Naomi Campbell bị cấm làm từ thiện: 'Tôi đã không kiểm soát được'
Sau khi bị tước tư cách làm người ủy thác từ thiện tại Anh và xứ Wales trong 5 năm, Naomi Campbell nói cô 'không quản lý' được tổ chức từ thiện của mình. Cô còn khẳng định mọi việc cô làm và những khoản tiền quyên góp đều dùng cho mục đích từ thiện.
Ngày 27/9, thông tin siêu mẫu Naomi Campbell bị cấm nhận ủy thác từ thiện tại Anh và xứ Wales trong 5 năm vì quản lý kém quỹ Fashion for Relief do cô đứng đầu gây xôn xao dư luận.
Theo News Sky, siêu mẫu 54 tuổi đã thành lập quỹ từ thiện Fashion For Relief từ 2005 và đã dừng hoạt động vào tháng 3/2024.
Một cuộc điều tra của cơ quan giám sát đã phát hiện ra rằng, chỉ có 8,5% tổng chi tiêu được dùng hỗ trợ cộng đồng giai đoạn sáu năm, tính từ năm 2016.
Trong thời gian đó, quỹ huy động gần 4,8 triệu bảng Anh (gần 158 tỷ đồng) từ loạt sàn diễn thời trang nhưng chỉ chuyển 389.000 bảng Anh (hơn 12,8 tỷ đồng) cho các cơ sở từ thiện.
Về các khoản chi khác, cơ quan điều tra còn phát hiện quỹ Fashion For Relief đã có khoản chi 14.800 euro (hơn 405 triệu đồng) cho chuyến bay chở một cựu giám đốc giấu tên và một nhà tài trợ giấu tên đến sự kiện gây quỹ ở Cannes vào tháng 5/2018. Trong thời gian ở đó, Campbell đã ở phòng khách sạn có giá 3.000 euro/đêm (hơn 82 triệu đồng) và chi phí an ninh cá nhân lên tới hơn 4.000 euro.
Các chi phí khác mà Campbell chi cho chuyến đi bao gồm gần 8.000 euro (hơn 219 triệu đồng) cho các liệu pháp spa, dịch vụ phòng, mua thuốc lá và các sản phẩm của khách sạn. Ủy ban phát hiện Campbell đã ở khách sạn 6 đêm, trong đó chỉ 2 đêm dành cho sự kiện từ thiện.
Phía Campbell giải thích, tất cả khoản chi không liên quan đến tổ chức do có nhà tài trợ hoàn trả chi phí sau đó. Tuy nhiên, họ không thể đưa ra bằng chứng khi cơ quan điều tra yêu cầu.
Trong diễn biến mới nhất, Naomi Campbell nói trên AP rằng, mình "không quản lý" được tổ chức từ thiện của mình.
Naomi Campbell nói "rất lo ngại" trước các thông tin sai phạm cũng như việc bị cơ quan chức năng điều tra.
"Tôi không quản lý tổ chức mà để một nhân viên pháp lý phụ trách. Chúng tôi cũng đang tiến hành tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra", Naomi nói. Cô còn khẳng định mọi việc cô làm và những khoản tiền quyên góp đều dùng cho mục đích từ thiện.
Người cùng quản lý quỹ Fashion for Relief với Naomi Campbell là Bianka Hellmich cũng bị phát hiện đã nhận 290.000 bảng Anh (hơn 9,5 tỷ đồng) tiền phí tư vấn trái phép và 26.000 bảng Anh (hơn 855 triệu đồng) mỗi năm tiền chi phí đi lại từ tổ chức từ thiện trong khoảng thời gian 2 năm. Người này cũng đã bị tước tư cách là người ủy thác từ thiện trong 9 năm.
Người ủy thác thứ ba, Veronica Chou, bị cấm trong 4 năm.
Hiện cơ quan chức năng thu hồi khoảng 344.000 bảng Anh (11,3 tỷ đồng), bảo vệ 98.000 bảng Anh (hơn 3,2 tỷ đồng) còn lại. Số tiền này sẽ được gửi đến hai tổ chức Save the Children và Mayor's Fund for London, cũng như thanh toán các khoản nợ tồn đọng.
Fashion for Relief do Naomi Campbell thành lập vào năm 2005. Quỹ được giới thiệu có mục tiêu tổ chức các sự kiện thời trang gây quỹ giúp xóa đói giảm nghèo, nâng cao sức khỏe, giáo dục và cứu trợ thiên tai.
Tổ chức này tuyên bố đã gây quỹ được hơn 11 triệu bảng Anh (362,5 tỷ đồng), chủ yếu thông qua các sự kiện gây quỹ hào nhoáng được tổ chức trên khắp thế giới, bao gồm cả ở New York (Mỹ), Mumbai (Ấn Độ) và Moskva (Nga).
Campbell luôn là tâm điểm tại các buổi dạ tiệc, xuất hiện trong những chiếc váy thiết kế ấn tượng và được Hội đồng thời trang Anh vinh danh vì những đóng góp và thành tựu của cô trong ngành thời trang năm 2019.
Nhưng những lo ngại đã được nêu ra vào năm 2021 về số tiền được chuyển cho những người có nhu cầu sau khi Quỹ Thị trưởng London nộp đơn khiếu nại chính thức, nói rằng tổ chức từ thiện này nợ 50.000 bảng Anh (1,6 tỷ đồng).
Quỹ sau đó bị điều tra. Naomi Campbell và Bianka Hellmich bị loại khỏi danh sách quản lý, bổ nhiệm đội ngũ thay thế tạm thời. Cuối cùng, Fashion for Relief bị giải thể hồi tháng 3/2024.