Nâng mức xử phạt, nâng cao ý thức
Sau hơn một tuần triển khai Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ, cho thấy những chuyển biến tích cực về ý thức chấp hành giao thông của người dân. Mặc dù vẫn còn những ý kiến trái chiều, nhưng việc tăng cường xử phạt giao thông ở mức cao chính là phép thử cho ý thức tuân thủ pháp luật của mỗi công dân, hướng tới một xã hội an toàn, văn minh, thượng tôn pháp luật.
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Nghị định 168/2024/NĐ- CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1-1-2025. Sau hơn một tuần thực thi, tình hình giao thông trên các tuyến đường trong tỉnh đã dần đi vào nề nếp, đặc biệt người tham gia giao thông đã nghiêm túc chấp hành tín hiệu đèn giao thông. Tại nhiều tuyến đường, các phương tiện tham gia giao thông nghiêm túc sắp hàng chờ qua giao lộ theo đúng tín hiệu đèn, không còn tình trạng lấn tuyến như trước đây. Điều đáng mừng là người điều khiển phương tiện đã có ý thức hơn, không bấm còi hoặc tỏ thái độ bực dọc khi phải chờ đèn đỏ.
Điểm đáng lưu ý của Nghị định 168/2024/NĐ-CP là tăng mức xử phạt một số hành vi vi phạm pháp luật giao thông; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe. Thực tế cho thấy, mức phạt đối với các hành vi vi phạm luật giao thông trước đây còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, dẫn đến tình trạng vi phạm giao thông phổ biến, làm gia tăng các vụ tai nạn giao thông vào một số thời điểm trong năm, đặc biệt là vào các dịp lễ, tết. Việc tăng mức xử phạt đi kèm với trừ điểm giấy phép lái xe là phù hợp với xu thế chung của thế giới, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn, văn minh.
Qua hơn một tuần thực thi Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ cũng cho thấy những hạn chế cần được khắc phục cả về thông tin tuyên truyền và hạ tầng giao thông. Theo đó, về phía người tham gia giao thông, do thiếu thông tin về những hành vi sẽ bị xử phạt, tham gia giao thông theo thói quen, trong khi nhiều tuyến đường còn thiếu biển báo, dẫn đến bị xử phạt; tình trạng ùn tắc giao thông cũng đã diễn ra tại một số giao lộ do tín hiệu đèn có sự cố. Cùng với đó, do căng cứng tâm lý sợ bị xử phạt, rất nhiều người điều khiển phương tiện chủ động dừng trước từ 3-5 giây tại các giao lộ có gắn camera giám sát, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng hơn vào giờ cao điểm.
Tuân thủ pháp luật nói chung, pháp luật giao thông nói riêng là trách nhiệm của mỗi công dân. Để Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ từng bước đi vào cuộc sống, thiết nghĩ tăng mức xử phạt cần kết hợp với biện pháp tuyên truyền. Theo đó, công tác tuyên truyền pháp luật giao thông phải được thực hiện thường xuyên, liên tục thông qua nhiều hình thức. Việc xử phạt đối với từng trường hợp cụ thể cũng cần được xem xét thấu tình, đạt lý. Có như vậy mới có thể giúp công dân nâng tầm ý thức, thượng tôn pháp luật.