Nắng soi hạt mưa

Khi cái nắng gay gắt dịu dần, trời đã vào thu tự khi nào. Miền Trung hai mùa mưa nắng, tiết thu không rõ nét nhưng vẫn hiện hữu trên mỗi chiếc lá đổi màu thay áo, trong những tia nắng ẩm và làn gió chiều hiu hiu… Trời cứ giữ nét dịu nhẹ như thế đến qua trung thu, khoảng cuối tháng 9 đầu tháng 10 là vào mùa mưa.

Thu đến nên ngay cả trong từng cơn mưa bất chợt cũng là mưa trong nắng. Từng hạt mưa như đụm nước nhỏ rơi lộp độp xuống đường. Nhìn lên bầu trời, nắng vẫn còn đó xuyên qua từng đám mây soi rõ bóng người. Nắng xuyên qua cả những hạt mưa đang theo nhau đổ xuống. Từng hạt mưa vốn trong vắt như thủy tinh giờ có thêm sắc vàng cuối chiều của nắng.

Nắng cứ nắng, mưa cứ mưa, người đi đường ngập ngừng không biết nên mặc áo mưa hay đợi đám mây xám đang lững thững kia trôi qua. Mưa bóng mây, thoảng nhanh theo gió, chưa kịp nhận ra con đường này mưa vừa lướt qua đã thấy ướt hết cả một đoạn dài. Mưa qua, bầu trời lập tức trong xanh trở lại điểm tô thêm cầu vồng 7 sắc lung linh phía xa xa.

Vợ tan tầm muộn. Anh thay chị hối hả tới trường đón con kịp trước giờ đóng cổng. Hai cha con tạt qua chợ xổm ngoài bến cá chờ ghe về mua ít đồ tươi. Mưa bất chợt đổ xuống, từng hạt mưa to nhưng thưa không đủ làm ướt áo. Lo con dính mưa, anh vội tìm cửa hàng tạp hóa gần đó tấp vào. Như một thói quen, thằng nhỏ chui ngay vào áo ba trú mưa, chỉ thò bàn tay nhỏ ra thích thú chờ hứng trúng giọt nước lớn. Liếc gương chiếu hậu nhìn ra sau, anh mỉm cười.

Anh nhớ ngày con 2 tuổi, lúc đó đang đưa con ra thị trấn cắt tóc. Trời cũng vào độ mưa nắng như thế này. Trẻ nhỏ mẫn cảm với thời tiết dễ ốm lúc giao mùa nên vợ dặn đi dặn lại anh cho áo mưa vào cốp xe khi ra khỏi nhà mà anh lại hay quên. Đang đi đường không biết phải làm sao, anh liền cởi áo khoác vào cho con, hy vọng mưa chỉ kịp ướt lớp áo ngoài của anh là cha con đã về tới nhà. Không biết có phải cha và con trai ngầm quy định với nhau hay không mà từ đó mỗi khi đi trên đường gặp mưa là thằng con lại chui vô áo ba. Anh từ đó cũng thường hay mặc áo phông lớn, đủ rộng để có cả chỗ cho con.

Vợ anh cũng vậy, một lần đi đón con về, nhìn đầu anh ướt mưa mà không thấy con đâu thì hốt hoảng và nóng giận. Trái với những lo lắng của chị, thằng con nghe thấy tiếng mẹ thì chui đầu ra khỏi áo ba, cười tươi rói lộ ra hàm răng còn chưa mọc đủ… Nụ cười đồng minh thích thú của hai cha con khiến từ đó chị xua đi nỗi lo con ốm vì mưa.

Nắng tháng 9, nắng cuối mùa nên lúa từ đồng nối đuôi nhau về trải đều ra sân nhà văn hóa và phơi dọc đường bê tông. Bọn trẻ trong làng cũng khấp khởi niềm vui về một mùa trung thu đang tới gần. Ngoài thị trấn hàng quán cũng bắt đầu bày bán đèn ông sao, đầu kỳ lân, mặt nạ ông địa… Trong làng, ánh trăng ngày một sáng và tròn hơn. Bọn trẻ cũng bắt đầu tụ tập lại, đứa nhỏ theo đứa lớn học mấy kiểu múa lân để đêm rằm biểu diễn trên sân khấu và rồng rắn kéo nhau đi khắp từng nhà. Con anh năm nay 4 tuổi, lần đầu một mình tham gia với các anh chị trong xóm. Cu cậu háo hức lắm, đêm ngủ ôm theo cả đầu kỳ lân và cười thành tiếng trong chiêm bao.

Như mọi năm, năm nay thu hoạch lúa xong, ngoại Bốn bắt đầu rửa khuôn để khô ráo sạch sẽ chuẩn bị làm bánh. Mới có thêm cháu ngoại, vậy là tính cả nội ngoại, trung thu này ngoại Bốn có tới 12 đứa cháu. Ngoại tính rồi sẽ làm đủ vị từ bánh trung thu nhân đậu xanh, khoai môn đến bánh nhân trứng vị thuốc bắc, vị thập cẩm... Từ khuôn bánh nhỏ xíu vừa tay cô cháu gái vài tháng tuổi đến những chiếc bánh trung thu to bằng cái đĩa cỡ lớn để bọn trẻ túm tụm lại chờ cắt bánh chia phần… đón tết Trung thu.

BẠCH VÂN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/320405/nang-soi-hat-mua.html
Zalo