NASA tung ảnh 'thế lực' đã hạ gục robot săn sự sống

NASA vừa công bố một hình ảnh đáng kinh ngạc mà tàu quỹ đạo Trinh sát Sao Hỏa (MRO) chụp thế giới tưởng chừng như yên tĩnh này.

Theo NASA, hình ảnh như một tấm lưới nhện chằng chịt, ma quái là tổng hợp những gì MRO chụp được về "quỷ bụi" nơi Sao Hỏa, thứ đã làm "chết" robot săn sự sống Opportunity vào năm 2019 hay robot thăm dò địa chấn InSight năm 2022.

"Quỷ bụi" là những cơn lốc bụi đỏ dữ dội, xoáy khắp bề mặt hành tinh, mang lượng bụi khủng khiếp phủ lên mọi thứ, bao gồm các mảng năng lượng Mặt Trời của 2 chiến binh NASA nói trên.

Hình ảnh tổng hợp về "quỷ bụi" vừa được NASA công bố - Ảnh: NASA

Hình ảnh tổng hợp về "quỷ bụi" vừa được NASA công bố - Ảnh: NASA

Mặc dù vậy, chính các cơn lốc bụi đáng sợ này có thể giúp các nhà khoa học tìm hiểu các quả trình xảy ra trong bầu khí quyển của Sao Hỏa, nhờ vào việc đo lượng bụi tích tụ trên các thiết bị hãy còn liên lạc, ví dụ robot trực thăng Ingenuity.

Một cơn lốc xoáy đầy bụi được MRO chụp trước đó - Ảnh: NASA

Một cơn lốc xoáy đầy bụi được MRO chụp trước đó - Ảnh: NASA

Sao Hỏa - hành tinh thứ tư tính từ Mặt Trời, thường được gọi là "hành tinh đỏ" vì màu đỏ được tạo ra bởi oxit sắt trong đất.

Bầu khí quyển của nó mỏng, chủ yếu là carbon dioxide, góp phần tạo nên khí hậu lạnh với nhiệt độ trung bình khoảng -60 °C.

Bề mặt Sao Hỏa có đồng bằng, núi lửa - mà khổng lồ nhất là Olympus Mons - và hệ thống hẻm núi rộng lớn Valles Marineris.

Bằng chứng địa chất cho thấy Sao Hỏa từng có nước lỏng và bầu khí quyển dày hơn, đủ để nó nuôi dưỡng sự sống.

Mặc dù mỏng, bầu khí quyển hành tinh vẫn hoạt động, trong đó "quỷ bụi"được coi là hiện tượng hấp dẫn nhất.

Lốc xoáy bụi được tạo ra khi bề mặt nóng lên và khiến không khí ấm bốc lên nhanh chóng, hút các hạt bụi vào một cột quay.

Chúng có thể có kích thước từ những cơn lốc xoáy nhỏ, vô hại đến những cơn lốc xoáy khổng lồ, rộng hàng km có thể kéo dài trong nhiều giờ.

Đối với Sao Hỏa, các cơn lốc xoáy này giúp phân phối lại bụi trên bề mặt hành tinh, điều khiển các kiểu thời tiết và thậm chí cả khí hậu.

Hình ảnh vừa được công bố là một phần dữ liệu mà các nhà khoa học từ Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực (JPL) của NASA đang sử dụng để nghiên cứu tốc độ bụi lắng đọng theo thời gian.

Điều này sẽ giúp họ thiết kế biện pháp an toàn cho các sứ mệnh tương lai, từ các robot săn sự sống cho đến tàu có người lái, hay tham vọng hơn là một căn cứ ngoài hành tinh.

Hiện tại trên hành tinh đỏ ngoài MRO bay trên quỹ đạo còn có 2 tàu mặt đất đang hoạt động, là Curiosity và robot Perseverance, đều là robot dạng xe tự hành giống Opportunity "quá cố", nhưng chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Theo Người lao động

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/nasa-tung-anh-the-luc-da-ha-guc-robot-san-su-song/20250118102330908
Zalo