Nắng nóng kéo dài, nhiều người phải nhập viện

Nắng nóng kéo dài đỉnh điểm nhiều ngày qua tại miền Bắc, miền Trung đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân, nhiều người phải nhập viện bởi đột quỵ, viêm đường hô hấp, viêm phổi, viêm màng não… Nhiều người lao động ngoài trời nắng nhiều giờ, do chủ quan không uống đủ nước, không có thiết bị bảo hộ chống nắng đã bị sốc nhiệt, suy thận cấp.

Uống không đủ nước dẫn tới suy thận

Tuy đã 71 tuổi nhưng ông T.T.A (Hà Nội) vẫn phải làm việc mưu sinh. Cách đây vài ngày, ông đi làm ruộng từ 7h sáng đến trưa giữa thời tiết nắng nóng. Trong suốt thời gian này, ông chỉ mang theo 500ml nước để uống. Sang ngày hôm sau, ông thấy mệt mỏi, khó chịu, nôn cả khi ăn và uống nước. Ông được gia đình đưa vào cơ sở y tế gần nhà và được chẩn đoán bị suy thận cấp do thiếu nước. Sau 1 ngày điều trị, bệnh suy thận của ông xuất hiện biến chứng, tiên lượng phải lọc máu nên được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.

TS Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng Khoa Nội thận – Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho hay, nắng nóng đỉnh điểm như mấy ngày nay, nếu chỉ làm việc trong môi trường bình thường, không quá nặng nhọc, mỗi ngày 1 người phải bù 3-4 lít nước. Với người làm việc trong môi trường khắc nghiệt như bệnh nhân A chỉ uống có 500ml suốt buổi sáng là quá ít dẫn đến tình trạng nêu trên. “Giai đoạn nắng nóng cao điểm tiềm ẩn nguy cơ gia tăng người bệnh suy thận cấp do mất nước. Bằng chứng là trong 2 tháng nắng nóng cao điểm năm 2023, Khoa chúng tôi đã tiếp nhận 5 bệnh nhân suy thận do mất nước”, TS Tuyên cho biết.

Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cũng tiếp nhận một số bệnh nhân bị rối loạn điện giải, suy thận cấp do cơ thể mất nước khi lao động ngoài trời nắng nóng nhiều giờ. Điển hình là bệnh nhân L.V.T (46 tuổi, trú tại huyện Bắc Yên, Sơn La) làm nghề xây dựng, làm việc thời gian dài ngoài trời nắng nóng nhưng bù nước không đủ, được đưa tới bệnh viện cấp cứu trong tình trạng co rút các cơ toàn thân, đặc biệt vùng bắp chân, huyết áp tăng. Hay trường hợp khác là bệnh nhân Đ.V.T (64 tuổi, trú tại TP Hạ Long, Quảng Ninh) làm nghề đi biển, nhập viện với biểu hiện tê bì chân tay, chuột rút liên tục, đau cơ. Cả hai trường hợp này đều có kết quả xét nghiệm cô đặc máu, tăng men gan, suy thận cấp do không bù đủ nước khi làm việc liên tục ngoài trời ở nhiệt độ cao.

Theo BS Lương Minh Tuyến, Phó trưởng Khoa Thận lọc máu, Bệnh viện Bãi Cháy, nguy hiểm hơn của những trường hợp mất nước, rối loạn điện giải khi làm việc ngoài trời nắng nóng nhiều giờ là biến chứng suy thận cấp, sốc nhiệt, hôn mê và có thể tử vong. Những trường hợp nhẹ có thể điều trị khỏi, nặng có thể phải lọc máu, điều trị hồi sức tích cực.

Nắng nóng kéo dài khiến nhiều người phải nhập viện.

Nắng nóng kéo dài khiến nhiều người phải nhập viện.

Cảnh báo đột quỵ, sốc nhiệt

Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, vào thời điểm nắng nóng như những ngày vừa qua, số bệnh nhân đến khám vì viêm đường hô hấp, viêm phổi gia tăng. Trung bình 1 ngày, Khoa Khám bệnh có từ 1.200-1.500 người tới khám. Chị Phạm Thị Thành (Đống Đa, Hà Nội) đưa con gái 16 tuổi đến khám cho biết: “Mới đầu cháu chỉ viêm họng, sau ho, kèm sốt, uống hạ sốt và kháng sinh không đỡ”. Theo chị Thành, do con đi trời nóng về, vào điều hòa ngay và uống nhiều nước đá nên bị viêm họng.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều người cao tuổi đến khám, đặc biệt là người có bệnh nền, bệnh mãn tính như phổi tắc nghẽn mãn tính, cao huyết áp... Nhu cầu sử dụng điều hòa của người dân tăng cao vào ngày nắng nóng, do chênh lệch nhiệt độ nhiều với bên ngoài, việc dùng điều hòa thời gian dài, để nhiệt độ thấp, niêm mạc mũi họng bị khô gây viêm đường hô hấp. Những người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nằm điều hòa rất dễ viêm phổi, bội nhiễm khiến tình trạng nặng phải nhập viện.

Theo các bác sĩ, thời tiết chỉ tăng thêm 1 độ, nguy cơ đột quỵ có thể tăng 10%. Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai mỗi ngày tiếp nhận 50-60 ca đột quỵ nặng chủ yếu do tuyến dưới chuyển lên. Với người có bệnh nền huyết áp, tim mạch càng phải cảnh giác trong mùa hè nắng nóng đỉnh điểm. Theo BS Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, người dân nếu làm việc hoặc hoạt động ngoài trời nắng nóng, phải có trang thiết bị hỗ trợ (mũ, nón, áo…) và để cơ thể thích nghi dần với môi trường khắc nghiệt. Nếu thời tiết nắng nóng mà làm việc ngoài trời kéo dài thì cần phải có khoảng thời gian nghỉ ngơi dưới bóng mát gốc cây, uống đủ nước, nếu không sẽ có nguy cơ bị sốc nhiệt, lả nhiệt, biến cố tim mạch, đột quỵ.

Đối với bệnh nhân bị huyết áp cao, tim mạch, bác sĩ khuyến cáo phải tuyệt đối tuân thủ điều trị của bác sĩ, uống thuốc huyết áp hàng ngày, đo huyết áp thường xuyên, khi hoạt động dưới trời nắng nóng cần hết sức cảnh giác để huyết áp không tăng cao đột ngột gây nguy cơ đột quỵ. Trung tâm Đột quỵ đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị huyết áp cao nhưng không điều trị, hoặc có điều trị nhưng bỏ, không uống thuốc, vào thời điểm mùa hè, đi lại, làm việc dưới trời nắng, huyết áp tăng cao lên tới 200mmHg -230mmHg gây đột quỵ. Có người chưa kịp đến bệnh viện đã tử vong.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân trong điều kiện nắng nóng như hiện nay cần chú ý đến điều kiện tập luyện, nên tránh thời điểm nắng nóng nhất thường từ 12h đến 16h, nên chọn sau thời điểm này, nhiệt độ dịu hơn. Không nên luyện tập, làm việc quá sức, nhiệt độ cơ thể tăng cao quá vượt ngưỡng chịu đựng của cơ thể có thể gây ra đột quỵ hoặc sốc nhiệt.

Ngoài ra, phải từ bỏ thói quen dùng rượu, bia để giải khát khi nóng hay việc ngồi phòng máy lạnh rồi đi ra ngoài nắng hoặc ngược lại khiến nhiệt độ thay đổi đột ngột, cơ thể chưa kịp thích nghi, hoặc tắm nước lạnh ngay sau khi đi nắng về... cũng đều là những nguy cơ làm tăng tình trạng sốc nhiệt, đột quỵ.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-doc-cand/nang-nong-keo-dai-nhieu-nguoi-phai-nhap-vien-i735249/
Zalo