hơn, giảm stress và người tập không bị gò bó về thời gian.
Tuy nhiên, chạy bộ buổi chiều tối lại khiến cơ thể dễ mệt mỏi hơn vì đã trải qua một ngày làm việc. Cơ thể thiếu năng lượng mà vẫn thực hiện các hoạt động thể chất thì dễ làm cho người tập bị chóng mặt, hạ huyết áp, ngất xỉu. Không những thế, việc chạy vào buổi chiều tối khiến cho người tập hạn chế quan sát do thiếu ánh sáng (nếu chạy ngoài trời), khó duy trì thường xuyên (khó sắp xếp được công việc ở văn phòng cũng như ở nhà).
Vậy nên chạy bộ thời gian nào sẽ tốt cho sức khỏe? Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời BS Nguyễn Trọng Thủy cho biết, mỗi thời điểm chạy đều có ưu và nhược điểm khác nhau. Do đó, thời điểm tốt nhất để chạy bộ trong ngày phụ thuộc vào những mục tiêu, lịch sinh hoạt cá nhân của mỗi người.
Tùy thuộc vào sở thích, sức khỏe và công việc mà mỗi người có thể xây dựng kế hoạch luyện tập thường xuyên giúp nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần cho chính mình.
Tuy nhiên, dù chạy ở thời điểm nào trong ngày thì vẫn nên chú ý nhiều hơn đến vấn đề khởi động. Nên khởi động trong khoảng 7 - 10 phút để làm ấm cơ thể, co giãn gân cốt. Điều này rất tốt để giúp hạn chế các chấn thương có thể gặp phải cũng như các sự cố không mong muốn khi đang tập luyện.
Bên cạnh đó cần lựa chọn trang phục phù hợp, chọn thời gian chạy bộ phù hợp với lịch sinh hoạt cá nhân, lựa chọn địa điểm chạy bộ phù hợp. Đặc biệt là uống đủ nước trong quá trình chạy và có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý.