NCKH trong trường học: Thắp sáng ước mơ cho giới trẻ

Những năm gần đây, ngành Giáo dục đẩy mạnh hoạt động để học sinh trải nghiệm, làm quen và thực hành với nghiên cứu khoa học(NCKH).

Trao thưởng cho các học sinh đoạt giải tại cuộc thi KHKT tỉnh Yên Bái năm 2020. Ảnh: Hạ Vi

Trao thưởng cho các học sinh đoạt giải tại cuộc thi KHKT tỉnh Yên Bái năm 2020. Ảnh: Hạ Vi

Từ cấp tiểu học đến phổ thông và đại học, học sinh – sinh viên đều được động viên, khuyến khích đến với khoa học. Trong hoạt động NCKH ở nhà trường, đã có nhiều sáng tạo mang tính thực tiễn cao.

Đẩy mạnh trải nghiệm STEM

STEM (khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán) đã góp phần không nhỏ trong việc tăng cường và nâng cao chất lượng các hoạt động NCKH trong nhà trường. Đây thực sự là sân chơi bổ ích, mới mẻ và hứng thú dành cho học sinh và giáo viên. Xác định được tầm quan trọng của giáo dục STEM trong việc giúp học sinh phát triển toàn diện, tăng khả năng, kỹ năng về thực hành và ứng dụng, nhiều trường đã tăng cường, gắn vào hoạt động dạy học. Giúp học sinh làm quen với NCKH không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện theo tinh thần của Nghị quyết 29, mà còn thắp sáng ước mơ khoa học trong giới trẻ.

Từ vụ cháy ở chung cư Carina Plaza (TPHCM) tháng 3/2018, nhóm học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Tám (quận Hai Bà Trưng) đã thiết kế bộ quần áo siêu nhân mang tên “Ba lô siêu nhân, giải cứu thế giới”. Em Giang Lan Phương - học sinh lớp 4A10, Trường Tiểu học Lê Văn Tám cho biết: Cháy ở những tòa chung cư rất dễ gây thiệt hại người và của, cần phải thiết kế ra bộ quần áo như Siêu nhân (Superman) để có thể giúp đỡ mọi người mỗi khi xảy ra hỏa hoạn. Được sự giúp đỡ của cô giáo, em và các bạn đã thiết kế ra bộ quần cáo Siêu nhân như mong muốn. Nhận xét về ý tưởng của học sinh, cô Nguyễn Thị Thu Hảo cho biết: Thật đáng quý trước những ý tưởng vì cộng đồng của các con. Ở Trường Tiểu học Lê Văn Tám, hoạt động giáo dục STEM được đẩy mạnh, chúng tôi luôn động viên học sinh có những sáng tạo. Thật vui vì thắp lên những đốm lửa trong tình yêu khoa học của các con.

Ở Yên Bái, cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh cũng vừa kết thúc. Cuộc thi thu hút 96 dự án tham gia dự thi, có 37 dự án của học sinh THCS, 58 dự án của học sinh THPT với 184 tác giả. Các dự án đều gắn liền với thực tiễn cuộc sống, sinh hoạt. Nhiều dự án được ban giám khảo đánh giá có ý tưởng khoa học hay, xuất phát từ thực tế đời sống và khả năng ứng dụng hiệu quả. Nhìn vào danh mục và cách trình bày của các đề tài, nội dung và phương pháp nghiên cứu phù hợp, thực hiện tiến trình nghiên cứu và trình bày báo cáo khoa học theo đúng yêu cầu của công trình khoa học. Nhiều đề tài tiếp cận những vấn đề lớn có tính khái quát hoặc sử dụng kỹ thuật cao ở phòng thí nghiệm, vận dụng kiến thức đã học trên lớp vào thực tiễn. NCKH trong học sinh đã và đang chững chạc và trưởng thành nhiều lên.

Con đường đến với khoa học

Theo GS.TS Tạ Ngọc Đôn – Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường (Bộ GD&ĐT), Bộ GD&ĐT luôn khuyến khích các cơ sở giáo dục, tổ chức và cá nhân hỗ trợ hoạt động NCKH của học sinh, sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu. Nhiều trường đã thực hiện tốt, hoạt động NCKH được tổ chức thường niên và ngày càng đạt kết quả cao. Các đề tài NCKH của học sinh, sinh viên không chỉ dừng lại ở việc làm quen mà đã gắn với thực tế và mang giá trị thực tiễn cao.

Mới đây, để tạo điều kiện cho sinh viên kết nối với giới nghiên cứu sinh học trong và ngoài nước, Trường Đại học Trà Vinh đã cử đoàn tham gia Hội thảo sinh học quốc tế “3rd BIOLOGY CONFERENCE 2020” tại TP Quy Nhơn. Em Trần Thị Thúy Liễu, sinh viên lớp Công nghệ sinh học khóa 2018 cho rằng: Đến hội thảo “3rd BIOLOGY CONFERENCE 2020”, chúng em được giao lưu học hỏi về lĩnh vực như công nghệ sinh học thực vật, động vật; vấn đề liên quan đến môi trường; lĩnh vực về sinh hóa, từ các nhà nghiên cứu khắp cả nước. Quan trọng nhất là được mở rộng tầm nhìn về khoa học, thúc đẩy thêm niềm đam mê nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học trong lĩnh vực sinh học và môi trường để xây dựng mô hình nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và thân thiện với môi trường.

Xuất phát từ mong muốn mang lại sản phẩm có lợi cho cộng đồng và xã hội, góp phần nâng cao giá trị cho nông sản, nhóm sinh viên Trường Đại học Trà Vinh đã nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm “Bột nưa nông sản vì sức khỏe – KLEN FARM”. Em Sơn Thái Ngoan, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: Sản phẩm được sản xuất từ củ nưa nguyên chất, canh tác theo nông nghiệp hữu cơ, áp dụng công nghệ mới trong sản xuất như: Nghiền, sấy, trích ly, phân ly. Nghiên cứu đưa ra sản phẩm không chất bảo quản, 100% tự nhiên bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và các tiêu chuẩn khác với nhiều loại hương vị khác nhau so với các sản phẩm cùng đặc điểm như bột sắn dây, bột mì... Đề tài này giúp chúng em làm quen với NCKH, nhưng cũng mong muốn sự đón nhận từ cộng đồng vì tính thực tiễn của sản phẩm.

Chúng tôi động viên cả thầy và trò cùng tích cực tham gia NCKH. Thầy hướng dẫn cũng là tích lũy nghiên cứu cho chính mình, đồng thời thắp lên ngọn lửa đam mê nghiên cứu cho sinh viên. Trò nghiên cứu, bước đầu là làm quen, nhưng cũng là thử sức để sáng tạo và khởi nghiệp. Những đề tài nghiên cứu của sinh viên đã góp phần nâng cao ý thức người dân bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc, tôn trọng và yêu thiên nhiên, thật ý nghĩa và đáng trân trọng. - PGS.TS Phạm Tiết Khánh (Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nckh-trong-truong-hoc-thap-sang-uoc-mo-cho-gioi-tre-Y8pANqLMR.html
Zalo