Nâng tầm truyền thông chính sách

Nhiều kênh truyền thông đã được triển khai nhằm giúp người lao động được tham gia vào quá trình truyền thông chính sách một cách tích cực, hiểu được những tác động của chính sách đến nghĩa vụ và quyền lợi của mình.

Truyền thông để nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn

Thời gian qua, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, đòi hỏi công tác truyền thông chính sách phải có sự đột phá về nội dung, phương thức theo hướng chủ động, nhạy bén, toàn diện và hiệu quả hơn.

Thực tế cho thất, truyền thông chính sách có ảnh hưởng rất lớn đến người lao động bởi quá trình này tác động đến nhận thức, từ nhận thức sẽ tác động đến hành động và ứng xử của người lao động. Khi người lao động được tham gia vào quá trình truyền thông chính sách một cách tích cực, hiểu được những tác động của chính sách đến nghĩa vụ và quyền lợi của mình, được có ý kiến phản hồi với những nội dung chưa phù hợp với đại đa số người lao động, thì các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ nắm bắt và có những điều chỉnh hợp lý hơn và người lao động sẽ có niềm tin, ý thức và hành vi nghiêm chỉnh chấp hành chính sách đó.

Các chuyên gia giải đáp những vấn đề người lao động quan tâm liên quan đến chính sách.

Các chuyên gia giải đáp những vấn đề người lao động quan tâm liên quan đến chính sách.

Hiện có khá nhiều kênh truyền thông thường được các cấp công đoàn sử dụng trong truyền thông chính sách.Trước hết là kênh truyền thông báo chí trong và ngoài hệ thống công đoàn. Hiện nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trực tiếp quản lý 2 cơ quan báo chí (Báo Lao động, Tạp chí Lao động và Công đoàn) và 1 Cổng Thông tin điện tử Công đoàn Việt Nam. Các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Công đoàn ngành trung ương và tương đương đang chỉ đạo, quản lý 1 báo và 6 tạp chí; 74 trang thông tin điện tử.

Nhằm phát huy hiệu quả thông tin nhanh, kịp thời của cơ quan báo chí, truyền thông quốc gia, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ký Chương trình phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân,... mở chuyên trang, chuyên mục về Lao động và Công đoàn.

Bên cạnh đó là kênh truyền thông mạng xã hội. Các mạng xã hội như Zalo, Facebook, Youtube… đều có các fanpage của Công đoàn Việt Nam.

Xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng ưu thế của mạng xã hội để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, qua đó góp phần tuyên truyền hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam được các cấp công đoàn sử dụng hiệu quả.

Có thể thấy, việc tận dụng truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội là vô cùng quan trọng. Trong bối cảnh bùng nổ công nghệ như hiện nay, có thể khẳng định các nền tảng mạng xã hội như: Zalo, Facebook… đã giúp công đoàn có thêm một kênh thông tin nắm tình hình tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của đoàn viên, người lao động; giúp cho công tác chỉ đạo, định hướng xử lý những vướng mắc phát sinh trong lao động tại các doanh nghiệp được kịp thời, hiệu quả. Ngoài ra còn giúp công đoàn tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí cho công tác tuyên truyền, định hướng; thúc đẩy sự học hỏi trong tổ chức hoạt động…

Hiện, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang quản lý 1 Fanpage Công đoàn Việt Nam. Còn công đoàn cấp trên cơ sở quản lý 800 fanpage; Công đoàn cơ sở quản lý trên 19.000 fanpage.

Một kênh truyền thông khác đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn, đó là kênh truyền thông trực tiếp gồm: Hệ thống loa truyền thanh, bảng tin nội bộ của doanh nghiệp, báo cáo viên của tổ chức Công đoàn, tài liệu…

Kết nối đối thoại vì người lao động

Gần đây, kênh đối thoại xã hội gắn với truyền thông chính sách ngày càng được quan tâm triển khai nhiều hơn. Hàng năm, các cấp công đoàn tổ chức chương trình gặp gỡ, đối thoại giữa người lao động với các cấp chính quyền, người sử dụng lao động để trình bày những vấn đề cùng quan tâm liên quan đến chính sách, pháp luật, kinh tế - xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của người lao động.

Thông qua kênh đối thoại xã hội, các cấp công đoàn có thể tuyên truyền, phổ biến những chính sách có tác động lớn đến người lao động.

Cũng nhằm thúc đẩy truyền thông chính sách đến đông đảo người lao động, những năm qua, Báo Lao động Thủ đô đã và đang có nhiều đổi mới và phát triển, nâng cao chất lượng các ấn phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị, truyền thông đến công đoàn, công nhân lao động. Đặc biệt, Báo đã làm tốt vai trò tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo, những điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực đời sống xã hội; nhất là về đoàn viên, người lao động.

Người lao động bày tỏ những băn khoăn trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật.

Người lao động bày tỏ những băn khoăn trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật.

Mỗi năm, Báo phối hợp với các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức nhiều buổi đối thoại về những chính sách pháp luật trực tiếp liên quan đến người lao động. Thông qua công tác phối hợp tuyên truyền đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc trong nhận thức của cán bộ đoàn viên, người lao động; đưa giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn phát triển ngày càng lớn mạnh.

Vừa mới đây, Báo đã phối hợp với Liên đoàn Lao động quận Cầu Giấy tổ chứcbuổi Đối thoại - Giao lưu trực tuyến - Truyền thông chính sách năm 2024 với chuyên đề “Những điểm mới về tiền lương, bảo hiểm xã hội và an toàn vệ sinh lao động”. Chương trình thu hút gần 300 đoàn viên Công đoàn và người lao động quận Cầu Giấy tham gia.

Theo Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình, chương trình Đối thoại - Giao lưu trực tuyến nhằm kịp thời trang bị cho người lao động kiến thức pháp luật, nhất là những chế độ, chính sách pháp luật mới được điều chỉnh, bổ sung liên quan đến tiền lương, bảo hiểm xã hội, giúp người lao động nắm rõ và có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình khi cần thiết đồng thời nhằm trang bị các kiến thức pháp luật về an toàn vệ sinh lao động để nâng cao nhận thức cho người lao động trong vấn đề này.

Trực tiếp tham dự buổi đối thoại và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy đánh giá, chương trình đối thoại trực tiếp và trực tuyến do Báo Lao động Thủ đô tổ chức là một hình thức tuyên truyền có tính hiệu quả cao. Trong bối cảnh tình hình mới, công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức pháp luật cho đoàn viên, người lao động ngày càng có vai trò quan trọng và được LĐLĐ thành phố Hà Nội xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công đoàn, được triển khai thường xuyên, liên tục.Thông qua công tác này góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.

Thực tế cho thất, truyền thông chính sách có ảnh hưởng rất lớn đến người lao động bởi quá trình này tác động đến nhận thức, từ nhận thức sẽ tác động đến hành động và ứng xử của người lao động. Khi người lao động được tham gia vào quá trình truyền thông chính sách một cách tích cực, hiểu được những tác động của chính sách đến nghĩa vụ và quyền lợi của mình, được có ý kiến phản hồi với những nội dung chưa phù hợp với đại đa số người lao động, thì các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ nắm bắt và có những điều chỉnh hợp lý hơn và người lao động sẽ có niềm tin, ý thức và hành vi nghiêm chỉnh chấp hành chính sách đó.

Hà Phong

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nang-tam-truyen-thong-chinh-sach-172416.html
Zalo