NATO và gánh nặng tăng chi tiêu quốc phòng
Là tổ chức quân sự lớn nhất thế giới hiện nay, những thay đổi trong chi tiêu quốc phòng của NATO luôn là tâm điểm chú ý của quốc tế.
![Chi tiêu quân sự của các quốc gia châu Âu thành viên NATO trong năm 2024 tăng gần 20% so với năm 2023. (Nguồn: Deposit Photo)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_08_194_51427078/3e96e041da0f33516a1e.jpg)
Chi tiêu quân sự của các quốc gia châu Âu thành viên NATO trong năm 2024 tăng gần 20% so với năm 2023. (Nguồn: Deposit Photo)
Sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, NATO bắt đầu cảm thấy cấp bách hơn về việc tăng cường xây dựng lực lượng phòng thủ, cho rằng khoản đầu tư quốc phòng hiện tại chưa đủ để tiếp tục hỗ trợ Ukraine. Nhiều nước châu Âu ban đầu tỏ ra không "mặn mà" về việc tăng chi tiêu quân sự cũng bắt đầu thay đổi thái độ.
Kỷ lục chi tiêu quốc phòng
Chi tiêu quân sự của các quốc gia châu Âu thành viên NATO trong năm 2024 tăng gần 20% so với năm trước, đặc biệt là chính phủ Đức, với tổng ngân sách quốc phòng cho năm tài chính 2024 là 73,41 tỷ USD, lập kỷ lục về chi tiêu quốc phòng của Đức và lần đầu tiên đạt tiêu chuẩn NATO quy định - chi tiêu quốc phòng chiếm 2% GDP.
Ngân sách quốc phòng của Pháp cho năm tài chính 2024 lên tới 49,7 tỷ USD, tăng 7,5% so với năm trước, lập kỷ lục mới kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Tháng 12/2024, trong Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao NATO, một số đại diện các quốc gia thành viên châu Âu của NATO đã đề xuất tăng tỷ lệ chi tiêu quân sự so với GDP của mỗi quốc gia từ 2% lên 3% vào năm 2030, dự kiến sẽ được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 6/2025.
Bên cạnh đó, cùng với việc Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng, các thành viên châu Âu của NATO cũng hy vọng thông qua việc tăng chi tiêu quân sự để thể hiện thiện chí hợp tác với Mỹ. Do đó, mức chi tiêu quân sự 2% sẽ ngày càng trở thành tiêu chuẩn cơ sở cho NATO, thay vì là “mức trần” được đặt ra ban đầu.
Áp lực ngân sách
Mặc dù ngày càng sẵn sàng tăng chi tiêu quân sự, nhưng các quốc gia thành viên NATO vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong các hoạt động thực tế. Hiện nay, các thành viên châu Âu của NATO vẫn còn những hạn chế về năng lực tình báo, giám sát và trinh sát, chẳng hạn như thiếu vệ tinh có thể bao phủ lãnh thổ của đối phương và trực thăng tầm xa vận chuyển thiết bị quốc phòng và binh lính số lượng lớn.
Ngoài ra, việc tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng cũng sẽ gây áp lực rất lớn đối với ngân sách của các quốc gia liên quan. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế nhìn chung yếu kém ở châu Âu, việc tăng chi tiêu quốc phòng chắc chắn đòi hỏi phải cắt giảm các khoản chi tiêu dân sinh như ngân sách an sinh xã hội, điều này dễ gây ra sự phản đối, dẫn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa cực đoan và thậm chí là bất ổn chính trị.
Trên thực tế, Pháp và Đức đã không vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của quốc hội do áp lực tài chính quá lớn. Nếu tiêu chuẩn chi tiêu quân sự tiếp tục được nâng lên, những điều tương tự có thể xảy ra ở các quốc gia thành viên khác, mang lại gánh nặng và sự khủng hoảng tâm lý lớn hơn cho các nước này.