Nâng ý chí thoát nghèo cho người dân Đông Giang từ liên kết chuỗi giá trị
Việc liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp với 'đầu kéo' HTX được kỳ vọng sẽ nâng cao ý chí thoát nghèo cho người dân huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam). Nhất là mang lại thu nhập bền vững, vừa giúp tạo sinh kế ổn định và vừa tạo sức bật cho kinh tế của địa phương.
Minh chứng cho việc liên kết chuỗi giá trị để nâng cao ý chí cho người dân Đông Giang thoát nghèo có thể kể đến HTX lâm nghiệp Mà Cooih ở xã Mà Cooih (huyện Đông Giang) với sản phẩm tiêu biểu là ớt A Riêu.
“Đầu kéo” từ HTX
Ông Alăng Diên, Giám đốc HTX, cho biết HTX đang liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Để có nguồn nguyên liệu phục vụ cho việc chế biến, HTX đã hỗ trợ 10 hộ dân với khoảng 10.000 cây giống và hướng dẫn họ gieo trồng, sau đó thu mua sản phẩm khi thu hoạch.

HTX lâm nghiệp Mà Cooih với sản phẩm tiêu biểu là ớt A Riêu đang mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Trong việc liên kết theo chuỗi giá trị có thể kể đến việc ký kết bao tiêu sản phẩm ớt A Riêu giữa đại diện Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang và HTX Nông lâm nghiệp Mà Cooih nhằm tạo đầu ra ổn định, hỗ trợ cho người dân địa phương.
Đây cũng được xem là sự gắn kết giữa phát triển nông sản và du lịch sinh thái trên địa bàn huyện Đông Giang nhằm góp phần tôn vinh, khẳng định giá trị, nguồn gốc xuất xứ và thương hiệu ớt A Riêu, một sản phẩm đặc trưng của núi rừng Trường Sơn tại huyện Đông Giang.
Nhờ hoạt động hiệu quả của HTX này mà số hộ trồng ớt ở địa phương ngày càng tăng lên. UBND xã Mà Cooih cho biết, toàn xã có 640 hộ dân, trong đó 247 hộ nghèo, đều trồng ớt. Cạnh đó, muối ớt A Riêu đã trở thành sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao của tỉnh.
Có thể thấy việc phát triển chuỗi liên kết với vai trò “đầu kéo” của HTX lâm nghiệp Mà Cooih rất đáng khích lệ để huyện Đông Giang nhân rộng các mô hình liên kết tiêu thụ giữa người dân, HTX và doanh nghiệp. Tính đến nay toàn huyện có 12 HTX, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp và rất cần đẩy mạnh hơn nữa việc liên kết theo chuỗi giá trị.
Thực tế cho thấy chuỗi giá trị có ý nghĩa vô cùng lớn với các HTX ở Đông Giang, là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Đây cũng là mối quan tâm của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam, nên thời gian qua đã triển khai các giải pháp và có những hoạt động hỗ trợ để các HTX ở huyện này có thể phát triển mạnh ở khâu sản xuất và tăng trưởng mạnh về thị trường.
Từ định hướng của Liên minh HTX Việt Nam thì Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với chính quyền huyện Đông Giang để hỗ trợ nguồn lực cho các HTX xây dựng hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, khai thác lợi thế sản vật bản địa, kết nối liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…để nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Mang lại thu nhập bền vững
Cùng với vai trò của HTX, tính đến nay toàn huyện Đông Giang đang triển khai 21 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị như heo đen, bò, hươu sao, quế, mít, ba kích, sầu riêng với sự tham gia của hàng nghìn hộ dân. Qua đó nhằm khai phá tiềm năng, thế mạnh địa phương gắn nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện thu nhập cho người dân.

Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Nam vừađánh giá, nghiệm thu dự án chăn nuôi heo cỏ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện Đông Giang.
Thông qua các dự án liên kết này, các hộ tham gia được hỗ trợ kỹ thuật, cây con giống chất lượng và bao tiêu tiêu thụ sản phẩm. Các dự án triển khai thành công đã mang lại thu nhập bền vững cho các bên tham gia liên kết.
Đơn cử như dự án liên kết trồng quế (quy mô ban đầu 422,7ha) đã hình thành tại Đông Giang. Loại được trồng là giống quế cao sản Yên Bái, càng trồng lâu năm thì giá trị kinh tế càng cao, năm thứ 5 đã bắt đầu cho thu nhập từ việc tỉa thưa thu được lá và thân vỏ mỏng dùng nấu tinh dầu.
Dự án liên kết cho doanh thu bình quân 1ha quế tính trong chu kỳ 10 năm khoảng 1 tỷ đồng (tính với mức giá thấp nhất); trừ đi chi phí sẽ cho lợi nhuận gần 75 triệu đồng/ha/năm, cao hơn nhiều lần so với trồng cây keo (1ha keo tính chu kỳ 5 năm đạt 6 triệu đồng/ha/năm).
Hay như trong tháng 5/2025, Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Nam tổ chức họp hội đồng khoa học và công nghệ tư vấn, đánh giá, nghiệm thu cấp tỉnh dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phát triển mô hình chăn nuôi heo cỏ miền núi an toàn sinh học gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện Đông Giang”.
Hội đồng khoa học và công nghệ đánh giá dự án đã đạt được những mục tiêu đề ra. Dự án đã giúp các hộ chăn nuôi ở Đông Giang giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, nâng cao thu nhập so với phương pháp chăn nuôi truyền thống. Thông qua ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào dự án đã giúp cho người nuôi từng bước chăn nuôi heo cỏ miền núi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.
Dự án đã xây dựng mô hình chăn nuôi giống heo cỏ miền núi sinh sản với quy mô 72 con (12 con đực, 60 con cái) cho 6 hộ dân ở xã Jơ Ngây và xã Kà Dăng (Đông Giang) tại địa điểm chăn nuôi nằm trong vùng quy hoạch chăn nuôi của địa phương.
Theo đó, tổng số heo còn sống đến lúc sinh sản là 50 con heo cái giống (84,72 %) và 11 con heo đực giống (91,6%). Trung bình số heo con được sinh ra từ một heo nái là 6,2 con/lứa. Tổng số heo con được sinh ra từ mô hình sinh sản đến tại thời điểm là 755 con/3 lứa. Trọng lượng trung bình heo con lúc sinh ra là 0,45kg/con. Tổng số heo con còn sống của 3 lứa đến 2 tháng tuổi là 717/755 con (đạt 95%).
Tạo sinh kế ổn định
Hơn thế nữa, dự án chăn nuôi nêu trên đã tạo sinh kế ổn định cho người dân tham gia nên cần được nhân rộng trong thời gian tới để góp phần thoát nghèo bền vững ở huyện Đông Giang. Bên cạnh đó giúp duy trì giống vật nuôi bản địa, thúc đẩy phát triển ngành nghề chăn nuôi bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho cộng đồng cư dân miền núi.

Các sản phẩm đặc trưng của huyện Đông Giang cần được phát triển mạnh hơn nữa theo chuỗi giá trị với “đầu kéo” HTX để nâng ý chí thoát nghèo cho người dân địa phương.
Ông Nguyễn Bông, chủ nhiệm dự án này, cho biết dự án đã xây dựng mô hình liên kết với các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp trong huyện Đông Giang để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm heo cỏ thương phẩm.
Theo giới chuyên gia, việc xây dựng chuỗi giá trị là hướng đi đúng để khơi dậy ý chí thoát nghèo cho người dân huyện Đông Giang (nơi mà tỷ lệ hộ nghèo đang chiếm 29,9%). Và để mở rộng đầu ra cho nông sản, nâng cao thu nhập cho người dân và thành viên, huyện Đông Giang cần phát triển mô hình HTX sản xuất theo chuỗi giá trị. Tuy nhiên, để các chuỗi giá trị này ngày càng hoàn thiện, cần có sự chung tay của các cấp, ngành và sự nỗ lực từ chính các HTX.
Cũng nên lưu ý, mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị dù đã có bước chuyển mình, đúng hướng, nhưng còn một số khó khăn và tồn tại ở Đông Giang. Việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún là một trong những nguyên nhân khiến việc xây dựng chuỗi giá trị của các HTX hiện nay chưa mang lại hiệu quả, chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh của địa phương.
Chưa kể, đa phần các HTX đều sản xuất độc lập, đơn lẻ, chưa liên kết lại với nhau để hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn. Cho nên đây là điều mà các HTX ở huyện này cần khắc phục để có bước tiến tốt hơn trong chuỗi giá trị.
Mong rằng thời gian tới Đông Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thay đổi ý thức người dân trong việc tham gia vào HTX và thay đổi những khó khăn còn tồn tại. Nhất là đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ, phát triển những nhóm sản phẩm chủ lực có lợi thế của huyện và đáp ứng nhu cầu sản phẩm của xã hội, để từ đó tạo sức bật cho kinh tế của địa phương và nâng cao ý chí thoát nghèo cho người dân nơi đây.