NASA/ESA tung ảnh 'vua quái vật' trọng lượng 65 triệu Mặt Trời
'Vua quái vật' đang tàn sát những vật thể xung quanh dữ dội đến mức làm 'lóa mắt' các kính viễn vọng dù cách chúng ta tận 240 triệu năm ánh sáng.
Theo SciTech Daily, hình ảnh mà nhóm điều hành kính viễn vọng không gian Hubble của NASA/ESA (cơ quan vũ trụ của Mỹ và châu Âu) vừa công bố là một thiên hà xoắn ốc IC 4709, có một "vua quái vật" nằm ở lõi.
Thiên hà này nằm cách chúng ta 240 triệu năm ánh sáng trong chòm sao Viễn Vọng Kính (Telescopium).
Trong hình ảnh Hubble, IC 4709 hiện lên với một đĩa xoáy sáng đẹp mắt, chứa đầy các ngôi sao, xung quanh được bao bọc bởi một quầng sáng mờ.
Nhưng thứ gây chú ý nhất là "trái tim" sáng rực của nó.
Trái tim của các thiên hà là các lỗ đen siêu khối, thường được biết đến với cái tên "lỗ đen quái vật".
Thiên hà Milky Way (Ngân Hà) của chúng ta, một thiên hà thuộc loại to lớn trong vũ trụ, cũng sở hữu một con quái vật tên Sagittarius A* (Nhân Mã A*) ở giữa.
Sagittarius A* đã là rất lớn so với các lỗ đen trong vũ trụ, với trọng lượng khoảng 4,3 triệu Mặt Trời cộng lại.
Nhưng thứ nằm giữa thiên hà IC 4709 phải gọi là vua quái vật: Nó nặng bằng 65 triệu Mặt Trời.
Khác với "trái tim" ngủ đông của thiên hà chúng ta, lỗ đen của IC 4709 hiện đang hoạt động dữ dội, tức ăn ngấu nghiến vật chất xung quanh nó.
Điều này tạo nên một đĩa khí xoắn ốc xung quanh và cuối cùng đi vào lỗ đen này, với khí va chạm vào nhau và nóng lên khi nó quay.
Đĩa này đạt nhiệt độ cao đến mức phát ra một lượng lớn bức xạ điện từ, từ tia hồng ngoại đến ánh sáng khả kiến đến tia cực tím và cả tia X.
Để đưa đến công chúng hình ảnh đẹp mắt nhất, dữ liệu từ hai cuộc khảo sát Hubble và từ kính viễn vọng tia X/UV Swift đã được kết hợp.
Các siêu lỗ đen ở khoảng cách tương đối "gần" như thế này hứa hẹn giúp các nhà khoa học hiểu thêm về các lỗ đen ở các thiên hà xa xôi hơn, cũng là hiểu về sự tiến hóa của vũ trụ trong quá khứ.