NATO xem xét tăng chi tiêu cho quốc phòng dân sự
NATO đang bàn thảo mục tiêu chi tiêu mới lên tới 3,5% GDP, bao gồm cả quốc phòng dân sự và viện trợ Ukraine, giữa lúc căng thẳng với Nga chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tuyên bố tăng chi tiêu quốc phòng lên 300 tỷ kronor (30 tỷ USD) trong thập kỷ tới, trong một cuộc họp báo tại Stockholm, Thụy Điển, ngày 26/3. Ảnh: Reuters.
Các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang thảo luận về việc thiết lập một mục tiêu chi tiêu riêng cho quốc phòng dân sự và hỗ trợ Ukraine - bên cạnh các cam kết ngân sách quân sự cốt lõi hiện tại, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cho biết hôm 14/4, Reuters đưa tin.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine năm 2022, nhiều nước thành viên NATO đã tăng ngân sách quốc phòng. Tuy nhiên, họ vẫn chịu áp lực từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, người kêu gọi các nước chi tiêu tới 5% GDP cho quốc phòng – cao hơn gấp đôi so với mục tiêu hiện tại là 2%.
Phát biểu trước báo giới tại Stockholm, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tiết lộ rằng hội nghị thượng đỉnh NATO dự kiến diễn ra tại The Hague vào tháng 6 tới có thể thống nhất mục tiêu chi tiêu quốc phòng vượt mức 3% GDP, đồng thời bổ sung thêm một mục tiêu thứ hai liên quan đến các khoản chi tiêu an ninh và quốc phòng mở rộng khác.
"Một cuộc thảo luận đang diễn ra – và chúng ta vẫn chưa biết hồi kết – về việc liệu NATO, song song với mục tiêu quốc phòng quân sự, có nên đưa ra một mục tiêu dành cho quốc phòng dân sự, khả năng sẵn sàng, hỗ trợ Ukraine và những lĩnh vực liên quan hay không", ông Kristersson nói.
Theo nhà lãnh đạo Thụy Điển, mức mục tiêu mới có thể được ấn định ở mức 3,5% GDP cho quốc phòng quân sự, cộng thêm 1,5% cho các hoạt động như quốc phòng dân sự, viện trợ Ukraine và các lĩnh vực không thuộc phạm vi quốc phòng quân sự trực tiếp.
Dữ liệu ước tính của NATO cho thấy, năm ngoái, 23 trong số 32 quốc gia thành viên đã đạt hoặc vượt mục tiêu chi tiêu 2% GDP cho quốc phòng. Tuy nhiên, một số nền kinh tế lớn của châu Âu như Italy và Tây Ban Nha vẫn chỉ chi tiêu lần lượt khoảng 1,5% và 1,3% GDP.
Thụy Điển trở thành thành viên thứ 32 của NATO vào tháng 3 năm ngoái, đánh dấu một bước ngoặt trong chính sách đối ngoại của nước này, sau khi lo ngại về Nga gia tăng.
"Tôi rất quyết tâm đảm bảo rằng Thụy Điển sẽ thực hiện nghiêm túc các cam kết mà NATO đề ra", ông Kristersson khẳng định.
Một nhà ngoại giao châu Âu giấu tên cũng cho biết các cuộc thảo luận về mục tiêu chi tiêu tại hội nghị The Hague mới chỉ bắt đầu. Tuy nhiên, dường như có sự đồng thuận rằng các mục tiêu năng lực quân sự mới của NATO sẽ yêu cầu chi tiêu ở mức khoảng 3,5% GDP.
Vị này cũng nhận định, để đạt được con số 5% mà ông Trump từng đề xuất, các nước sẽ cần tính đến nhiều yếu tố bổ sung, bao gồm việc tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực cơ động quân sự.