Nắng nóng đặc biệt gay gắt ở Bắc Bộ và Trung Bộ khi nào kết thúc?

Bắc Bộ và Trung Bộ đang chịu đựng đợt nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt kéo dài nhiều ngày. Dự báo từ ngày 22 đến 23-6, nắng nóng ở khu vực này có khả năng giảm dần

Nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt với cơ thể

Nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt với cơ thể

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày hôm qua, ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 35-39 độ C, có nơi trên 39 độ như: TP Hòa Bình 39,6 độ, Láng (Hà Nội) 39,2 độ, Tĩnh Gia (Thanh Hóa) 39,6 độ, Đô Lương (Nghệ An) 40 độ, TP Hà Tĩnh 39,5 độ,…; độ ẩm tương đối thấp nhất ngày phổ biến 45-55%.

Ngày 20 và 21-6, khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình và từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36-39 độ, có nơi trên 39 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 40-45%.

Khu vực vùng núi, trung du Bắc Bộ và từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 50-60%

Lưu ý, nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa.

Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Từ ngày 22 đến 23-6, nắng nóng ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng giảm dần.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết qua theo dõi, phân tích hiện trạng hệ thống thời tiết và các sản phẩm dự báo, khoảng ngày 22 đến 23-6, trên khu vực bắc và giữa Biển Đông có khả năng hình thành một vùng áp thấp.

Vùng áp thấp này sau đó mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới khoảng 65 - 75% và mạnh lên thành bão khoảng 20 - 30%

Khoảng ngày 23 đến 25-6, áp thấp nhiệt đới/bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực bắc và giữa của Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và khu vực vịnh Bắc bộ.

Như vậy, đây sẽ là cơn áp thấp nhiệt đới/bão thứ 2 của nước ta trong năm 2024. Trước đó, cơn bão số 1 của năm 2024 hình thành vào ngày 31-5 rồi đổ bộ vào Trung Quốc.

Văn Duẩn

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nang-nong-dac-biet-gay-gat-o-bac-bo-va-trung-bo-khi-nao-ket-thuc-196240620090109985.htm
Zalo