Nâng tầm lưu trú, khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp du lịch TP.HCM

Chiều 17/7, ITPC và Sở Du lịch TP.HCM đã tổ chức hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp du lịch nhằm giải đáp khó khăn. Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã đề cập đến việc hỗ trợ chính sách và phát triển sản phẩm du lịch để thu hút du khách.

Hội nghị thu hút hơn 250 đại diện của các doanh nghiệp đăng ký tham dự, tiếp nhận và giải đáp hơn 30 câu hỏi của doanh nghiệp liên quan đến các vấn đề về quy hoạch tổng thể phát triển khách sạn trên địa bàn TP.HCM...

Chất lượng cơ sở lưu trú tại Thủ Đức

Tại hội nghị, đại diện Công ty Á Châu cho biết Thủ Đức chưa có khách sạn đạt chuẩn 3 sao, ảnh hưởng đến việc thu hút khách du lịch.

Đại diện Phòng Quản lý Cơ sở Lưu trú Du lịch (Sở Du lịch TP.HCM) cho biết hiện TP.HCM có khoảng 3.200 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó hơn 200 đơn vị được thẩm định từ 1 đến 5 sao với 15.000 phòng đạt tiêu chuẩn.

Đại diện công ty Á Châu đặt câu hỏi về chất lượng lưu trú tại TP Thủ Đức

Đại diện công ty Á Châu đặt câu hỏi về chất lượng lưu trú tại TP Thủ Đức

Tại TP Thủ Đức, bên cạnh các khách sạn, các loại hình lưu trú như căn hộ du lịch và homestay nghỉ dưỡng đang phát triển nhanh. Tuy nhiên, nhiều khách sạn không đủ điều kiện từ 3 sao trở lên theo Luật Du lịch năm 2017, do thiếu các tiêu chí bắt buộc như phòng họp và hội nghị đạt tiêu chuẩn.

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết các cơ sở lưu trú đáp ứng yêu cầu có thể gửi hồ sơ đề nghị công nhận hạng sao. Sở sẽ phối hợp với Hiệp hội Du lịch TP, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện để thẩm định và công nhận hạng sao.

Vấn đề giá dịch vụ và vay vốn

Tại hội nghị, một số doanh nghiệp nêu băn khoăn về chính sách ưu đãi thuế và tiếp cận vốn vay. Đại diện Công ty Việt Mỹ Tours cho biết vốn lưu động bị "chôn" ở các booking đặt cọc vé máy bay rất lớn lên đến hàng chục tỷ , khiến doanh nghiệp khó vay vốn để duy trì dòng tiền.

Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

Đại diện Công ty Alla Travel cho biết, giá dịch vụ du lịch, đặc biệt là giá phòng khách sạn thường xuyên thay đổi, tăng cao khiến doanh nghiệp lữ hành gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng tour du lịch cho khách hàng.

Đại diện Sở Du lịch TP.HCM cho biết, hiện nay, theo quy định của Thông tư 233/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính, các cơ sở lưu trú du lịch cần kê khai giá cung cấp dịch vụ.

Tuy nhiên, các đơn vị được phép giảm giá so với giá đã kê khai trong các chương trình kích cầu du lịch hoặc theo chính sách ưu đãi theo mùa vụ. Doanh nghiệp cần lưu ý theo dõi và cập nhật thông tin giá cả thị trường để xây dựng tour du lịch phù hợp, đồng thời tìm kiếm các giải pháp huy động vốn hiệu quả để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu cho biết từ ngày 1/7/2024, thuế VAT sẽ trở về mức ban đầu. Để hỗ trợ doanh nghiệp, Sở Du lịch TP sẽ kiến nghị Cục Thuế TP nghiên cứu chính sách hỗ trợ phù hợp. Về vay vốn, Sở Du lịch sẽ kiến nghị Cục Thuế và Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp.

Để đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam nói chung và thành phố TP.HCM nói riêng, ngày 28/6/2024, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 43/2024/TT-BTC về mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong đó giảm 50% Phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch; Phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa.

Hoàng Anh

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-hay/nang-tam-luu-tru-khoi-thong-dong-von-cho-doanh-nghiep-du-lich-tphcm-c17a78420.html
Zalo