Nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân lên 18 triệu đồng/tháng là hợp lý
Hàng loạt bộ, ngành, địa phương cùng kiến nghị Bộ Tài chính nâng mức giảm trừ gia cảnh
![Cá nhân giao dịch tại Cục Thuế TP HCM](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_15_51440274/2892485f7c11954fcc00.jpg)
Cá nhân giao dịch tại Cục Thuế TP HCM
Bộ Tài chính vừa công bố bản tổng hợp tiếp thu góp ý về xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) thay thế. Trong đó, các bộ Quốc phòng, Giao thông vận tải, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin - Truyền thông,... và chính quyền một số tỉnh, thành phố đều cho rằng mức giảm trừ gia cảnh áp dụng với người nộp thuế 11 triệu đồng/tháng và 4,4 triệu đồng/tháng với người phụ thuộc không còn phù hợp với điều kiện kinh tế và mức sống của người dân hiện nay.
UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế lên 18 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc 8 triệu đồng/tháng. Tỉnh này viện dẫn theo Luật Thuế TNCN năm 2012, mức giảm trừ đối với người nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng, còn với người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng, được áp dụng từ tháng 7-2013. Tại thời điểm đó, mức lương cơ sở là 1,15 triệu đồng. Đến nay, mức lương cơ sở đã tăng lên 2,03 lần, tương đương 2,34 triệu đồng, nên cần phải nâng mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với tỷ lệ tăng mức lương cơ sở.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế lên 17,3 triệu đồng/tháng và cho người phụ thuộc lên 6,9 triệu đồng/tháng. Bởi mức lương cơ sở tại thời điểm ban hành mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng cuối năm 2019 chỉ 1,49 triệu đồng, đến cuối năm 2024 đã tăng lên 2,34 triệu đồng, tương ứng tăng 57,05%.
Hầu hết các ý kiến đều chỉ ra rằng một trong điểm bất hợp lý khác của Luật Thuế TNCN là khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 20%, Chính phủ mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với sự biến động của giá cả. Quy định này không còn phù hợp vì lạm phát của Việt Nam chỉ tăng khoảng 3-4%/năm, nếu để cộng dồn CPI tăng 20% phải mất khoảng 5 năm mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Trong khi đó, mức tăng CPI hàng năm đều có ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người nộp thuế
Theo PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả - Bộ Tài chính, việc lấy chỉ số CPI làm cơ sở điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là không phù hợp. Bởi lẽ, CPI chưa phản ánh hết được sự tăng giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày người dân phải chi trả. Vì thế, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh không chỉ căn cứ vào CPI, mà còn dựa vào mức tăng thu nhập của người dân.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín, ông Nguyễn Văn Được, cho rằng điều chỉnh giảm trừ gia cảnh cần phù hợp với sự biến động của giá cả. Việc này không nên chờ Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mà chỉ cần Quốc hội giao cho Chính phủ quyết định thay đổi mức giảm trừ gia cảnh khi CPI tăng đến một giới hạn nào đó, đồng thời xem xét việc tính mức giảm trừ theo chi phí thực tế của người nộp thuế.
Trong khi đó, ông Đồng Minh Hồng, Giám đốc Công ty Đại lý thuế và Tư vấn doanh nghiệp DVL, cho rằng nếu tổng mức giảm trừ gia cảnh và người phụ thuộc được tăng từ 15,4 triệu lên 26 triệu đồng sẽ giúp người làm công ăn lương giảm được rất nhiều áp lực. Khi đó, số tiền này và các khoản thu nhập miễn thuế khác sẽ được trừ vào tổng thu nhập, giúp mỗi cá nhân giảm thu nhập tính thuế, từ đó giảm thiểu số tiền thuế phải nộp.
Theo bà Phan Thị Bích Phượng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đại lý Thuế Bắc Trung Nam, tăng mức giảm trừ gia cảnh là một biện pháp quan trọng để hỗ trợ người lao động và gia đình họ giảm bớt áp lực tài chính. Nhà nước cần xem xét tình hình kinh tế, đời sống của người lao động để xác định mức giảm trừ gia cảnh hợp lý và mang tính công bằng, đồng thời cần được cân nhắc với nguồn thu ngân sách và mục tiêu phát triển kinh tế.