NATO bất đồng với Ukraine về chiến thuật, tố Kiev lãng phí vũ khí đắt tiền
Khối quân sự NATO đang bất đồng với Ukraine về chiến thuật trên chiến trường. Các nguồn tin quốc phòng Anh tố quân đội của Tổng thống Zelensky là đang lãng phí các vũ khí khí tài đắt tiền.
Cụ thể, phía Anh tin rằng lực lượng quân sự Ukraine đang kết hợp vũ khí do NATO cung cấp với chiến thuật kiểu Xô viết - sự kết hợp này bị Anh coi là bất hợp lý, dẫn tới sự lãng phí lượng lớn vũ khí phương Tây.
Chiến thuật Liên Xô trước đây và Nga ngày nay ưu tiên tập trung hỏa lực của vũ khí giá rẻ hơn là áp dụng các cuộc tấn công chính xác kiểu NATO.

Lính Ukraine phóng tên lửa chống tăng NLAW. Ảnh: Telegraph.
Sử dụng vũ khí chính xác đắt tiền như thể vũ khí giá rẻ
Một quân nhân Anh tham gia đào tạo binh sĩ Ukraine ngay tại Ukraine nói với nhật báo Anh Telegraph rằng lực lượng quân sự Ukraine sử dụng hệ thống tên lửa chống tăng hiện đại NLAW do Anh quyên tặng như thể đây là các “quả đạn chống tăng B-41” của Nga.
NLAW là hệ thống tên lửa chống tăng sử dụng một lần, mỗi hệ thống NLAW trị giá hơn 25.000 USD. NLAW được thiết kế để tấn công chính xác vào xe thiết giáp đối phương. Anh đã cung cấp hơn 5.000 hệ thống này cho Kiev.
Nguồn tin nói rằng phía Ukraine được yêu cầu chia sẻ video cho thấy họ đang sử dụng vũ khí này đúng cách. Tuy nhiên, video clip mà phía Ukraine gửi cho thấy quân Ukraine bắn ồ ạt 5 - 6 quả NLAW về phía chiến tuyến Nga cùng một lúc. Loạt phóng này tốn tới hơn 125.000 USD.
Công nghiệp quốc phòng Nga sản xuất hỏa lực giá rẻ với số lượng lớn mà NATO không thể theo kịp. Trong khi đó, khối NATO sản xuất các vũ khí công nghệ cao với số lượng nhỏ hơn, dùng cho hiệp đồng binh chủng và tác chiến cơ động.
Hiệp đồng binh chủng là phương pháp tác chiến mà trong đó, binh sĩ phe “ta” sẽ vu hồi đối phương bằng sự phối hợp giữa pháo binh, thiết giáp và không quân. Hình thức tác chiến này đòi hỏi vũ khí chính xác cao, liên lạc tin cậy và các chỉ huy được đào tạo chuyên nghiệp với kiến thức sâu về tổng thể chiến trường.
Nga chủ trương sử dụng các đơn vị quân sự của mình theo hướng độc lập với nhau, và trọng pháo được tập trung số lượng lớn để nghiền nát trận địa đối phương. Nga hiếm khi sử dụng xe tăng để xung kích; thay vào đó, họ sử dụng xe tăng để pháo kích đối phương từ xa.
Xung khắc về tư tưởng chiến thuật, chiến lược
Các nguồn tin cho hay, chưa bao giờ có đủ thời gian để dạy cho quân nhân Ukraine các chiến thuật tiên tiến của NATO. Theo đó, chương trình huấn luyện lính Ukraine bị thu hẹp từ nhiều tháng xuống còn hai tuần - sơ sài hơn hẳn so với chương trình đào tạo lực lượng dự bị Anh.
Ngoài chuyện thiếu thời gian ra, phía Anh còn cáo buộc rằng binh sĩ Ukraine thường ngại đi theo học thuyết quân sự của NATO với lý do nó không phù hợp với điều kiện thực địa mà các giảng viên phương Tây chưa trải qua.
Một nguồn tin cho biết, bất đồng giữa thầy và trò trong các lớp huấn luyện trên nhiều khi trở nên vô cùng căng thẳng, đến mức mà các thầy lục quân Anh tại Ukraine đã có lúc phải vội vã đưa tay cầm lấy súng cá nhân để đề phóng nổ ra bạo lực giữa hai bên.
NATO có cách tiếp cận “khai thác triệt để vũ khí khí tài” do chúng đắt tiền và có tầm quan trọng đối với học thuyết quân sự của họ.
Các nguồn tin kể rằng binh lính Ukraine thường xuyên vứt bỏ lại trên chiến trường các tổ hợp phóng tên lửa Javelin - thiết bị này vốn có thể tái sử dụng và có giá tới hơn 100.000 USD. Kết quả là, phía Nga đã thu giữ được lượng lớn bộ phóng, tên lửa và ống phóng Javelin.
Một nguồn tin bên lục quân Nga cho biết, anh ta và đơn vị của mình thường gặp phải những vũ khí chống tăng do phương Tây cung cấp và bị quân Ukraine bỏ lại.
Trước tình cảnh này, một nguồn tin Anh ngậm ngùi cho biết, “quân đội Nga có thể sở hữu nhiều Javelin hơn cả quân đội Anh vào lúc này”.
Anh đã tặng hơn 10.000 vũ khí chống tăng cho Ukraine, trong đó có hàng nghìn tổ hợp Javelin. Trong khi đó, James Cartlidge - cựu quan chức Anh phụ trách mua sắm quốc phòng, nói vào tháng 4/2025 rằng kho Javelin của Anh sẽ không được bổ sung cho đến tận năm 2027 và 2028.
Anh cũng viện trợ hàng trăm tên lửa Brimstone có độ chính xác cao cho Ukraine - vũ khí này có thể dùng cho máy bay hoặc binh sĩ tấn công mục tiêu trên bộ. Thế nhưng có thông tin nói rằng binh sĩ Ukraine khi khai thác tên lửa Brimstone đã bắn trượt mục tiêu do họ sử dụng các hệ thống định vị thời Xô viết.
Ukraine thậm chí đã yêu cầu đồng minh phương Tây cung cấp cho họ thêm các kho vũ khí giá rẻ - điều này khiến nhiều nước châu Âu lục tìm vũ khí cũ thời Liên Xô tại những nước từng thuộc khối Hiệp ước Warsaw.
Bên cạnh đó, các nguồn tin cũng mô tả những trường hợp tham nhũng trong quá trình huấn luyện binh sĩ Ukraine ngay trên đất Ukraine. Người ta kể rằng nhiều xe tải chở vũ khí khí tài bị mất tích và có nhiều lô xe cộ đến các đơn vị trong tình trạng bị “luộc” mất linh kiện, bao gồm cả đai an toàn.
Quân nhân Ukraine vẫn ưa học thuyết quân sự Liên Xô hơn
Sau khi Lữ đoàn 155 của Ukraine (hoàn toàn do NATO huấn luyện tại Pháp) tan rã vào tháng 1/2025 do “hỗn loạn hoàn toàn về mặt tổ chức” và hứng chịu những tổn thất nặng nề, một số sĩ quan Ukraine đã lên tiếng chỉ trích phương pháp huấn luyện của NATO.
Sergey Filimonov - tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 108 của Ukraine, phát biểu: “Phương pháp đào tạo của NATO thường không phù hợp với thực tế tác chiến hiện đại… Huấn luyện của chuyên gia nước ngoài, trừ phi được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện Ukraine và tích hợp với thực tế các đơn vị, không chỉ kém hiệu quả mà còn rất nguy hiểm”.
Anh này bổ sung rằng mình có biết 10 lữ đoàn nữa gặp phải những vấn đề tương tự như Lữ đoàn 155.
Phân tích của Vụ nghiên cứu quốc hội Mỹ hồi tháng 3/2024 kết luận rằng việc bám lấy học thuyết quân sự Liên Xô trong giới sĩ quan cao cấp Ukraine đã gia tăng kể từ khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine.
Phân tích này cũng lưu ý rằng chính đương kim Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Oleksandr Syrsky là một người gốc Nga và học về quân sự tại Trường chỉ huy quân sự Moscow vào thập niên 1980.
Trong năm 2023, một tài liệu bị rò rỉ của quân đội Đức tuyên bố rằng các lực lượng Ukraine đang phớt lờ những bài học mà họ tiếp nhận trong quá trình đào tạo của phương Tây, phủ nhận các lợi thế của vũ khí và chiến thuật NATO.
Tài liệu này nói rằng Ukraine đang chia các đơn vị lớn kiểu NATO thành các đơn vị nhỏ hơn, không tuân thủ lối tác chiến cơ động kiểu phương Tây. Theo tài liệu, tình trạng này là do học thuyết tác chiến trước đây của Ukraine vẫn còn cắm rễ sâu trong đội ngũ sĩ quan nước này.