Nâng mức hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước
Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo diễn ra hôm nay 10/11.
Hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước trong năm 2025
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tình đồng chí, nghĩa đồng bào cao cả, mang tính toàn dân, toàn diện, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, phải tạo phong trào, xu thế, tổ chức như ngày hội, như chiến dịch, làm việc với tất cả tâm đức vì người nghèo, người có công với cách mạng để thúc đẩy hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Về mục tiêu, quan điểm, định hướng, Thủ tướng yêu cầu phấn đấu thực hiện bằng được mục tiêu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025, sớm hơn 5 năm so với mục tiêu ban đầu đề ra theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, tập trung huy động nguồn lực xã hội hóa kết hợp với nguồn lực của Nhà nước, phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành đồng thời cả 3 nhiệm vụ: hỗ trợ nhà ở cho người có công; hỗ trợ nhà ở theo các chương trình mục tiêu quốc gia; xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên phạm vi cả nước.
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện, lưu ý phát huy vai trò và gắn trách nhiệm của người đứng đầu; xây dựng kế hoạch với lộ trình cụ thể để bảo đảm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu đa dạng hóa nguồn lực theo hướng toàn dân, toàn diện. Trung ương dành nguồn vốn ngân sách Nhà nước theo các chương trình, đề án hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Các bộ, ngành, địa phương bố trí, phân bổ đủ vốn cho các chương trình theo kế hoạch đề ra.
Đồng thời, kêu gọi mọi người dân, doanh nghiệp đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ, chung tay trong triển khai thực hiện chương trình với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau". Các Bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các chính sách theo quy định, không để bị lợi dụng, trục lợi, tiêu cực, lãng phí.
"Sau 80 năm thành lập nước, chúng ta còn nhiều khó khăn do những nguyên nhân khách quan và chủ quan như trải qua 40 năm chiến tranh, 30 năm cấm vận, nhưng đến nay thu nhập bình quân đầu người đã hơn 4.300 USD, quy mô nền kinh tế Việt Nam gần 500 tỷ USD, không có lý do gì để người dân ở trong nhà tạm, dột nát".
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Nâng mức hỗ trợ ngay từ ngày 10/11
Về một số vấn đề xin ý kiến Ban Chỉ đạo, Thủ tướng yêu cầu thành lập Ban Chỉ đạo tới cấp xã do bí thư cấp ủy đứng đầu, hoàn thành trước 30/11/2024, họp Ban Chỉ đạo hàng tháng để rà soát, kiểm tra, đôn đốc công việc.
Liên quan tới đất đai, kinh phí, nhân công, nguyên vật liệu, Thủ tướng nêu rõ nguyên tắc lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, đầy đủ từ Trung ương đến địa phương, địa phương tổ chức thực hiện sáng tạo, vận dụng linh hoạt các quy định, đặc biệt là cấp xã; bám dân, bám cơ sở; Trung ương không làm thay tỉnh, tỉnh không làm thay huyện, huyện không làm thay xã.
Đáng chú ý, Thủ tướng thống nhất từ ngày hôm nay 10/11, nâng mức hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát lên 60 triệu đồng/căn nhà xây mới (hiện là 50 triệu đồng) và 30 triệu đồng/căn nhà sửa chữa (hiện là 25 triệu đồng); cùng với ngân sách Nhà nước thì cần khuyến khích các hình thức xã hội hóa.
Phân công nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện vai trò điều phối, nắm tình hình, tham mưu, đề xuất với Ban Chỉ đạo; chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng và các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, hướng dẫn các vấn đề còn vướng mắc về thủ tục.
Bộ Xây dựng khẩn trương nghiên cứu, thiết kế một số mẫu nhà ở điển hình, bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, hiệu quả, phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán và đặc điểm của từng địa phương, vùng miền, địa phương điều chỉnh phù hợp.
Bộ Tài chính chủ trì đề xuất, bố trí, hướng dẫn về ngân sách Nhà nước; yêu cầu việc sử dụng kinh phí từ nguồn tiết kiệm 5% chi ngân sách Nhà nước, kinh phí hỗ trợ nhà ở từ hai chương trình mục tiêu quốc gia phải bảo đảm thuận lợi, nhanh chóng, xóa cơ chế "xin - cho", chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
Ủy ban Dân tộc đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, bảo đảm hoàn thành hỗ trợ trong năm 2025.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả việc hỗ trợ nhà ở cho người có công; thực hiện việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, cho hộ nghèo, hộ cận nghèo bảo đảm đúng đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, không trùng lặp với các hoạt động hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước; tuân thủ trình tự, thủ tục theo đúng quy định pháp luật; không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực.
Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch truyền thông hiệu quả, chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí chủ động xây dựng kế hoạch, phương án truyền thông hiệu quả, vận động tích cực để lan tỏa mạnh mẽ phong trào, tạo khí thế thi đua sôi nổi, tạo đồng thuận xã hội để người dân, doanh nghiệp ủng hộ, chung tay, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm.
Thủ tướng cũng đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trực tiếp thực hiện và hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tiếp nhận ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân để thực hiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát thông qua Quỹ Vì người nghèo. Thực hiện việc giám sát đối với việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; kiểm tra, giám sát đối với việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên phạm vi cả nước.
Cả nước còn khoảng 315.000 hộ có khó khăn về nhà ở
Trong một diễn biến liên quan, ngày 9/11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 42 về việc đẩy nhanh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước.
Chỉ thị nêu, trong giai đoạn vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà ở, nhất là nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo khu vực nông thôn, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Các chính sách trên đã giúp cho khoảng 340.000 hộ người có công với cách mạng và trên 800.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở có chỗ ở ổn định, an toàn, vươn lên thoát nghèo bền vững.
"Tuy nhiên, đến nay cả nước còn khoảng 315.000 hộ có khó khăn về nhà ở, bao gồm các đối tượng người có công, các chương trình mục tiêu, hộ nghèo, hộ cận nghèo,… cần được hỗ trợ để cải thiện nhà ở đảm bảo an toàn; ổn định để an cư, lạc nghiệp; yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội," chỉ thị của Thủ tướng nêu.
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng đặt mục tiêu phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành 3 nhiệm vụ: hỗ trợ nhà ở cho người có công; hỗ trợ nhà ở cho người dân theo các chương trình mục tiêu quốc gia; xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân ngoài 2 nhóm hỗ trợ trên.