Nâng tầm nông sản Đồng Nai – Kỳ 1: Rộng đất, dày tiềm năng nhưng chưa 'hóa vàng'
Mùa vụ 2025, nông dân Đồng Nai tiếp tục đối mặt tình cảnh 'được mùa mất giá'. Giá xoài, mít, bưởi, sầu riêng... rớt thảm, người trồng trắng tay, bỏ hoang vườn trái. Một mùa trái cây nữa 'đắng ngắt', nỗi lo rớt giá lặp lại theo vòng luẩn quẩn chưa có lối thoát.
Trái cây "rớt đáy", người nông dân chịu lỗ
Những ngày đầu tháng 7, không khí tại vùng trồng trái cây trọng điểm của tỉnh Đồng Nai như xã Định Quán, xã La Ngà, xã Xuân Lộc, xã Tân Phú, xã Trị An, xã Phú Riềng, xã Bù Đăng, phường Phước Bình... trở nên nặng trĩu. Vào thời điểm lẽ ra là cao điểm thu hoạch, nhiều vườn trái lại rơi vào cảnh ảm đạm đến xót xa.
Tại xã Trị An (tỉnh Đồng Nai), ông Trần Văn Bảy (hộ nông dân có gần 3 ha xoài Đài Loan) chỉ biết ngậm ngùi nhìn xoài chín rụng đầy gốc.
"Mọi năm tôi thu được khoảng vài chục tấn, bán giá cao thì cũng còn lời. Năm nay chỉ thu được phân nửa mà thương lái trả giá 5.000 đồng/kg rồi bỏ cọc, không tới thu. Mấy ngày rồi xoài rụng gần hết, giờ hái bán cũng không đủ tiền thuê nhân công", ông Bảy buồn bã.

Xoài chín rụng la liệt dưới gốc cây trong một vườn xoài tại Đồng Nai, gây thiệt hại nặng nề cho nhà vườn giữa lúc giá xoài rớt thảm chưa từng có.
Cũng tại xã La Ngà, ông Lê Văn Sỹ cho hay, 5 tấn xoài Úc của gia đình ông không tìm được người mua, dù chỉ mong bán với giá vài ngàn đồng/kg. "Giống xoài Úc trong nước không ưa chuộng mà xuất khẩu thì không đi được. Trái rụng rồi cũng chẳng biết làm gì ngoài để thối", ông nói.
Không riêng gì xoài, mít Thái từng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực nay cũng rơi vào cảnh "giá rẻ như cho".
Tại xã Xuân Bắc, Bà Lê Thị Ngọc Tuyết (42 tuổi) vừa phải chặt bỏ một phần diện tích 2 ha mít Thái để chuyển sang cây trồng khác. "Mít loại xuất khẩu giờ chỉ giao động trên dưới 5.000 đồng/kg, còn bán xô thì giá thấp hơn mà vẫn không ai mua. Có khi còn cho dê, bò ăn để đỡ phí", bà Tuyết ngán ngẩm.
Cùng cảnh, ông Nguyễn Văn Thành (ngụ phường Tân Triều), người dân trồng bưởi, than thở: "Mấy năm gần đây, giá cả càng ngày càng đi xuống, năm nay thương lái chỉ trả giá giao động 10.000 đồng/kg mà còn kén chọn trái. Tôi hái cả tấn bưởi mà thu về chỉ khoảng 10 triệu đồng, trong khi tiền phân, thuốc, nhân công mỗi vụ phải lên đến vài chục triệu đồng. Bán bưởi xong không đủ mua nổi mấy bao phân cho vụ sau".

Dù trái đạt chuẩn nhưng giá bán quá thấp khiến thu nhập không đủ bù chi phí đầu tư, phân bón, nhân công… dẫn đến nguy cơ không đủ vốn tái vụ tiếp theo.
Theo ông Thành, năm 2025, giá phân lên cao, như phân DAP đã lên hơn 900.000 đồng/bao, thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng 20 – 30%, khiến nhà vườn "chịu lỗ kép" giá bán thấp, đầu vào cao. Thậm chí nhiều hộ phải để bưởi chín rụng dưới gốc vì "bán không ai mua, hái càng lỗ".
Gia đình ông Trần Văn Lợi, xã Phú Riềng có hơn 500 cây sầu riêng đang cho trái. Ông Lợi than thở, cây sầu riêng nhà ông khoảng 9 năm tuổi mọi năm cho sản lượng khoảng 50-100kg mỗi cây, năm nay dự kiến sẽ giảm đáng kể, nguyên nhân do thời tiết năm nay mưa gió nhiều, bông không được đạt như mọi năm.
Mình chăm cũng ổn định nhưng mưa gió quá, thời tiết không theo ý mình nên sâu, nấm nhiều. Phân bón, thuốc cũng bỏ và xịt nhiều nhưng không đạt là do thời tiết. Cả năm làm vườn chỉ mong đến lúc thu hoạch nhưng lại gặp mưa to gió lớn nên rất lo.

Gia đình ông Trần Văn Lợi có hơn 500 cây sầu riêng đang cho trái.
Theo ghi nhận Người Đưa Tin, giá xoài tại Đồng Nai hiện chỉ còn từ 1.000 – 5.000 đồng/kg (tùy loại), trong khi đầu vụ từng đạt 18.000 – 30.000 đồng/kg. Giá sầu riêng xô 15.000 – 40.000 đồng/kg (tùy loại), bưởi 8.000 – 23.000 đồng/kg (tùy loại) cũng chung cảnh ngộ, nhiều vườn phải để chín rục.
Không thể mãi trông chờ "giải cứu"
Theo thống kê, Đồng Nai (cũ) hiện có hơn 78 ngàn ha cây ăn trái, trong đó diện tích lớn tập trung ở chuối (16.700ha), xoài (11.600ha), sầu riêng (11.500ha) và bưởi (10.300ha).
Còn theo Cục Thống kê tỉnh Bình Phước (cũ) tháng 1/2025, diện tích cây lâu năm trên địa bàn tỉnh là 438.013ha.
Đối với cây công nghiệp lâu năm chủ lực của tỉnh Bình Phước (cũ) như: Cao su, cà phê, cây tiêu, cây điều với tổng diện tích hiện có 418.328 ha, chiếm 95,50% trên tổng diện tích cây lâu năm của toàn tỉnh. Còn lại là diện tích cây ăn trái như: Cam, quýt, bưởi, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, dứa, chuối, xoài...
Sau hợp nhất, tỉnh Đồng Nai mới nằm trong top đầu cả nước cả về quy mô dân số cũng như quy mô nền kinh tế. Trong đó, diện tích của tỉnh gần 12,8 ngàn km², đứng thứ 9 cả nước.
Tuy nhiên, hầu hết vẫn là sản phẩm tươi chưa qua chế biến, phụ thuộc lớn vào xuất khẩu thô, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Một nguyên nhân lớn khiến trái cây rớt giá chính là dư thừa nguồn cung, lệ thuộc đầu ra xuất khẩu, trong khi thị trường đang ngày càng siết chặt hàng rào kỹ thuật.
Ngay cả thị trường dễ tính như Trung Quốc cũng yêu cầu khắt khe về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật và truy xuất nguồn gốc. Những yêu cầu này khiến nhiều lô hàng bị ách tắc.

Nông dân neo trái sầu riêng trên cây, chưa vội thu hoạch – kỳ vọng giá sẽ tăng trong những ngày tới để gỡ gạc phần nào chi phí đầu tư và công chăm sóc suốt vụ mùa.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện vẫn thiếu hệ thống kho lạnh, bảo quản sau thu hoạch. Trái cây tươi nếu không bán được gần như chỉ có thể bỏ. Trong khi đó, chế biến sâu chìa khóa giúp kéo dài vòng đời sản phẩm vẫn chưa phát triển tương xứng.
Không thể mãi "giải cứu nông sản" mỗi khi giá rớt. Bài học từ xoài, sầu riêng, mít năm 2025 vẫn còn nguyên tính thời sự. Khi mà mỗi khi nông sản được giá, người dân lại đổ xô trồng tự phát, thiếu điều tiết, thiếu tính liên kết, dẫn đến sản xuất nông sản không đạt chuẩn, hàng loạt lô hàng bị trả về.
Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Nguyễn Văn Mười nhận xét, cây trồng nào xuất khẩu tốt, có giá cao là nông dân đua nhau trồng, không quan tâm đến quy hoạch, định hướng thị trường.
Theo ông, nông dân vẫn trồng cây theo kinh nghiệm nên mỗi vườn một kiểu. Để mặt hàng trái cây tươi đáp ứng tiêu chuẩn thị trường xuất khẩu, phải xây dựng quy trình chuẩn từ khâu giống, sản xuất an toàn đến đóng gói, sơ chế, chế biến, tiêu thụ.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Ngô Anh Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Sản xuất Thuận Phát (xã La Ngà, tỉnh Đồng Nai) cho biết: "Từ đầu năm đến nay, không chỉ trái cây tươi mà cả hàng chế biến cũng gặp khó. Nhu cầu yếu, giá nguyên liệu lại không ổn định nên doanh nghiệp không dám đầu tư lớn".
Thực tế, Đồng Nai có nhiều lợi thế về khí hậu, đất đai để phát triển cây ăn trái. Nhưng nếu không thay đổi cách làm, không phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến thì bài toán "được mùa mất giá" sẽ còn tái diễn.
Hiện tại, trái cây chủ yếu vẫn xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch hoặc tiêu thụ nội địa. Để nâng tầm sản phẩm, Đồng Nai cần hình thành chuỗi sản xuất sạch gắn với 5 nhà "nông dân – doanh nghiệp – khoa học – ngân hàng – chính quyền".
Cùng với đó, phải đẩy mạnh chế biến sâu, tận dụng nguồn nguyên liệu để sản xuất nước ép, xoài sấy, kẹo... Chỉ khi trái cây có giá trị gia tăng và đầu ra ổn định, người trồng mới bớt lao đao mỗi mùa thu hoạch.
Hiện tại, nhiều nhà vườn tại Đồng Nai đang phải neo trái, chờ giá lên. Như ông Đoàn Tấn Thành (phường Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) phải "neo" sầu riêng chờ thêm vài ngày vì giá thấp hơn năm ngoái 15–20 ngàn đồng/kg. Nhưng "neo" cũng chỉ được ít lâu, nếu không bán sớm trái chín rụng thì càng lỗ nặng.
Mỗi mùa vụ qua đi, người nông dân lại thêm phần mệt mỏi vì giá cả bấp bênh. Xoài, mít, bưởi, sầu riêng... những loại trái cây từng mang lại thu nhập cao, nay trở thành gánh nặng khi rơi vào vòng xoáy cung vượt cầu, xuất khẩu bế tắc.